Nam Trung bộ - Tây Nguyên đẩy mạnh chuyển đổi số hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp
VOV.VN - Thực hiện Nghị quyết 57 về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, các ngành, địa phương tại Nam Trung bộ và Tây Nguyên đang đẩy mạnh chuyển đổi số từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh, kết nối đồng bộ với các lĩnh vực kinh tế – xã hội, đặc biệt là nông nghiệp, du lịch và công nghiệp chế biến.
Nhờ đó, các doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn và dự án sâu rộng, minh bạch và hiệu quả hơn, tạo động lực quan trọng cho sự phát triển bền vững của vùng.
Việc đưa dịch vụ ngân hàng đến gần dân không còn là khẩu hiệu, mà đang hiện diện cụ thể trên từng nẻo đường đất đỏ Tây Nguyên. Những chiếc xe ngân hàng lưu động, được trang bị đầy đủ máy tính, máy in, máy đếm tiền và kết nối mạng hiện đại len lỏi vào sâu trong các thôn, buôn vùng xa của Tây Nguyên, mở ra cơ hội tiếp cận dịch vụ ngân hàng thuận tiện và minh bạch cho người dân nơi đây.

Thay vì phải đi hàng chục cây số xuống trung tâm huyện, bà con giờ đây dễ dàng làm hồ sơ vay vốn, nhận tiền, nộp lãi hay gửi tiết kiệm ngay tại xã mình. Mỗi điểm giao dịch lưu động được tổ chức bài bản, ứng dụng công nghệ tiên tiến, vừa đảm bảo an toàn giao dịch, vừa rút ngắn thời gian xử lý thủ tục. Tại Tây Nguyên, hoạt động của các tổ vay vốn và xe giao dịch lưu động đã đưa hàng nghìn tỷ đồng tín dụng chính sách đến với người dân vùng dân tộc thiểu số, góp phần hỗ trợ sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế hộ gia đình. Tại tỉnh Đắk Lắk, đến nay, Agribank đạt dư nợ 21.700 tỷ đồng, trong đó 63% dành cho nông nghiệp nông thôn với hơn 34.000 khách hàng vay vốn.
Ông Võ Tiến Nam, Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Tổ cho vay lưu động đến các vùng sâu, vùng xa, giúp bà con đi lại với khoảng cách rất xa. Như từ Nam Ca đến thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk rất xa đến 50km. Khi chúng tôi bố trí phương tiện giải ngân tại các điểm lưu động, bà con nông dân sắp xếp thời gian, giải ngân vốn vay thuận tiện hơn. Tuy nhiên, vẫn còn khó khăn khi đi vào vùng sâu, vùng xa thì hạ tầng công nghệ chưa đáp ứng kịp”, ông Nam nói.
Không chỉ ở cấp cơ sở, hay lĩnh vực tín dụng, ứng dụng công nghệ đang được mở rộng, kết nối đồng bộ với các lĩnh vực khác của nền kinh tế. UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ra mắt Trung tâm Giám sát, Điều hành Thông minh, đây là một bước tiến quan trọng trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số quốc gia, cũng như Nghị quyết số 68 về phát triển kinh tế tư nhân.

Trung tâm này tích hợp 7 phần mềm, 15 dịch vụ và 22 bộ tiêu chí, cho phép kết nối đồng bộ giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền các cấp. Các dữ liệu về quy hoạch, đất đai, dự án kêu gọi đầu tư được công khai minh bạch, giúp doanh nghiệp tra cứu thông tin một cách dễ dàng, nhanh chóng.
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, việc số hóa quản trị không chỉ góp phần cải cách hành chính mà còn là tiền đề nâng cao tính minh bạch trong đầu tư, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng.“Rõ ràng chúng tôi sẽ không tiếp cận riêng từng doanh nghiệp mà tiếp cận trên hệ thống mạng, do đó, tránh được việc quen biết hay có những việc này, khác. Chúng tôi thấy đây là hệ thống rất minh bạch cho các doanh nghiệp, mọi doanh nghiệp đều bình đẳng khi tham gia đầu tư trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.”
Năm 2025 là năm “tăng tốc, bứt phá về đích” của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021–2025, ngành ngân hàng được giao trọng trách kép: vừa giữ ổn định kinh tế vĩ mô, vừa tạo lực đẩy tín dụng cho tăng trưởng.
Hiện nay, các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên đang được giao nhiệm vụ tăng trưởng GRDP từ 8-13%. Ngân hàng Nhà nước đã sớm triển khai đồng bộ nhiều giải pháp chiến lược. Ngân hàng Nhà nước định hướng giảm lãi suất điều hành, đồng thời yêu cầu các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí để hạ lãi suất cho vay một cách thực chất. Nguồn vốn tín dụng cũng được cơ cấu lại, ưu tiên cho các lĩnh vực thiết yếu như sản xuất, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ và doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cùng với đó là triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi theo chính sách của Nhà nước, hướng đến các lĩnh vực ưu tiên như phát triển nông nghiệp và nông thôn.

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, Ngành ngân hàng xác định rõ vai trò then chốt trong ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và tạo động lực tăng trưởng. Với sự kết hợp giữa công nghệ, chính sách hợp lý và tinh thần chủ động, hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục đồng hành với người dân và doanh nghiệp, góp phần đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên phát triển số, hiện đại và bền vững.
“Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong cung ứng dịch vụ ngân hàng – một xu hướng tất yếu của thời đại, đây là cuộc cách mạng đòi hỏi rất quyết liệt. Ngành ngân hàng càng phải nhìn thấy rõ điều đó. Ngân hàng đã và đang triển khai phải ứng dụng công nghệ làm sao càng tích cực, thuận lợi sẽ càng giảm được chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp. Đó là chi phí đi lại, chi phí hồ sơ…liên quan các khoản vay, sẽ giúp cung ứng những dịch vụ hết sức hữu ích, chi phí rất thấp”, ông Đào Minh Tú cho biết.