Khiếu nại đình chỉ điều tra, cựu Bí thư Bến Cát yêu cầu minh oan
VOV.VN - Ông Nguyễn Hồng Khanh (SN 1967, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Bí thư thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương), vừa gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng.
Ông Khanh khẳng định mình vô tội và cho rằng việc Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Bình Dương đình chỉ điều tra với lý do "người phạm tội không còn gây nguy hiểm cho xã hội" là để né tránh trách nhiệm sau nhiều năm khởi tố và điều tra. Ông đề nghị phải ban hành quyết định đình chỉ điều tra mới, nêu rõ "không có căn cứ phạm tội".

Khởi tố, thay đổi tội danh rồi đình chỉ: Dấu hiệu "oan sai"?
Theo đơn khiếu nại, ông bị các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Bình Dương khởi tố và bắt giam từ ngày 10/8/2018 với tội danh "Vi phạm quy định quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí".
Đến ngày 9/5/2025, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương và Viện Kiểm sát tỉnh Bình Dương bất ngờ ra Quyết định số 2483 về việc thay đổi quyết định khởi tố bị can, chuyển tội danh của ông sang "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai".
Cơ quan điều tra cáo buộc ông Khanh đã đồng ý cho ông Nguyễn Trung Kiên (người mua trúng đấu giá quyền sử dụng đất thế chấp của con gái cụ Hiệp) giao cho các cán bộ xã An Tây và Bến Cát điều chỉnh ranh đất. Mục đích của việc điều chỉnh này là để đưa 1.689,2m2 đất của con gái cụ Hiệp trở thành đất của ông Khanh (844,7m2) và ông Kiên (844,5m2).
Tuy nhiên, chỉ 5 ngày sau, vào ngày 14/5/2025, Cơ quan CSĐT lại ban hành Quyết định số 2579, đình chỉ điều tra vụ án hình sự đối với tất cả các bị can, trong đó có ông Khanh, về hành vi "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai". Lý do được đưa ra là "người phạm tội không còn gây nguy hiểm cho xã hội".
Ông Khanh kiên quyết phản đối quyết định này: "Việc chuyển đổi tội danh, sau đó đình chỉ điều tra với lý do "người phạm tội không còn gây nguy hiểm cho xã hội “là gây oan sai, né trách nhiệm”.

Bán đất thế chấp ngân hàng và những lập luận tự bào chữa
Ông Khanh cho biết mình là người mua đất thông qua môi giới. Tài sản là quyền sử dụng đất thuộc sở hữu của cụ Hồ Thị Hiệp, được thế chấp tại Ngân hàng BIDV.
Ông khẳng định việc cụ Hiệp bán tài sản này khi đã được ngân hàng đồng ý là hoàn toàn không vi phạm điều cấm của pháp luật. Giá chuyển nhượng được hai bên tự thỏa thuận, ngân hàng không tham gia vào quá trình định giá. Sau khi giao dịch, cụ Hiệp đã thông báo và được ngân hàng chấp thuận việc mua bán.
"Không có chuyện tài sản nhà nước bị xâm phạm nên việc khởi tố tôi về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" là không có căn cứ," ông Khanh lập luận.
"Từ năm 2018 đến nay, Cơ quan CSĐT Công an Bình Dương không thu thập được chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của tôi", ông Khanh nêu.
Nguồn gốc đất đai và những sai sót trong thi hành án
Trong đơn khiếu nại, ông Khanh trình bày chi tiết về nguồn gốc đất và những bất thường trong quá trình thi hành án (THA). Con gái cụ Hiệp được cấp sổ đỏ với tổng diện tích 7,6ha. Trong đó, 56.463m2 là đất nông nghiệp đã thế chấp tại Ngân hàng BIDV; còn 20.701,6m2 (bao gồm 701,6m2 đất hành lang đường bộ) là đất công nghiệp thế chấp tại một ngân hàng khác.

Năm 2013, cụ Hiệp được con gái ủy quyền toàn quyền đối với toàn bộ khu đất. Tháng 12/2013, cụ Hiệp bán cho ông Khanh 4,1ha và tháng 1/2014 bán phần còn lại. Vợ ông Khanh là người đứng tên ký mua bán và đã được cấp sổ đỏ.
Đối với phần diện tích 20.701,6m2 đất công nghiệp, năm 2012, sau khi có bản án, cơ quan THA đã tiến hành bán đấu giá. Bản án, biên bản kê biên và quyết định THA đều xác định diện tích, hình thể theo đúng sổ đỏ.
Ngày 6/1/2016, diện tích đất trên được bán đấu giá và ông Kiên là người mua trúng. Tuy nhiên, tại biên bản đấu giá và hợp đồng mua bán tài sản đấu giá lại ghi diện tích đất chỉ là 20.000m2 (trong đó có 856m2 đất hành lang đường bộ).
Ông Khanh khẳng định: "Ngoài sai về diện tích, còn sai về hình thể, có sự chồng lấn lên đất của tôi đã mua trước đó với diện tích 987,6m2. Việc sai so với sổ đỏ, bản án, quyết định THA thuộc trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền liên quan. Tôi không biết có sự sai này và không biết đất mình bị chồng lấn khi bán đấu giá."
Điều chỉnh ranh đất: "Không tư lợi gì"
Sau khi mua trúng đấu giá, ông Kiên đã gặp ông Khanh và đề nghị điều chỉnh ranh giới đất cho thẳng. Ông Khanh dựa vào sổ đỏ của mình và sổ đỏ cấp cho con gái cụ Hiệp trước đây nên đã đồng ý.
Thời điểm này, ông Khanh đang thực hiện thủ tục hợp thửa (hợp các thửa đất mua từ cụ Hiệp và con gái cụ Hiệp thành một thửa duy nhất) nên thống nhất cho ông Kiên điều chỉnh ranh.

Khi điều chỉnh ranh, ông Khanh chuyển cho ông Kiên 2.544,3m2 đất bị chồng lấn là 987,6m2 (tổng cộng 3.531,9m2), để đổi lấy 844,7m2 từ ông Kiên.
Ông Khanh khẳng định: "Tổng diện tích đất tôi và ông Kiên mua của con gái cụ Hiệp là 77.164,6m2 (gồm cả 701,6m2 đất hành lang đường bộ), nghĩa là lớn hơn diện tích đất sổ đỏ cũ của con gái cụ Hiệp là 76.700,4m2. Vì vậy, không có chuyện đất của con gái cụ Hiệp dư ra và chúng tôi mất chứ không được lợi gì từ việc này."
Ông nhấn mạnh rằng việc ông đổi diện tích lớn hơn để lấy diện tích nhỏ hơn, với tổng diện tích đất mua vào cuối cùng vẫn lớn hơn diện tích sổ đỏ cũ, cho thấy ông không hề tư lợi gì từ việc điều chỉnh ranh này, nên không thể cấu thành tội.
Đề nghị minh oan và xem xét công tác
Với những lập luận trên, ông Khanh đề nghị các cơ quan thẩm quyền hủy bỏ quyết định khởi tố bị can, quyết định thay đổi tội danh, và quyết định đình chỉ bị can.
Đặc biệt, ông đề nghị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương ra quyết định đình chỉ điều tra mới, nêu rõ "không có căn cứ phạm tội" đối với ông.
Căn cứ vào các quy định của Đảng và Nhà nước, ông Khanh cũng đã làm đơn kiến nghị gửi Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương, đề nghị xem xét việc sinh hoạt và công tác đối với ông.
Luật sư nói gì về vụ việc
Qua trao đổi với VOV, luật sư Nguyễn Văn Quynh (Hãng luật Hưng Yên tại TPHCM), người bào chữa cho ông Nguyễn Hồng Khanh, khẳng định ông Khanh vô tội.

Luật sư Quynh phân tích: "Ông Khanh chỉ là người đi mua đất hợp pháp, không liên quan gì tới ngân hàng để làm thất thoát tài sản của nhà nước. Suốt quá trình tố tụng kéo dài hơn 7 năm qua, trong đó gần 3 năm bị tạm giam (không nhớ nổi có bao nhiêu lần trả hồ sơ điều tra lại), Tòa án Cấp cao tại TPHCM và các luật sư đều yêu cầu cơ quan điều tra, Viện kiểm sát Bình Dương làm rõ việc ông Khanh có làm thất thoát tài sản nhà nước hay không? Còn trên thực tế cũng như hồ sơ vụ án hoàn toàn không có căn cứ này."
Theo Luật sư Quynh, việc Cơ quan điều tra Bình Dương bất ngờ chuyển tội danh của ông Khanh từ "Vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" sang tội "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" là hoàn toàn không có căn cứ.
Luật sư lập luận rằng ông Khanh chỉ là người nhận chuyển nhượng đất đai một cách hợp pháp, không phải là chủ thể đặc biệt (tức là người được nhà nước giao quản lý về đất đai) để có thể phạm tội danh này.
Việc Cơ quan điều tra Bình Dương ban hành Quyết định đình chỉ điều tra vụ án hình sự đối với ông Nguyễn Hồng Khanh theo điểm a, khoản 2, Điều 29 Bộ luật Hình sự, với căn cứ cho rằng "do chuyển biến tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội" cũng không được bản thân ông Khanh đồng ý. Ông Khanh kiên quyết cho rằng, từ trước tới nay, việc khởi tố, điều tra, truy tố đối với ông là oan sai.
"Quyết định đình chỉ điều tra vụ án hình sự đối với bị can Nguyễn Hồng Khanh của Cơ quan điều tra, VKS Bình Dương chỉ là cách thức “né” trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm bồi thường oan sai của họ đối với ông Khanh và các bị can trong vụ án này mà thôi," Luật sư Quynh bày tỏ quan điểm.