Giải phóng 936 ha cho đường sắt tốc độ cao qua Lâm Đồng
VOV.VN - Ngày 14/7, UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức cuộc họp với các đơn vị liên quan về tình hình triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đoạn qua địa bàn tỉnh.
Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đoạn qua địa bàn tỉnh Lâm Đồng có chiều dài 156,5km với 2 nhà ga (ga Phan Rí thuộc xã Bắc Bình và ga Phan Thiết thuộc phường Bình Thuận); 4 trạm bảo dưỡng, diện tích giải phóng mặt bằng dự kiến 936 ha. Dự án đi qua địa bàn của 18 phường, xã (17 xã và 1 phường) ven biển của tỉnh Bình Thuận cũ.
Đại diện Sở Xây dựng cho biết: công tác triển khai giải phóng mặt bằng bắt đầu từ tháng 2/2025 đến tháng 6/2028. Tổng nhu cầu tái định cư khoảng 1.150 hộ. Về phương án, có 45 hộ tái định cư vào các khu dân cư hiện hữu, 1.105 hộ còn lại dự kiến xây dựng mới 9 khu để bố trí tái định cư với tổng kinh phí khoảng 447 tỷ đồng.

Để công tác giải phóng mặt bằng được nhanh chóng, thuận lợi, Sở Xây dựng đề nghị giao công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho 18 xã, phường có dự án đi qua tổ chức triển khai thực hiện để giải phóng mặt bằng phục vụ dự án theo đúng quy định pháp luật hiện hành.
UBND các phường, xã có khu tái định cư phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh thực hiện công tác rà soát quy mô các khu tái định cư theo nhu cầu, quy hoạch đô thị và đề xuất điều chỉnh các quy hoạch có liên quan (nếu có).

Việc hoàn thành đưa vào hoạt động tuyến đường sắt tốc độ cao sẽ giúp thúc đẩy kinh tế xã hội ven biển Lâm Đồng phát triển mạnh. Do đó, vấn đề giải phóng mặt bằng là khâu then chốt, quan trọng để triển khai các công việc tiếp theo. Các xã, phường tiến hành kiểm kê đất đai trong khu vực dự án đi qua; bổ sung dự kiến phương án thu hồi đất, tái định cư, nguồn vốn tái định cư…, nhất là các xã, phường phải quản lý chặt chẽ ranh giới đất đai khu vực dự án, không để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép khu vực dự án…

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có tổng mức đầu tư khoảng 67 tỷ USD, bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội), đi qua các tỉnh, thành phố và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TP.HCM).