111111

Lập viện nghiên cứu kinh doanh… công sản

Viện Nghiên cứu công nghệ và phát triển SENA được thành lập từ năm 1992. Sau 17 năm hoạt động, SENA không để lại dấu ấn nào trong lĩnh vực khoa học, công nghệ mà  sử dụng công sản để… kinh doanh trái phép.

Theo Điều lệ hoạt động, SENA là cơ quan sự nghiệp nghiên cứu triển khai, trực thuộc Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam. Chức năng nhiệm vụ của SENA được quy định gồm chủ yếu là các lĩnh vực nghiên cứu, triển khai các chương trình, dự án trong lĩnh vực kinh tế, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, môi trường. Mặc dù vậy, cho đến thời điểm hiện tại, chưa có một công trình nghiên cứu khoa học nào của SENA được thẩm định bởi các hội đồng khoa học. Trong biên chế của SENA không có bất cứ một nhà khoa học nào. Những nhân viên được SENA đóng bảo hiểm chỉ có bảo vệ, lái xe, nhân viên lễ tân và tạp vụ. Thậm chí, ngay bà Thạch Lê Anh, Phó Viện trưởng của SENA cũng không hề có hợp đồng lao động, và chức danh Phó  Viện trưởng của bà này cũng không do Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam bổ nhiệm theo quy định, mà lại do ông Nguyễn Sơn Lộ, Viện trưởng, trực kiếp ký quyết định bổ nhiệm (?). Theo lời một cán bộ từng công tác tại SENA, trong suốt 17 năm qua, cơ quan này chưa một lần tổ chức tổng kết hoạt động, cũng không có báo cáo hàng năm. Viện cũng không hề có chi bộ, đoàn thanh niên, cũng như tổ chức công đoàn…

Vậy, sự tồn tại của cơ quan này có ý nghĩa như thế nào?

Câu trả lời trước hết nằm ở mảnh đất công sản rộng hơn 500m2 tại số 35 đường Điện Biên Phủ, có giá trị hàng trăm tỷ đồng, mà SENA đang sử dụng từ hơn 10 năm nay.

Từ ngoài nhìn vào, không ai nghĩ rằng hai khối nhà (bên ngoài 5 tầng, bên trong 7 tầng) được xây dựng trên mặt bằng hơn 500m2 lại là trụ sở của một cơ quan chỉ vẻn vẹn chưa đầy 10 biên chế. Và còn bất ngờ hơn, khu nhà đất số 35 Điện Biên Phủ là sở hữu Nhà nước, hiện do Công ty Kinh doanh nhà số 1 quản lý. Theo Hợp đồng thuê nhà số 22, ngày 7/5/1997, SENA được Công ty Kinh doanh nhà số 1 ký cho thuê nhà 35 Điện Biên Phủ làm trụ sở, thời gian thuê là 3 năm (từ 6/5/1997 đến 6/5/2000), diện tích nhà thuê là 164m2, diện tích đất khuôn viên là 538m2. Trong thời gian sử dụng, SENA đã đầu tư xây dựng thêm công trình trên khu đất bằng 2 khối nhà đồ sộ. Theo Công văn số 455, ngày 23/8/2000 của Kiến trúc sư trưởng thành phố Hà Nội, khu nhà 35 Điện Biên Phủ vẫn thuộc sở hữu Nhà nước, do Công ty Kinh doanh nhà số 1 quản lý và cho Viện Nghiên cứu SENA thuê. Nhưng đáng ngạc nhiên là, sau khi hết thời hạn thuê trong hợp đồng thuê nhà đã ký, kể từ năm 2000 đến nay, Viện Nghiên cứu SENA vẫn mặc nhiên tiếp tục sử dụng mà không hề ký tiếp hợp đồng thuê nhà mới. Đương nhiên, gần 9 năm đã qua, Nhà nước cũng không thu được bất cứ một khoản ngân sách nào từ khu đất vàng đó.

Trong khi đó, toàn bộ nhân viên của SENA chỉ sử dụng hết khoảng 200m2 trong tổng số hàng ngàn m2 của khu nhà đồ sộ 35 Điện Biên Phủ. Dĩ nhiên, ở một vị trí đẹp như vậy, chẳng ai bỏ hoang khu nhà đó. Mặc dù không hề có chức năng cho thuê nhà, nhưng SENA vẫn tiến hành ký hợp đồng cho rất nhiều tổ chức, cá nhân thuê lại văn phòng trong nhiều năm qua. Theo hồ sơ mà phóng viên VOV thu thập được, cho đến lúc này, đã có  tới 8 hợp đồng cho thuê nhà được SENA ký kết với các đối tác với số tiền lên đến hàng trăm triệu mỗi năm cho mỗi hợp đồng. Điều đáng nói là hầu hết các đối tác trên là những tổ chức nước ngoài. Lãnh đạo SENA hoàn toàn ý thức được việc cho người nước ngoài thuê trụ sở thuộc sở hữu Nhà nước là trái pháp luật. Chính vì vậy, họ đã đánh tráo khái niệm bằng cách biến những hợp đồng cho thuê nhà thành hợp đồng “cung cấp dịch vụ”. Tuy nhiên, dù đã “lắt léo” như vậy, nhưng do bản chất của sự việc lại quá đơn giản, quá rõ ràng nên SENA không thể che giấu được hành vi của mình. Trong các hợp đồng “cung cấp dịch vụ” trên vẫn thể hiện rõ những nội dung như: mức phí sử dụng văn phòng, phí sử dụng diện tích văn phòng…

Theo mục b, khoản 2, điều 5 Quyết định số 09/2007/QĐ- TTg ngày 19/1/2007 về việc sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc Nhà nước quản lý: “Trường hợp đang cho thuê toàn bộ hoặc một phần khuôn viên (không phân biệt độc lập hay không) thì cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp có cơ sở nhà đất đang cho thuê phải chấm dứt hợp đồng trong thời hạn tối đa 6 tháng kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành để sử dụng đúng mục đích; sau thời hạn này mà chưa chấm dứt hợp đồng thì UBND cấp tỉnh quyết định thu hồi.” – Như vậy, sau khi Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ra đời, SENA vẫn không chấp hành, thậm chí còn tiếp tục ký hợp đồng mới.

Việc cho thuê văn phòng đã mang lại nguồn thu hàng tỷ đồng mỗi năm cho SENA. Có lẽ, đó là lý do chính khiến cho Viện nghiên cứu này không cần phải nghiên cứu khoa học, cũng không cần tốn tiền nuôi đội ngũ nhân viên. Thậm chí, để hoàn toàn không cần phải làm gì, ngày 23/12/2008, SENA còn công nhiên ký hợp đồng với Công ty cổ phần Gia Cát với nội dung: chuyển giao hoàn toàn quyền quản lý kinh doanh toà nhà 35 Điện Biên Phủ cho Công ty Gia Cát. Theo hợp đồng này, Công ty Gia Cát sẽ được giữ lại 8% doanh thu từ việc cho thuê văn phòng. Như vậy, toàn bộ khu nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước đã nghiễm nhiên bị sử dụng sai mục đích. Vấn đề là khoản tiền khổng lồ từ nguồn lợi công sản cho thuê kia được sử dụng như thế nào?

Liệu số tiền cho thuê nhà có trở lại ngân sách của Liên hiệp các hội  KHKT để phục vụ mục đích khoa học? Điều này chắc chắn không xảy ra, vì SENA là đơn vị hoạch toán độc lập. Và có một điều chắc chắn khác, đó là cơ quan thuế cũng không hề biết đến khoản thu này. Trong buổi làm việc với phóng viên ngày 12/3/2009, ông Nguyễn Tài Yên, cán bộ theo dõi thuế của Chi cục Thuế quận Ba Đình cho biết: “SENA đăng ký thuế theo hình thức kê khai khấu trừ, tức là doanh nghiệp tự kê khai. Năm 2008, Chi cục chưa nhận được báo cáo tài chính của SENA; còn năm 2007 thì trong báo cáo không có khoản cho thuê nhà, doanh nghiệp báo lỗ, tổng doanh thu cả năm là 994 triệu đồng…”.

Như vậy đã rõ, dưới hình thức một Viện nghiên cứu khoa học, nhưng SENA chỉ tồn tại như một vỏ bọc để một số người chiếm dụng đất đai nhằm mưu lợi cá nhân. Liệu cơ quan chủ quản cuả SENA là Liên hiệp các hội KHKT có biết sự thật này? Quan điểm của Liên hiệp các hội KHKT về sự tồn tại của SENA ra sao? Và quan điểm của UBND thành phố Hà Nội về việc sử dụng công sản của SENA như thế nào? Chúng tôi sẽ tiếp tục trả lời câu hỏi này trong số báo tiếp theo./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên
90ph tv 90 tv mitom link bong da tv soi kèo hôm nay Đại lý bóng đá mitom keo ma cao