111111

Về thông tin “rúng động” ngành giáo dục Hải Phòng (kỳ 4)

VOV.VN -Phóng viên VOV phát hiện ba “sự lạ” của cô giáo Nguyễn Thị Là không xứng với cương vị Phó Bí thư, Phó Hiệu trưởng

Liên quan tới những thông tin gây “rúng động” về Trường THPT Kiến An đã được cơ quan có thẩm quyền (Sở GD&ĐT Hải Phòng) kết luận là không chính xác hoặc không đúng bản chất sự việc, phóng viên VOV phát hiện ba “sự lạ” của cô giáo Nguyễn Thị Là không xứng đáng với cương vị Phó Bí thư, Phó Hiệu trưởng Nhà trường.

Buổi làm việc giữa BGH Trường Kiến An với các nhà báo (Hiệu phó Nguyễn Thị Là ngồi giữa)

Lập chứng từ giả, đổ cho Hiệu trưởng

Vào thời điểm chỉ còn đúng 1 tháng nữa Hiệu trưởng Trường Kiến An Đỗ Thị Hòa nhận quyết định điều chuyển làm Hiệu trưởng Trường Trần Phú, Hiệu phó Nguyễn Thị Là được giao lập chứng từ chi cho cán bộ Quận đội Kiến An tham gia giảng dạy môn GDQPAN năm học 2012-2013. Theo phân phối chương trình  GDQPAN mỗi lớp học 1tiết/tuần, bất kỳ thầy cô nào cũng có thể nhẩm ra ngay con số 1.120 tiết dạy (35 tuần x 32 lớp) tại trường trong  cả năm học; trong đó, 4 cán bộ Quận đội tham gia dạy 4 bài cho cả 3 khối, tổng cộng 172 tiết. Bà Là từng được Hiệu trưởng giao liên hệ với bên quân đội và lập chứng từ thanh toán dạy môn GDQPAN trong nhiều năm liền nên càng phải biết.

“Sự lạ” diễn ra sau khi phía Quận đội Kiến An đóng dấu, ký tên xác nhận danh sách 4 cán bộ Quận đội Kiến An tham gia giảng dạy môn GDQPAN trong chứng từ do bà Là lập, thì bà Là bịa thêm vào chứng từ số tiết dạy của từng cán bộ quân đội, tổng hợp thành 1.120 tiết (gấp hơn 6 lần số thực dạy) rồi nhân 25.000 đ/tiết, trình Hiệu trưởng duyệt chi 28 triệu đồng. Thấy chứng từ đầy đủ chữ ký, con dấu của phía Quận đội và Nhà trường, lại do chính Phó Hiệu trưởng lập ra và đề xuất, trong thời điểm đang có đơn thư phản đối chuyện bà Hòa về Trường Trần Phú, bà Hòa đã không tỉnh táo khi ký duyệt chi vào ngày 15/4. Cũng ngay trong ngày 15/4, bà Là trực tiếp ký lĩnh tiền và giữ hơn 1 tháng thì bị phát hiện.

Bị phát hiện là vì sau khi bà Hòa có quyết định bổ nhiệm Hiệu trưởng Trường Trần Phú, ngày 23/5, bà Là không báo cáo Hiệu trưởng mới mà tự tiện gặp kế toán mượn chứng từ chi 28 triệu nói là “để em xem đã chi cho những ai” (theo tường trình của kế toán). Nhưng mượn xong, bà Là kiên quyết không trả dù kế toán đã 3 lần đòi, vụ việc phải báo cáo lên lãnh đạo Sở GD&ĐT thì bà Là mới trả sau 2 ngày 1 đêm giữ chứng từ kế toán trái phép.

Lúc này mới tóe loe ra “sự lạ” là chứng từ lập gian dối khiến kế toán không thể hoàn tất việc thanh toán khi phía Quận đội Kiến An khẳng định không tham gia xác nhận chứng từ tài chính và cũng không nhận tiền của Nhà trường. Bà Là liền đổ cho Hiệu trưởng Đỗ Thị Hòa đã chỉ đạo việc làm sai này. Lời tố của bà Là như được tăng thêm sức nặng khi chứng từ được cung cấp cho báo chí và câu chuyện “Hiệu trưởng Đỗ Thị Hòa lập chứng từ chi khống 28 triệu đồng” trở thành tâm điểm của dư luận đúng vào dịp thầy trò bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Vậy có hay không chuyện Hiệu trưởng Đỗ Thị Hòa lập chứng từ giả mạo?

Theo nguyên tắc “trọng chứng hơn trọng cung” thì bà Là rất đuối lý. Bởi bà Là chỉ có bằng chứng từ một phía, lại là “bằng chứng” lời nói không người làm chứng của bà Là. Mà lời cùa bà Là trong vụ việc này lại đầy mâu thuẫn.

Mâu thuẫn thứ nhất, bà Là là một Hiệu phó, một Phó Bí thư Chi bộ Nhà trường, không lẽ nhắm mắt tuân theo bà Hòa lập chứng từ giả mạo để rút tiền công quỹ mà bút tích do bà viết, tiền do bà lĩnh và nắm giữ?!... Còn bà Hòa, trong lúc có nhiều đơn thư phát đi từ Trường Trần Phú, biết rõ ông Phú không muốn rời ghế Hiệu trưởng Trần Phú cho bà làm, lại biết rõ bà Là là em dâu ông Phú, không lẽ lại chỉ đạo bà Là làm chứng từ giả mạo để chia nhau mà bà lại không được một đồng nào, rồi ký duyệt vào đó, tự đưa mình vào bẫy?!..

Mâu thuẫn thứ hai là khi mọi chuyện phát lộ, bà Là vội nói ngay trong cuộc họp cán bộ chủ chốt chiều 23/5, số tiền 28 triệu đồng bà đã chi cho bên Quận đội Kiến An 5 triệu, chi mua giáo án GDQPAN 3 triệu (mà mua từ đầu năm học), chi cho Tổ giáo viên giảng dạy 9 triệu, chi cho cán bộ Nhà trường 2 triệu, chi liên hoan 5 triệu. Tổng cộng là 24 triệu. Thế nhưng khi Tổ Công tác của Sở GD&ĐT Hải Phòng về trường xác minh thì bà “nói cong” ngay được là số tiền 24 triệu đồng bà đã chi không liên quan gì đến số tiền 28 triệu đồng, đó là tiền riêng của bà. Tiền riêng mà lại chi cho việc công, hầu hết lại không có chứng từ?

Mâu thuẫn thứ ba, khi bà Là “nói cong” không động gì đến số tiền 28 triệu đồng, bà lại quên lời nói của bà khi mượn chứng từ chi 28 triệu đồng của kế toán: “để em xem đã chi cho những ai” (!?)

Trong khi đó, lời khẳng định của Hiệu trưởng Đỗ Thị Hòa là không chỉ đạo bà Là lập chứng từ gian dối và bà Là cũng không báo cáo gì về việc chi trả sau khi ký nhận 28 triệu đồng, lại có chứng cứ thuyết phục.

Đó là, trước khi bà Hòa chuyển làm Hiệu trưởng Trường chuyên Trần Phú, đã có 3 cuộc họp có nội dung bàn giao công việc giữa Hiệu trưởng cũ và mới của Trường Kiến An vào các ngày 13/5; 18/5 và 20/5.  Bà Là và các Phó Hiệu trưởng đều tham gia họp, được phát biểu và được yêu cầu báo cáo công việc đã và đang làm bằng văn bản. Điều đáng ngạc nhiên là sự kiện “động trời” của việc lập chứng từ chi 28 triệu đồng giả mạo và không hoàn tất được chứng từ thanh toán liên quan trực tiếp đến bà Là nhưng bà Là không hề báo cáo lấy một câu, dù là bằng miệng tại cả 3 cuộc họp quan trọng kể trên. Nếu đúng là bà Là làm hoàn toàn theo chỉ đạo thì chắc chắn bà phải báo cáo để làm rõ trách nhiệm của Hiệu trưởng cũ và của mình, cũng như để Hiệu trưởng mới nắm được sự việc để tiếp tục chỉ đạo. Chỉ có khuất tất thì mới dấu nhẹm đi mà thôi.

Một chứng cứ khác cho thấy trong vấn đề tài chính bà Là rất hay tự quyết, không báo cáo Hiệu trưởng, kể cả Hiệu trưởng mới nhậm chức. Theo Kết luận của Sở GD&ĐT Hải Phòng, số tiền thu 300.000 đồng/học sinh theo nghị quyết của Hội Cha mẹ học sinh là trái với quy định, buộc phải trả lại cho học sinh, và đã trả hơn 93 triệu. Số tiền đã chi 61.604.000 đồng, Phó Hiệu trưởng Nguyễn Thị Là và Thủ quỹ phải có trách nhiệm thu hồi và làm văn bản trả lại học sinh. Sau đó, bản kiểm điểm ngắn ngủn của bà Là không thấy nói việc này. Còn Thủ quỹ Bùi Thị Uyên thì thành khẩn nêu rõ: Hiệu phó Nguyễn Thị Là “bảo tôi nếu thu thì không được viết phiếu thu mà chỉ ghi vào sổ thôi”, “Do vậy, tôi tiến hành thu khi chưa có văn bản chỉ đạo thu và phiếu thu của Nhà trường”; “Việc phát tiền bồi dưỡng là tôi thực thi theo lệnh của đ/c Là, Phó Hiệu trưởng, đ/c Là đã lập các chứng từ, chuyển cho tôi và bảo tôi phát cho các đối tượng. Tôi đã hỏi có phải thông báo qua đ/c Lê Hoàng Việt, Hiệu trưởng không, thì đ/c Là bảo “không”, đ/c Việt mới về nên giao toàn quyền cho chị rồi”.

Giúp phụ huynh giả, phụ huynh thật kiện

Chuyện bi hài này diễn như sau. Ngày 20/5, tại cuộc họp bàn giao, Hiệu trưởng Lê Hoàng Việt thông báo có 4 đầu việc Hiệu trưởng trực tiếp quản lý, không ủy quyền cho bất kỳ ai, trong đó có việc quản lý hồ sơ cán bộ và hồ sơ học sinh. Ngày hôm sau, bà Là “lạm quyền” ngay.

Cụ thể, ngày 21/5, một người đàn ông mặc quần áo bộ đội đến gặp văn thư nhà trường xin photo 2 quyển học bạ của 2 học sinh nhưng nói sai họ tên, khiến văn thư nghi ngờ và khước từ. Người đàn ông rút máy điện thoại gọi. Trên tầng trên máy điện thoại bà Là reo. Sau đó bà Là cử một cán bộ văn thư xuống để truyền đạt chỉ thị của bà Là là phải photo học bạ và đóng dấu giáp lai cho phụ huynh. Không yên tâm, sau đó, bà Là cũng xuống theo. Cán bộ văn thư nêu nghi ngờ về phụ huynh và đề nghị cho học sinh và giáo viên chủ nhiệm xuống xác nhận. Nhưng bà Là không nghe, còn nói, gia đình phụ huynh đã điện trực tiếp cho bà, rồi chỉ đạo cán bộ văn thư  photo 2 quyển học bạ, đóng dấu giáp lai và giao cho ông “phụ huynh” đáng ngờ.

Ngay sau đó, “phụ huynh giả” bị vạch mặt khi 2 gia đình phụ huynh thật có đơn khiếu nại. Đơn của ông Nguyễn Khắc Minh Phong (bố em Nguyễn Khắc Trung) có đoạn: “Sự việc xảy ra đúng trong giai đoạn con trai tôi đang chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT, đã gây hoang mang lo sợ cho cháu và có thể ảnh hưởng tới kết quả thi. Chính vì vậy một lần nữa kính đề nghị nhà trường quan tâm, giải quyết cho gia đình chúng tôi”.

Sở GD&ĐT Hải Phòng đã kết luận và yêu cầu  bà Là nghiêm khắc kiểm điểm hành vi “tự ý chỉ đạo photo học bạ” gây hoang mang phụ huynh và học sinh. Tuy nhiên, Bản kiểm điểm của bà Là không có một chữ về việc này. Trong khi đó, Cảnh sát khu vực phường Quán Trữ cho biết, bà Là đã nhờ anh tác động để gia đình phụ huynh rút đơn, nhưng anh không làm. Sao bà Là lại quanh co thế?

Điều tra học sinh, học sinh phủ định

Đơn trình báo của học sinh trường Kiến An

“Sự lạ” này cũng chính là thêm một bằng chứng về “thói quen” không báo cáo Hiệu trưởng của bà Nguyễn Thị Là. Đó việc là bà Là tự ý bí mật mở cuộc điều tra qua học sinh về dạy học môn GDQPAN ở Trường Kiến An. Với cương vị Phó Hiệu trưởng, Phó Bí thư, bà Là hoàn toàn có đủ tư cách đề nghị Nhà trường tổ chức một cuộc điều tra công khai về vấn đề này, nhất là khi Nhà trường đã có Bí thư và Hiệu trưởng mới được bổ nhiệm. Không được giao nhiệm vụ, cũng không  báo cáo tổ chức, việc bà Là  kéo học sinh vào cuộc điều tra không chính danh, khiến sự việc mang màu sắc “trò tố thầy” rất phản giáo dục.

Bà Là đã tự soạn văn bản điều tra rồi gặp gỡ một số em học sinh, một mình phát văn bản, một mình thu về, rồi không công bố. Ngay cả khi Sở GD&ĐT Hải Phỏng cử Tổ Công tác đến trường xác minh nội dung này, bà cũng không báo cáo.  Chỉ đến khi Sở GD&ĐT kết luận nhiều sai phạm của bà Là, bà mới làm Đơn kiến nghị gửi UBND TP Hải Phòng và báo chí. Trong đơn bà viết, bà có chứng cứ điều tra qua học sinh và sẽ cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền. Nhưng “cơ quan có thẩm quyền” đầu tiên được cung cấp và sử dụng “chứng cứ” này lại là một tờ báo đăng bài bảo vệ bà Là và nêu rõ: “Biên bản xác minh ngày 23/5/2013 tại lớp 12A7, Bí thư chi đoàn Vũ Diệu Hương, lớp trưởng Nguyễn Văn Khoa, các tổ trưởng Ngô Hoàng Huy, Nguyễn Văn Hiệp... đều  ký tên xác nhận trong niên khóa 2012-2013 học sinh trong lớp chỉ học duy nhất 1 tiết GDQP mà thôi”.

Dùng phương pháp sai thì khó có thể có kết quả đúng, “kết quả điều tra” của bà Là cũng vậy. Bà Là chắc không ngờ rằng, chính Bí thư Chi đoàn lớp 12A7 Vũ Diệu Hương và cả lớp trưởng 12A7 Nguyễn Văn Khoa, lại có Bản tường trình gửi BGH Trường Kiến An phản ánh và xin phủ nhận kết quả điều tra mà các em “bị tham gia”. Em Hương viết: “Vào buổi sáng ngày 23/5/2013, trong không khí trường lớp đang náo nức chuẩn bị cho buổi chiều bế giảng và chúng em đang mải mê cười đùa rồi viết lưu bút kỉ niệm trong buổi học cuối. Cô Nguyễn Thị Là Phó Hiệu trưởng lên lớp 12A7 và đưa cho chúng em một số thông tin yêu cầu điền một số thông tin liên quan đến việc học GDQPAN của chúng em trong các năm học vừa qua. Do trong lúc không tập trung và chưa nắm rõ yêu cầu của cô Là nên em đã khai báo sai sự thật và đã kí mà chưa suy nghĩ kĩ. Nhưng sự thật là trong các năm học vừa qua chúng em đã học môn GDQPAN đầy đủ. Đúng với yêu cầu nhà trường và Bộ Giáo dục đề ra. Em xin cam đoan những điều em viết trên hoàn toàn là sự thật. Em mong nhà trường thông cảm cho hành vi thiếu suy nghĩ của em”.

Em Nguyễn Thị Thảo Nguyên, Bí thư lớp 12A5 cùng học sinh của nhiều lớp đã “hối hận” khi ký vào “phiếu điều tra”  của bà Là đưa mà không đọc kỹ. Rồi Đơn kiến nghị có chữ ký của 10 em học sinh các lớp 10C1, 10C3, 10C4, 10C6, 10C7; Thư ngỏ của các em lớp 12A3, 12A4, 12A5, 12A6, 12A11, 12A12 với những dòng chữ: “Thực tế, môn GDQPAN chúng em được các thầy, cô cho học và kiểm tra đầy đủ, đánh giá, xếp loại cho mỗi học sinh của từng học kỳ... Thông tin này đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới danh tiếng nhà trường...”

Và còn nhiều nữa, nhưng thôi, người lớn hãy làm bổn phận của mình.

Có hai sức mạnh mang đến sự yên ổn là pháp luật và đạo đức. Tại Trường Kiến An đã có nhiều cán bộ đảng viên, giáo viên lên tiếng đấu tranh về ba “sự lạ” của Phó Bí thư, Phó Hiệu trưởng Nguyễn Thị Là. Bên cạnh đó, nội dung ba “sự lạ” còn cho thấy, đã có dấu hiệu của hành vi vi phạm pháp luật hình sự, rất cần được các cơ quan pháp luật thành phố Hải Phòng điều tra, kết luận và xử lý nghiêm minh, góp phần giữ cho môi trường giáo dục cùa Hải Phòng, của đất nước được trong lành./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Về thông tin gây "rúng động" ngành giáo dục Hải Phòng (kỳ 1)
Về thông tin gây "rúng động" ngành giáo dục Hải Phòng (kỳ 1)

VOV.VN - Thực hư việc  Trường THPT Kiến An không tổ chức dạy môn Giáo dục QP-AN nhưng vẫn thu thêm khoảng gần 130 triệu đồng/năm?

Về thông tin gây "rúng động" ngành giáo dục Hải Phòng (kỳ 1)

Về thông tin gây "rúng động" ngành giáo dục Hải Phòng (kỳ 1)

VOV.VN - Thực hư việc  Trường THPT Kiến An không tổ chức dạy môn Giáo dục QP-AN nhưng vẫn thu thêm khoảng gần 130 triệu đồng/năm?

Về thông tin gây “rúng động” ngành giáo dục Hải Phòng (kỳ 3)
Về thông tin gây “rúng động” ngành giáo dục Hải Phòng (kỳ 3)

VOV.VN-Để tìm hiểu khách quan thông tin liên quan trực tiếp đến ông Bùi Văn Phú, chúng tôi liên hệ và được ông hẹn làm việc vào 8h sáng 16/7.

Về thông tin gây “rúng động” ngành giáo dục Hải Phòng (kỳ 3)

Về thông tin gây “rúng động” ngành giáo dục Hải Phòng (kỳ 3)

VOV.VN-Để tìm hiểu khách quan thông tin liên quan trực tiếp đến ông Bùi Văn Phú, chúng tôi liên hệ và được ông hẹn làm việc vào 8h sáng 16/7.

Về thông tin gây "rúng động" ngành giáo dục Hải Phòng (kỳ 2)
Về thông tin gây "rúng động" ngành giáo dục Hải Phòng (kỳ 2)

VOV.VN -Việc lựa chọn Hiệu trưởng đương nhiên phải được cân nhắc. Thế nhưng, khi quyết định chưa được ban ra, đã râm ran dư luận

Về thông tin gây "rúng động" ngành giáo dục Hải Phòng (kỳ 2)

Về thông tin gây "rúng động" ngành giáo dục Hải Phòng (kỳ 2)

VOV.VN -Việc lựa chọn Hiệu trưởng đương nhiên phải được cân nhắc. Thế nhưng, khi quyết định chưa được ban ra, đã râm ran dư luận

90ph tv 90 tv mitom link bong da tv soi kèo hôm nay Đại lý bóng đá mitom keo ma cao