Tạm giữ 13 đối tượng liên quan đường dây lừa đảo hoạt động tại Campuchia
VOV.VN - Ngày 9/6, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, đơn vị đã triệu tập đấu tranh với 13 đối tượng liên quan đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoạt động tại Campuchia do các đối tượng người Việt Nam câu kết với đối tượng người Trung Quốc cầm đầu…
13 đối tượng bị tạm giữ hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” gồm: Trịnh Ngọc Linh, Tạ Thu Hà, cùng ở Thanh Hóa (chủ mưu cầm đầu); Phùng Khả Đạt, Tạ Thanh Tùng, ở tỉnh Thanh Hoá (quản lý); Trần Mộng Hoàng Phúc; Nguyễn Bá Kiên đều ở huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa; Lê Minh Trí; Trần Hoài Linh, đều ở TP.Cao lãnh, tỉnh Đồng Tháp; Trương Ngọc Tư (trú tỉnh Thanh Hoá); Hà Thị Hiên (trú huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu); Huỳnh Vĩnh An (trú huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang); Trần Chí Tâm (trú quận Cái Răng, TP. Cần Thơ) và Nguyễn Thị Cẩm Huyên (trú huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo kết quả điều tra ban đầu, khoảng tháng 7/2024, Tạ Thu Hà cùng Trịnh Ngọc Linh sang khu vực TP.Bavet, tỉnh Svay Rieng - Campuchia giáp cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh để tổ chức hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tại đây, Hà và Linh đã liên hệ và thỏa thuận với một đối tượng người Trung Quốc về việc thuê nhà trong khu tự trị và được các đối tượng người Trung Quốc lắp đặt 20 máy tính bàn, trang bị wifi và các trang thiết bị phục vụ hoạt động lừa đảo.
Quá trình hoạt động, Hà và Linh đã câu kết với một số đối tượng người Việt Nam khác lập nhóm Telegram “NỘI BỘ 1” do Hà làm trưởng nhóm. Đồng thời, các đối tượng sẽ mua các tài khoản facebook, zalo “ảo” và giao lại cho các thành viên trong nhóm tiến hành “nuôi” tài khoản để tăng lượng tương tác, đăng tải những hình ảnh giả danh là tài khoản của phụ nữ để làm quen và rủ rê, lôi kéo khách hàng là nam giới tham gia làm nhiệm vụ dưới dạng mua đơn hàng qua trang Tiki.
Ban đầu, các đối tượng sẽ mồi chài bằng những nhiệm vụ đơn giản và sinh lợi nhuận ngay, sau đó đầu tư làm những nhiệm vụ mất chi phí lớn hơn, rồi đưa ra các thông tin khác nhau về việc bị giam tiền phải nộp tiền làm thêm nhiệm vụ thì mới lấy lại được tiền. Khi khách hàng nghi ngờ hoặc không còn khả năng thì sẽ chiếm đoạt, chặn tin nhắn và xóa kết bạn với những tài khoản của bị hại.
Để trốn tránh cơ quan chức năng Việt Nam, đối tượng người Trung Quốc cung cấp số tài khoản để nhận tiền lừa đảo, loại tài khoản doanh nghiệp có tên tại Việt Nam và liên tục thay đổi tài khoản. Khi bị hại chuyển tiền vào tài khoản thì Tạ Thanh Tùng có nhiệm vụ báo lại cho trung tâm thanh toán là tài khoản Telegram do đối tượng người Trung Quốc quản lý.
Quy trình dòng tiền phía sau sẽ được đối tượng này che giấu qua việc quy đổi, mua bán USD. Sau khi trừ tất cả các chi phí thì quy đổi ra USD và giao tiền mặt cho Tạ Thu Hà hoặc Trịnh Ngọc Linh để xử lý các hoạt động và chi trả “lương” cho nhân viên.
Quá trình điều tra ban đầu xác định, tổng số tiền các đối tượng trực tiếp lừa đảo của hàng chục bị hại trên cả nước hàng tỷ đồng. Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã tạm giữ hình sự đối với 13 đối tượng về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.