Giá điện tăng đúng cao điểm mùa Hè: “Nỗi lo nhân đôi”
VOV.VN - Bình thường khi giá điện chưa tăng, tiền điện của những hộ gia đình phải trả cho các tháng mùa Hè đã cao hơn nhiều so với các tháng khác. Nay giá điện tăng, người dân lại có thêm nỗi lo chi phí.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mới quyết định tăng giá điện bình quân lên hơn 2.200 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT), tương đương 4,8% từ ngày 10/5. Theo giải thích từ EVN, mức tăng giá điện lần này đã được cân nhắc trên cơ sở chi phí đầu vào, chi phí biến động, khả năng chi trả của người dân và doanh nghiệp (DN), để đảm bảo các mục tiêu an sinh xã hội. Hơn nữa, về cơ bản việc điều chỉnh giá điện lần này sẽ bảo đảm các hộ nghèo, các gia đình chính sách bị ảnh hưởng ở mức không đáng kể…
Trong lúc thời tiết cả nước đang bước vào dịp cao điểm nắng nóng nhất trong năm, việc tăng giá điện ở thời điểm này đã khiến nhiều người dân, DN phản ứng. Về phía người dân, nhiều câu hỏi được đặt ra là tại sao ngành điện lại chọn đúng thời điểm nắng nóng, khi người dân phải sử dụng nhiều điện hơn cho sinh hoạt và tiền điện thường tăng cao hơn các tháng khác để quyết định điều chỉnh tăng giá điện. Câu hỏi được nhiều người quan tâm hơn là vì sao giá điện chỉ tăng và không bao giờ giảm, giá điện cứ tăng mãi cho đến mức nào?

Giá điện tăng đến mức nào thì người dân có nhu cầu sử dụng vẫn phải mua điện để dùng. Vì hiện nay trong đời sống sinh hoạt, hộ gia đình nào cũng đều phải phụ thuộc vào điện - nguồn năng lượng sống chỉ do một nhà cung cấp mà chưa có thêm lựa chọn thứ hai. Thế nên thử đặt tình huống nếu 1 giờ không có điện, cuộc sống của mỗi gia đình chắc chắn bị đảo lộn. Và để yên ổn, tất nhiên người ta phải bấm bụng chi trả cho giá điện ngày càng tăng và có khả năng sẽ còn tăng mãi!?
Trong khi nhìn vào cuộc sống của người dân hiện nay vẫn còn quá nhiều khó khăn, không chỉ ở nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa và hải đảo, ngay tại các thành phố lớn hiện nay tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm đang ngày càng gia tăng,… nên việc đảm bảo thu nhập trang trải cho cuộc sống bình thường đã khó, nay càng trở nên bấp bênh hơn khi giá cả hàng hóa nhiều khả năng leo thang theo giá điện.
Chi phí tăng, chất lượng sống có được đảm bảo?
Anh Hoàng Văn Mạnh - lái xe công nghệ cùng vợ vừa mất việc làm - do cơ quan giải thể đang phải thuê nhà ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) bày tỏ, tiền kiếm được hàng tháng chẳng đáng bao nhiêu lại phải trang trải vô số khoản, từ tiền thuê nhà, điện nước, tiền gas và còn phải dành dụm gửi về quê cho ông bà nuôi con ăn học. Vậy nên mỗi khi thấy tin giá cả hàng hóa tăng là cả hai vợ chồng đứng ngồi không yên.
“Hai vợ chồng thuê phòng 20m2, nhưng tiền điện hàng tháng vẫn được chủ nhà tính đều 3.500 đồng/số (kWh). Mùa Đông có thể chỉ cần bóng đèn và tivi là được, nhưng mùa Hè cần thêm quạt điện hoặc có thể bật điều hòa những ngày quá nóng là mỗi tháng phải chi thêm 500.000 - 600.000 đồng. Giờ nhà nước lại tăng giá điện thì chủ nhà cũng sẽ tăng theo, chi phí thêm này cuối cùng những người thuê nhà như vợ chồng chúng tôi phải chịu hết”, anh Mạnh bần thần nói.

Một ông chủ khu nhà trọ trên địa bàn huyện Tiên Du, Bắc Ninh cho biết, bình thường vẫn thu tiền điện của các phòng trọ là 3.500 đồng/kWh, nay giá điện lại tăng dù chỉ khoảng 100 đồng/kWh nhưng vì nhiều phòng thuê, lượng điện sử dụng hàng tháng quá lớn nên ông đang cân nhắc sẽ tăng giá điện lên 4.000 đồng/kWh.
Ở những gia đình có điều kiện hơn không phải đi thuê nhà nhưng khi nói đến tiền điện ai cũng tỏ ra ngán ngẩm. Khổ nỗi mùa nóng nực lại trùng vào mùa tốn nhiều điện bởi đây là thời điểm con cái họ được nghỉ Hè 3 tháng, các cháu ở nhà nên mức sử dụng điện vẫn phải duy trì liên tục. Nay giá điện tăng (dù được tính toán nhà dùng nhiều nhất chỉ thêm mấy chục nghìn đồng), nhưng chắc chắn hóa đơn tiền điện của đại bộ phận người dân từ tháng này sẽ không thể thấp.
Chị Nguyễn Thanh Dung, quận Ba Đình (Hà Nội) kể, các cháu nghỉ Hè nên ở nhà vẫn phải duy trì ít nhất 1 máy điều hòa liên tục trong ngày, đến bữa các cháu cũng phải tự túc nấu ăn, tắm giặt nên tiền điện mùa Hè những năm trước thường tăng gấp đôi so với những tháng mùa Đông.
“Giá điện cứ tăng là gánh nặng cho nhiều gia đình có mức thu nhập trung bình ở thành phố, nhưng điều mọi người lo hơn là giá cả các loại hàng hóa khác sẽ được dịp tăng theo giá điện. Khi người dân phải trang trải chi phí quá cao so với mức thu nhập, đương nhiên chất lượng cuộc sống sẽ thấp đi”, chị Dung băn khoăn.

Ở phía các DN, nhìn nhận về đợt tăng giá điện lần này, ông Phí Ngọc Sơn, Giám đốc kinh doanh, Công ty TNHH Trung Thành (Trung Thành Foods) cho rằng, mức tăng giá điện dù ít hay nhiều đều có tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Từ năm 2023 đến nay, ngành điện đã có 4 lần tăng giá điện khiến hoạt động của DN có nhiều xáo trộn, giá điện trực tiếp làm gia tăng thêm chi phí đầu vào, tác động đến giá thành khiến sản phẩm của DN giảm tính cạnh tranh.
Với hàng nghìn sản phẩm đang có mặt trên thị trường, trước biến động của các yếu tố đầu vào như xăng dầu, điện, cước vận tải… DN đã phải cố gắng cải tiến đổi mới dây chuyền sản xuất, tăng tỷ lệ tự động hóa, ứng dụng công nghệ Xanh để tiết giảm năng lượng, cố gắng làm sao giữ được giá thành sản phẩm phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
“Trung Thành cũng như hàng trăm nghìn DN tư nhân khác đều mong muốn giá điện luôn ổn định, hoặc nếu có tăng cần phải được tính toán kỹ theo lộ trình và thời điểm thích hợp, khi đó mới phù hợp với sức chịu đựng của DN, góp phần hỗ trợ các DN trong bối cảnh còn đang rất nhiều khó khăn như hiện nay”, ông Sơn nêu ý kiến.
Với giá điện 6 bậc thang lũy tiến, mức điều chỉnh sẽ được áp dụng từ ngày 10/5 cho giá điện bán lẻ bậc 1 (từ 0-50 kWh) tăng từ mức 1.893 đồng/kWh, lên 1.984 đồng/kWh. Giá điện bậc 2 (từ 51-100 kWh) tăng từ 1.956,0 đồng/kWh, lên 2.050 đồng/kWh. Giá điện bậc 3 (từ 101-200 kWh) tăng từ 2.271 đồng/kWh, lên 2.380 đồng/kWh.
Giá điện bậc 4 (từ 201-300 kWh) sẽ tăng từ 2.271 đồng/kWh, lên 2.380 đồng/kWh. Giá điện bậc 5 (từ 301-400 kWh) tăng từ 3.197 đồng/kWh, lên 3.350 đồng/kWh. Giá điện bán lẻ bậc 6 (từ 401 kWh trở lên) tăng từ 3.302 đồng/kWh, lên 3.460 đồng/kWh.