Cảnh báo điểm yếu của những người dễ sập bẫy lừa đảo
VOV.VN - Tội phạm luôn thay đổi phương thức, thủ đoạn, có các chiêu trò mới, nếu người dân không cập nhật thông tin thì hoàn toàn có thể bị mắc bẫy lừa đảo. Đây là cảnh báo từ Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Quảng Ninh.
Trong thời gian qua, mặc dù các cơ quan chức năng đã triệt phá nhiều đường dây, tổ chức lừa đảo chiếm đoạt tài sản, song hoạt động của tội phạm lừa đảo trên không gian mạng vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.
Làm nghề kinh doanh nhỏ, anh Đặng Văn Quý ở TP Hạ Long thường xuyên nhận được các cuộc gọi mạo danh cơ quan chức năng yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân. Tuy nhiên, do có kinh nghiệm, anh luôn cảnh giác, kiểm tra kỹ trước khi phản hồi nên chưa lần nào "mắc bẫy" lừa đảo.
“Tôi nhận được nhiều cuộc gọi lắm, cuộc gọi về bảo hiểm này, về báo tai nạn giao thông, rồi thông báo tiền điện, tiền nước, hay thông báo vi phạm thuế này. Nhưng do mình bị quá nhiều lần rồi nên mình đã rút ra kinh nghiệm rồi, cứ phải người thật việc thật”, anh Đặng Văn Quý chia sẻ.

Không may mắn như anh Quý, chị N.T.H. (trú tại tổ 10, khu 2, phường Giếng Đáy, TP Hạ Long) đã bị mất 99 triệu đồng sau khi làm theo hướng dẫn của người giả mạo nhân viên Công ty cổ phần nước sạch Quảng Ninh. Chị H. nhận được cuộc gọi yêu cầu kết bạn Zalo để cài phần mềm chăm sóc khách hàng. Sau khi nhập thông tin tài khoản, số tiền trong ngân hàng đã “không cánh mà bay”.
Trao đổi với đại diện Công ty cổ phần nước sạch Quảng Ninh, được biết từ tháng 4 đến nay, đơn vị ghi nhận 4 khách hàng là nạn nhân của tội phạm mạo danh. Đối tượng gọi điện yêu cầu khai báo định mức nước, thanh toán online, tham gia khuyến mãi để chiếm đoạt tài sản.
Bà Nguyễn Tuyết Nhung, Bộ phận truyền thông công ty cho biết: “Chúng tôi đã khẩn trương triển khai nhiều biện pháp nhằm cảnh báo, bảo vệ quyền lợi cho khách hàng như đã gửi văn bản đến UBND các phường, xã trên địa bàn nhằm tuyên truyền, phổ biến tới từng hộ dân để họ nắm bắt được hình thức, thủ đoạn, Chúng tôi khuyến cáo các khách hàng hết sức cẩn trọng, tránh bị các đối tượng lợi dụng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Quảng Ninh, có khá nhiều trường hợp người dân trình báo bị lừa đảo với số tiền bị chiếm đoạt lên tới nhiều tỷ đồng. Các thủ đoạn phổ biến là mạo danh cơ quan chức năng, doanh nghiệp, dụ dỗ kết nối qua Zalo, Facebook, Telegram rồi yêu cầu nạn nhân truy cập các đường link hoặc phần mềm theo dõi mật khẩu, yêu cầu chuyển tiền…

Thượng tá Nguyễn Trọng Hùng, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, cảnh báo: “Qua công tác nghiệp vụ chúng tôi nhận thấy rằng một bộ phận không nhỏ người dân ít đọc thông tin tuyên truyền và ít tìm hiểu về các hành vi lừa đảo trên không gian mạng. Tội phạm luôn thay đổi phương thức, thủ đoạn, luôn có các chiêu trò mới, nếu người dân không cập nhật thì hoàn toàn có thể bị mắc bẫy lừa đảo. Và chúng chỉ cần người dân đối đáp lại câu chuyện thì cơ bản chúng đã thành công bước đầu”.
Cơ quan công an khuyến cáo, dịp hè cũng là thời điểm các đối tượng lừa đảo thường giả mạo các trang thông tin về hoạt động trại hè, bán tour du lịch giá rẻ, đặt phòng khách sạn, vé máy bay... Người dân cần chủ động kiểm tra chéo thông tin, không cung cấp dữ liệu cá nhân hay chuyển tiền cho người không rõ danh tính qua mạng internet.