Bộ Ngoại giao Mỹ bắt đầu sa thải hàng nghìn nhân viên
VOV.VN - Hôm qua (theo giờ địa phương), hơn 1.300 nhân viên của Bộ Ngoại giao Mỹ đã bị sa thải chỉ 3 ngày sau khi Tòa Tối cao Mỹ có động thái “bật đèn xanh”.
Việc sa thải nhân viên ngoại giao này là một phần trong kế hoạch tái cơ cấu toàn diện và tinh gọn chính phủ liên bang của chính quyền Tổng thống Donald Trump, đồng thời tập trung ưu tiên chính sách đối ngoại của Mỹ phù hợp với quan điểm “Nước Mỹ trên hết”.

Trong thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ gửi đến nhân viên, Bộ này khẳng định đang tinh giản các hoạt động trong nước để tập trung cho các ưu tiên ngoại giao. Quyết định cắt giảm đã được cân nhắc kỹ để tác động tới những chức năng không cốt lõi, bộ phận dư thừa, trùng lặp vai trò hoặc có hiệu quả không đáng kể.
Quyết định sa thải hôm qua ảnh hưởng tới 1.107 viên chức hành chính và 246 viên chức ngoại giao tại Mỹ, với việc hàng trăm văn phòng và đơn vị chức năng bị giải thể hoặc tái cấu trúc theo kế hoạch. Tuy nhiên, dự kiến Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ tiếp tục cắt giảm, ước tính tổng cộng gần 3.000 người, trong tổng số 18.000 nhân viên, trong đó có cả những người tự nguyện thôi việc.
Theo thông báo, các viên chức ngoại giao nhận thông báo “Cắt giảm nhân sự” (RIF) qua email và sẽ được cho nghỉ hành chính trong 120 ngày trước khi chính thức chấm dứt công việc. Đối với phần lớn nhân viên công vụ, thời gian nghỉ chờ việc kéo dài 60 ngày trước khi quyết định sa thải có hiệu lực.
Tuy nhiên, kế hoạch cắt giảm nhân sự của Bộ Ngoại giao đã vấp phải nhiều ý kiến chỉ trích, đặc biệt trong bối cảnh vai trò của các nhà ngoại giao và chuyên gia quan hệ quốc tế được cho là vô cùng quan trọng, khi chính quyền của Tổng thống Mỹ đang nỗ lực làm trung gian chấm dứt các cuộc xung đột tại Ukraine và Trung Đông.
“Điều này thật tàn khốc. Đây cũng là hành vi tự phá hoại, kéo nhiều người ra khỏi tuyến đầu khi chúng ta thực sự cần họ nhất. Giờ đây, khi chúng ta đang có căng thẳng ở Trung Đông, Ukraine, một Trung Quốc đang trỗi dậy… chúng ta đang làm gì để kéo những người biết cách ứng phó với những căng thẳng này trên thế giới?”.
“Điều quan trọng là phải ủng hộ những người đã làm việc rất chăm chỉ cho đất nước này và cho chính sách đối ngoại của chúng ta, và tôi hy vọng rằng việc sa thải họ, điều mà tôi coi là bất hợp pháp, sẽ được rút lại bằng cách nào đó”.
Tuy nhiên, theo các kênh truyền thông Mỹ, những người bị sa thải hôm qua là nhân sự xử lý những vấn đề như ứng phó chủ nghĩa bạo lực cực đoan; hỗ trợ những người Afghanistan rời khỏi nước này sau khi Taliban kiểm soát chính quyền; các trao đổi về giáo dục; và những vấn đề liên quan đến nữ quyền, người tị nạn và biến đổi khí hậu.
Giới lãnh đạo Bộ Ngoại giao Mỹ bảo vệ quyết định tái cấu trúc, nhấn mạnh nếu một chức năng cụ thể không còn phù hợp với định hướng hoạt động mới của bộ, chức năng đó sẽ bị loại bỏ. Quyết định không dựa vào người đó là ai. Đây là bước đi cần thiết để biến một cơ quan “cồng kềnh” trở nên hiệu quả và phù hợp hơn với ưu tiên của Tổng thống.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Tammy Bruce cho biết: “Bộ đang tiến hành một cuộc tái tổ chức mang tính lịch sử như Bộ trưởng Rubio đã công bố vào ngày 22/4, nhằm điều chỉnh tốt hơn các hoạt động và chương trình của lực lượng lao động với các ưu tiên chính sách đối ngoại “Nước Mỹ trên hết”. Phán quyết gần đây của Tòa án Tối cao Mỹ cho phép việc tái tổ chức được bắt đầu và sẽ đảm bảo Bộ hành động với tốc độ phù hợp và khôi phục nền dân chủ hướng đến kết quả của mình”.
Ngoại trưởng Marco Rubio khẳng định, việc tái cơ cấu được thực hiện đang là bài bản và kỹ lưỡng nhất từ trước đến nay.