Cách Nga bảo vệ "thiên nga trắng" trước đòn tấn công UAV của Ukraine
VOV.VN - Nga đã di dời các chiến đấu cơ giá trị nhất của mình tới một căn cứ không quân hẻo lánh ở vùng viễn Đông sau cuộc tấn công bất ngờ bằng UAV của Ukraine ngày 1/6 phá hủy một số máy bay ném bom chiến lược.
Các hình ảnh vệ tinh cho thấy, 2 máy bay ném bom siêu thanh Tupolev Tu-160 hay còn được gọi là Thiên nga trắng đã được đưa tới căn cứ Anadyr, cách tiền tuyến hơn 6.400 km.
Căn cứ này nằm trên Bán đảo Chukotka, một khu vực hẻo lánh chỉ có thể tiếp cận bằng đường hàng không và đường biển, cách Alaska của Mỹ chỉ khoảng 660 km. Đây là một phần của hệ thống phòng thủ thời Chiến tranh Lạnh nhằm đối phó với các cuộc tấn công tiềm tàng từ Mỹ.

Tu-160 là loại máy bay ném bom siêu thanh có khả năng mang vũ khí hạt nhân, được coi là khí tài đắt đỏ nhất trong kho vũ khí của Nga, với chi phí khoảng 500 triệu USD/chiếc. Trong khi đó, B-52 Stratofortress - máy bay chủ lực của Không quân Mỹ có chi phí khoảng 94 triệu USD.
Không chỉ đắt đỏ, số lượng Tu-160 cũng rất hạn chế. Nga hiện chỉ có khoảng 16 chiếc đang hoạt động, trong khi phía Ukraine tuyên bố đã gây thiệt hại cho một số chiếc trong đợt tấn công tuần trước.
Theo Giáo sư Justin Bronk, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng Hoàng gia Anh (RUSI), hình ảnh từ căn cứ Anadyr cho thấy Moscow đang cố gắng giảm rủi ro từ cuộc tấn công UAV tiếp theo.
Cuộc tấn công hôm 1/6 hay Chiến dịch Mạng nhện là kết quả của 18 tháng lên kế hoạch tỉ mỉ của Cơ quan An ninh Ukraine (SBU). Một đoạn video do SBU công bố hôm 11/6 đã hé lộ chi tiết về chiến dịch này. Theo đó, các UAV giá rẻ được lén đưa vào Nga bằng cách giấu trong các cabin gỗ lắp trên xe tải và các tài xế thậm chí không biết mình đang vận chuyển gì. Khi đến gần căn cứ, cabin được mở ra và UAV được phóng lên không kích mục tiêu.
“Mọi thứ được lên kế hoạch chính xác đến từng giây", video nhấn mạnh. Chiến dịch diễn ra đồng loạt tại ba múi giờ khác nhau, với sự tham gia của 117 UAV. Theo đoạn video: “Mạng lưới của SBU đã phủ khắp nước Nga". SBU lên kế hoạch nhắm vào 5 căn cứ không quân nhưng chỉ có 4 căn cứ bị nhắm trúng do UAV nổ sớm khi đang trên đường tới một căn cứ ở Viễn Đông.
Đô đốc Pierre Vandier, Tổng tư lệnh quân đồng minh của NATO gọi chiến dịch là một “sự tái sinh của chiến thuật "Con ngựa thành Troy" bằng "sự sáng tạo về mặt công nghệ và công nghiệp".
Thứ trưởng Ngoại giao Nga, Sergei Ryabkov cho biết năng lực răn đe hạt nhân của Moscow “không bị tổn hại nghiêm trọng” và những thiết bị bị ảnh hưởng “sẽ được khôi phục”. Tuy vậy, các chuyên gia nhận định, phải mất nhiều năm Nga mới có thể phục hồi sau đòn đánh này khi giới chức Ukraine ước tính chiến dịch đã gây thiệt hại khoảng 7 tỷ USD.
Một số máy bay Tu-95 và Tu-22 được cho là đã bị phá hủy trong chiến dịch. Tuần trước, Kiev cho biết Nga đã sử dụng một chiếc Tu-160 để phóng tên lửa hành trình vào Ukraine - một diễn biến không thường thấy, hé lộ Moscow có thể đang thiếu Tu-95 và Tu-22 vốn thường được sử dụng cho nhiệm vụ này.
Hiện Tu-95 và Tu-22 đã ngừng sản xuất còn Tu-160 vẫn được lắp ráp mới nhưng chỉ có hai chiếc được hoàn thiện kể từ năm 2022. Mặc dù là một thiết kế từ thời Liên Xô nhưng năm 2018, Bộ Quốc phòng Nga đã đặt hàng 10 chiếc Tu-160 mới với tổng chi phí 160 tỷ rúp.