111111

Lao đao dừa thương phẩm Bến Tre

Giá dừa rớt thê thảm vẫn khó bán, cơ quan chức năng vẫn chưa có giải pháp hỗ trợ, còn đời sống dân trồng dừa đang gặp nhiều khó khăn.

Giá rớt sâu, khó bán…

Bến Tre được mệnh danh là quê hương xứ dừa. Toàn tỉnh hiện có trên 52.000 ha vườn dừa, đứng đầu cả nước. Mỗi năm, vườn dừa của tỉnh Bến Tre cung ứng cho thị trường trên 420 triệu trái, đạt 40% giá trị xuất khẩu của toàn tỉnh. Song gần đây, trái dừa ở địa phương này rớt giá thê thảm, đời sống của người trồng dừa gặp khó khăn.                                 

Giá dừa trái xuống còn 1/3 so với trước đây vẫn khó bán hàng

Đến vùng nông thôn của tỉnh Bến Tre, ở đâu chúng tôi nghe nhà vườn bàn tán xôn xao việc trái dừa khô rớt giá. Ông Vương Tuấn Kiệt, ở xã Nhơn Thạnh, TP Bến Tre chỉ vào 6 công vườn dừa đang trĩu quả, than rằng, năm ngoái thương lái tìm đến tận vườn kiếm dừa thu mua; còn hiện nay trái dừa đang ế ẩm.

Ông Kiệt chia sẻ: “Cách đây khoảng 4 tháng, dừa khô 130.000 đồng/chục, hiện tại giảm còn 40.000 đồng/chục. Mọi lần thương lái còn đưa tiền trước cho dân xài thoải mái, còn bây giờ họ còn không chở nữa. Nông dân đều chi phí dựa vào dừa, giá dừa này thì cuộc sống rất eo hẹp.”

Còn bà Nguyễn Thị Diệu nhà vườn xã Phước Long (huyện Giồng Trôm) cho rằng: “Bây giờ kêu vô đây bán mà mấy ông lái cũng không mua, chê xa.  Dừa rụng, hai ba tháng nay, giá rẻ hết sức.”

Khoảng 4 tháng trở lại đây, dừa trái ở  Bến Tre rớt giá thê thảm. Đối với dừa khô (loại tốt) giá không đến 40.000 đồng/chục, còn dừa xiêm xanh giá 45.000 đồng/chục, dừa xiêm lai giá 40.000 đồng/chục.

Như vậy, một ha trồng dừa chỉ đạt doanh thu khoảng 1 triệu đồng/tháng. Trong khi đầu năm 2011 giá dừa khô lên đến 140.000 đồng/chục, nhà vườn rất phấn khởi bởi nguồn thu đạt trên 80 triệu đồng/ha/năm. Đối với những vườn dừa có trồng xen cây ca cao  còn có thêm thu nhập vài chục triệu đồng/ha.

Chủ tịch UBND xã Nhơn Thạnh, TP Bến Tre, ông Lê Văn Em, cho biết: Dừa khô đã giảm giá mà trái ca cao cũng giảm theo. Hiện tại, giá trái ca cao tươi từ 6.000 đồng/kg (năm ngoái) giảm xuống còn trên 3.000 đồng/kg.  Toàn xã có 80% hộ dân trồng dừa, giá dừa giảm nên đời sống của người dân gặp khó khăn.

Ông Lê Văn Em chia sẻ: “Đời sống bà con xã Nhơn Thạnh chủ yếu bằng dừa. Giá cả của trái dừa thời điểm này làm cho bà con thu nhập rất thấp, đời sống gặp khó khăn. Do đó, tôi đề nghị các ngành cấp trên nên có chính sách quan tâm, hỗ trợ cho bà con thời gian sắp tới”.

Ngành chức năng chưa vào cuộc, doanh nghiệp cũng loay hoay

Từ lâu, trái dừa của tỉnh Bến Tre có thể chế biến ra 100 mặt hàng xuất khẩu có giá trị, trong đó chủ lực vẫn là cơm dừa nạo sấy. Mặt hàng dừa của địa phương xuất ra 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Do đó, đầu ra của trái dừa vẫn bị phụ thuộc vào thị trường ngoài nước, trong đó Trung Quốc tiêu thụ khoảng 35% (chủ yếu trái dừa khô), các nước Trung Đông, Bắc Phi tiêu thụ khoảng 50% .

Dừa thương phẩm của Bến Tre đang chịu sức ép giảm giá của dừa nhiều nước khác trong khu vực

Theo các ngành chức năng tỉnh Bến Tre, nguyên nhân dừa trái giảm giá là do ảnh hưởng suy thoái kinh tế, khủng hoảng tài chính thế giới. Các thị trường châu Âu, châu Phi, Bắc Mỹ giảm nhập khẩu. Mặt khác, bất ổn chính trị ở Trung Đông– nơi tiêu thụ rất lớn các sản phẩm dừa từ Việt Nam cũng đã giảm sức mua. Trong khi đó, các nước có sản lượng dừa lớn như: Indonesia, Sri Lanka, Philippines… cạnh tranh giảm giá để xuất khẩu dừa.

Đối với thị trường trong nước, trái dừa tiêu thụ không đáng kể. Toàn tỉnh Bến Tre có 70 doanh nghiệp, 1.400 cơ sở sản xuất chế biến từ trái dừa, thu hút trên 50.000 lao động tại chỗ. Do đó, trái dừa giảm giá không chỉ ảnh hưởng đến đời sống người nông dân mà còn làm giảm giá trị xuất khẩu của tỉnh, làm ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập của người lao động tại địa phương.

Ông Hồ Vĩnh Sang, Chủ tịch Hiệp Hội dừa Bến Tre còn cho biết, dừa là cây trồng truyền thống gắn bó với khoảng 70% hộ dân của địa phương. Thời gian qua, cây dừa đã tạo ra giá trị tăng thêm rất lớn góp phần phát triển kinh tế- xã hội của  Bến Tre. Tuy nhiên cây dừa vẫn chưa được Nhà nước quan tâm, ưu đãi như các lọai cây công nghiệp khác như: mía, cà phê, điều, cao su… Đến nay, dừa rớt giá song các cấp, các ngành vẫn chưa có động thái gì để hỗ trợ nông dân. Doanh nghiệp thì loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm từ dừa.

Theo ông Hồ Vĩnh Sang, Chủ tịch Hiệp Hội dừa Bến Tre, trong tình hình hiện nay nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho người trồng dừa và doanh nghiệp chế biến các mặt hàng từ trái dừa, như: trợ vốn, khoanh nợ, chuyển giao kỹ thuật, đầu tư thiết bị máy móc hiện đại… Tăng cường khâu tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm từ dừa. 

“Phải giúp dân trụ lại bằng cách đầu tư cho cây dừa. Thí dụ, giúp họ có tiền để mua phân thay vì bỏ không; giúp dân có khả năng tưới nước duy trì diện tích sản xuất… để bà con không phải thất bát lần thứ 2 khi giá dừa tăng trở lại.… Nhà nước nên xem xét việc mua bán qua đường tiểu ngạch giúp cả bên mua, bên bán cùng có lợi”.

Mới đây, UBND tỉnh Bến Tre đã có cuộc họp với các ngành, các doanh nghiệp và đại diện nhà vườn trồng dừa. Qua đó, UBND tỉnh nắm bắt tâm tư nguyện vọng của doanh nghiệp và nhà vườn… để có những chủ trương, chính sách giải cứu cho trái dừa Bến Tre sớm thoát khỏi tình cảnh “trúng mùa mất giá”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên
90ph tv 90 tv mitom link bong da tv soi kèo hôm nay Đại lý bóng đá mitom keo ma cao