Quảng Ngãi phát triển công nghiệp chủ lực để đạt mục tiêu trưởng 8,5%
VOV.VN - Năm 2025, Thủ tướng Chính phủ giao chỉ tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tỉnh Quảng Ngãi là 8,5%. Với Quảng Ngãi, chỉ tiêu tăng trưởng này trong bối cảnh hiện nay là thách thức không nhỏ, đòi hỏi quyết tâm cao và nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống trị.
Để thực hiện được mục tiêu này, tỉnh Quảng Ngãi tập trung phát huy thế mạnh là phát triển công nghiệp chủ lực.
Từ năm 2018 đến 2023, tốc độ tăng trưởng bình quân lĩnh vực công nghiệp của tỉnh Quảng Ngãi đạt 8,5%/năm; Trong đó, tỷ trọng công nghiệp trong GRDP có sự gia tăng, từ 37,5% năm 2018 lên 42,3% năm 2023.


Trong năm 2024, ngành công nghiệp với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nặng đóng vai trò đầu tàu, góp phần giúp Quảng Ngãi vượt kế hoạch tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn. Đóng góp nổi bật cho tăng trưởng công nghiệp của Quảng Ngãi là Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Thép Hòa Phát.
Năm 2024, tổng thu ngân sách của tỉnh Quảng Ngãi đạt gần 30.000 tỷ đồng, trong đó, thu hoạt động xuất nhập khẩu cả năm đạt gần 11.800 tỷ đồng. Đáng chú ý, nguồn thu từ hoạt động xuất nhập khẩu chủ yếu từ Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất với số thu khoảng 7.700 tỷ đồng. Hiện, Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất dự kiến đưa vào hoạt động dây chuyền 1 của dự án Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 với công suất khoảng 2,3 triệu tấn thép HRC giữa năm nay.

Theo đó, dự kiến sản lượng sắt thép năm nay đạt khoảng 7,1 triệu tấn, tăng gần 30% so với năm 2024. Từ đó sẽ góp phần đưa tỷ trọng công nghiệp - xây dựng của tỉnh Quảng Ngãi năm 2025 tăng hơn 15% so với năm 2024, đóng góp đáng kể cho mức tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi.
Ông Vũ Xuân Hà, Giám đốc đối ngoại, Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất cho biết: "Hiện tại chúng tôi đang chuẩn bị gấp rút hoạt động thử nghiệm phân kỳ 1 và chuẩn bị tích cực các công việc, công đoạn còn lại của phân kỳ 2 để phấn đấu đưa phân kỳ 2 vào hoạt động thử nghiệm phân kỳ 2 trong quý 3 năm 2025”.
Hiện, tỉnh Quảng Ngãi đã quy hoạch 6 khu công nghiệp trong Khu Kinh tế Dung Quất và 2 khu công nghiệp ngoài Khu Kinh tế Dung Quất, thu hút 490 dự án công nghiệp với tổng vốn đầu tư 393.000 tỷ đồng, trong đó có 65 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Năm nay, tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục xác định phát triển ngành công nghiệp nặng với đầu tàu là Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Khu liên hợp Gang thép Hoà Phát Dung Quất.
Ông Trần Văn Mẫn, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các KCN tỉnh Quảng Ngãi khẳng định: “Dung Quất có lợi thế rất lớn về logistics, vì hội tụ tất cả những phương thức về logistics gồm cảng nước sâu, cảng Hàng quốc tế trong tương lai là cảng trung chuyển quốc tế Chu Lai rồi có đường sắt, đường bộ. Vì vậy sẽ phát huy được vấn đề là thích kêu gọi đầu tư”.
Để công nghiệp phát triển có tính bền vững, tỉnh Quảng Ngãi chú trọng thu hút đầu tư có chọn lọc các dự án đầu tư FDI. Trong đó, ưu tiên các dự án đầu tư công nghiệp xanh, công nghiệp công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, kết nối chuỗi giá trị sản xuất và cung ứng, tập trung nguồn lực hoàn thiện hạ tầng giao thông mang tính kết nối liên vùng.

Năm 2025, nhà máy lọc dầu Dung Quất hoạt động 100% công suất, không phải dừng bảo dưỡng; Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2; Nhà máy sản xuất thép dây cuộn chất lượng cao Hòa Phát Dung Quất cũng bắt đầu hoạt động trong năm 2025. Bên cạnh đó, tỉnh này cũng vừa khởi công Khu công nghiệp Đô thị - Dịch vụ VSIP II Quảng Ngãi. Đây là cơ sở để tỉnh Quảng Ngãi phấn đấu hoàn thành mục tiêu tốc độ tăng trưởng 8,5%.
Ông Nguyễn Hoàng Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi khẳng định: “Để đạt được mục tiêu Chính phủ giao, tỉnh Quảng Ngãi phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có một số giải pháp trọng tâm. Thứ nhất, chúng tôi vẫn tiếp tục đẩy mạnh các ngành công nghiệp chủ lực, hỗ trợ về việc mở rộng sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả để đạt con số tăng trưởng cao hơn.
Thứ hai là chúng tôi tiếp tục triển khai, mở rộng một số ngành nghề mới, lĩnh vực mới, kể cả ngành công nghiệp mới để làm sao giảm sự phụ thuộc vào ngành công nghiệp chủ lực. Thứ 3, chúng tôi đẩy mạnh cải cách hành chính, giải quyết vấn đề khó khăn của doanh nghiệp hiện hữu trên địa bàn tỉnh như công tác tiếp cận đất đai, giải phóng mặt bằng, tập trung dự án lớn, dự án trọng điểm”.
Với quyết tâm chính trị cao, cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tỉnh Quảng Ngãi đang tập trung mọi nguồn lực để đạt mục tiêu tăng trưởng vừa nêu. Hơn thế nữa, năm 2025 không chỉ là năm bứt phá về tăng trưởng mà còn là năm tạo đà cho Quảng Ngãi bước vào giai đoạn phát triển mới với tầm cao mới.