Mỹ sắp sản xuất bom nhiệt hạch mới mạnh gấp 24 lần quả bom thả xuống Hiroshima
VOV.VN - B61-13, mạnh gấp 24 lần quả bom Mỹ từng thả xuống Hiroshima (Nhật Bản) dự kiến sẽ được sản xuất hàng loạt vào cuối năm nay.
Cơ quan An ninh hạt nhân quốc gia Mỹ (NNSA) cho hay, nước này dự kiến bắt đầu sản xuất lô đầu tiên của mẫu bom trọng lực nhiệt hạch mới nhất, B61-13, ngay trong tháng 6 tới.
B61-13 là phiên bản nâng cấp từ mẫu bom hạt nhân B61 từng được sản xuất hàng loạt vào năm 1968. Phiên bản mới sẽ được hiện đại hóa với hệ thống điện tử và thiết bị điều khiển mới, trong đó có bộ phận đuôi điều hướng, giúp biến nó thành một loại vũ khí dẫn đường chính xác.

Theo Fox News, đầu đạn của B61-13 có sức công phá tối đa khoảng 360 kiloton, gấp 24 lần quả bom Mỹ từng thả xuống Hiroshima.
“Chúng tôi dự kiến sẽ sản xuất lô B61-13 đầu tiên trong tháng này, sớm hơn gần một năm so với kế hoạch”, quyền lãnh đạo NNSA, bà Teresa Robbins, thông báo trước Quốc hội Mỹ ngày 7/5. Bà cho biết thêm, việc sản xuất hàng loạt sẽ được triển khai vào cuối năm tài khóa 2025.
Theo bà Robbins, loại bom này sẽ “tăng cường năng lực răn đe và bảo đảm an ninh” bằng cách cung cấp cho Tổng thống Mỹ thêm lựa chọn trong việc đối phó với các mục tiêu quân sự kiên cố hoặc có diện tích lớn.
Từ tháng 1/2025, Washington đã bắt đầu triển khai các phiên bản trước đó là B61-12 tại các căn cứ quân sự của Mỹ ở châu Âu.
Mặc dù tích cực thúc đẩy hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn tuyên bố rằng vũ khí hạt nhân là “mối đe dọa sinh tồn lớn nhất đối với nhân loại”.
Hồi tháng 3 vừa qua, ông từng kêu gọi các cường quốc hạt nhân từ bỏ loại vũ khí này.
“Sẽ thật tuyệt nếu tất cả chúng ta có thể giải trừ vũ khí hạt nhân, vì sức mạnh của chúng thật điên rồ. Tôi rất mong muốn khởi động các cuộc đàm phán về vấn đề này”, ông Trump nói với các phóng viên khi đó.
Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ đầu tiên, chính ông Trump đã đơn phương rút Mỹ khỏi Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) ký năm 1987, với lý do Nga vi phạm hiệp ước. Moscow phủ nhận cáo buộc này đồng thời chỉ trích Washington về việc rút khỏi hiệp ước.
Năm 2024, sau khi chính quyền Tổng thống Joe Biden cho phép Ukraine sử dụng tên lửa do Mỹ cung cấp trong các cuộc tấn công tầm xa vào sâu bên trong lãnh thổ Nga, Moscow đã sửa đổi học thuyết hạt nhân. Theo học thuyết mới, bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào Nga do một quốc gia không sở hữu vũ khí hạt nhân thực hiện nhưng được hậu thuẫn bởi một quốc gia có vũ khí hạt nhân, sẽ được xem là hành động gây chiến từ cả hai, và Nga sẽ đáp trả bằng vũ khí hạt nhân.