Giá điện: Cần đảm bảo quyền lợi số đông
VOV.VN -Các chuyên gia phát biểu ý kiến tại Hội thảo cho rằng dù tính với phương án nào thì cũng cần phải đảm bảo quyền lợi của số đông người dân.
Sáng 22/8, tại Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức Hội thảo dự thảo “Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện”.
Tại hội thảo, đại diện Hội thẩm định giá Việt Nam đưa ra 3 phương án điều chỉnh biểu giá điện mới. Phương án thứ nhất là giữ nguyên biểu giá điện hiện hành, 6 bậc thang lũy tiến, càng dùng nhiều càng đắt. Phương án 2 là quy định một mức biểu giá điện đồng giá 1.747 đồng/kWh, là mức giá bình quân các bậc thang của biểu giá hiện hành. Phương án cuối cùng là rút từ 6 bậc xuống 3 hoặc 4 bậc.
![]() |
Giá điện cần đảm bảo quyền lợi số đông. |
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, điều chỉnh hệ số theo phân khúc giảm bớt đi bởi biểu giá lũy tiến từng bậc hiện nay còn chênh nhau quá lớn. Cụ thể, từ bậc 1 là hơn 1.400 đồng/kWh nhưng bậc 4 lên tới hơn 2.200 đồng/kWh. Theo tính toán trong năm 2014, số lượng hộ mua điện ít hơn 50kWh chiếm 21,8%, số lượng hộ mua từ 51 đến 100 kWh chiếm 25% và đang có tỷ lệ cao nhất. Do đó, ở mỗi bậc giá hiện nay phân ra lượng điện còn quá ít, nên giãn cách thêm khoảng 1,5 lần số điện ở mỗi bậc, không giữ bậc 1 là từ 0 - 50 kWh nữa mà nên điều chỉnh lại khoảng cách từ 0 - 100 kWh. Cùng với đó, giá điện trung bình từng bậc cũng cần hạ xuống thấp hơn hiện nay. Nếu tăng giá 50% thì phải trên 600kWh.
Ông Ngô Trí Long nêu ý kiến: “Quan điểm của tôi nhất trí nên tính theo bậc thang lũy tiến, có nghĩa Nhà nước không khuyến khích nguồn năng lượng không tái tạo được, chính sách phân tầng xã hội. Nhưng 6 bậc vừa qua có điều gì còn bất cập? 2 bậc đầu, giá điện hiện nay là hơn 1700 đồng theo giá sinh hoạt, chỉ giảm 5,1% so với giá bình quân, bậc 2 chỉ giảm hơn 2,3%. Với mức giảm hơn so với giá bình quân thì ngành điện vẫn không lỗ. Từ bậc 3 đến bậc 6 thì tăng từ 2,2% đến gần 50% so với giá bình quân. Như vậy ta thấy rằng trong tính bình quân giá độc quyền, nếu tính sản lượng điện và tính mức giá đó thì với cơ chế này tôi nghĩ chắc chắn sẽ lớn hơn bán theo điện 1 giá”.
Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội phân tích, trong năm 2015, tỷ lệ mua điện của Trung Quốc và nước ngoài chiếm tỷ trọng nhỏ, nhưng các năm trước đó, tỷ trọng mua theo giá thoả thuận lên đến trên 10% tổng sản lượng điện. Giá mua nguyên liệu, mua điện của nước ngoài tiệm cận giá thị trường nhưng giá bán điện lại theo quyết định của Thủ tướng chính phủ. Ngành điện vừa là ngành kinh tế vừa gắn chính trị và an sinh xã hội, giá điện chia như thế nào cũng phải đảm bảo quyền lợi số đông người tiêu dùng.
Phương án tính giá điện theo bất cứ nguyên tắc nào thì cũng phải thực hiện đúng theo Luật điện lực 2013, trong đó cần phải đảm bảo sự công bằng của người tiêu dùng, đảm bảo nguồn tài nguyên quốc gia. Trong đó, phải ưu tiên số đông người thuộc diện nghèo và cận nghèo, trong đó có hơn 60% số hộ hiện nay đang sử dụng điện dưới 150 kw/tháng.
Ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng: “Theo quan điểm của tôi, đến thời điểm này không có một phương án nào có thể đảm bảo hài lòng tất cả những người sử dụng điện mà vấn đề là phải vì lợi ích của số đông, mà lợi ích của số đông thì phải dựa trên lợi ích của số liệu thống kê liên tục từ nhiều năm nay của các cơ quan bán điện. Chúng tôi khẳng định là một trong những nguyên tắc dù phương án nào thì cũng không được làm ảnh hưởng nhiều đến những người nghèo, người có thu nhập trung bình, người làm công ăn lương sử dụng điện tiết kiệm. Vấn đề thứ hai là phải khuyến khích tiết kiệm điện”.
Đại diện cho phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, với lộ trình thị trường điện cạnh tranh, yêu cầu từng bước cải tiến giá bán lẻ điện phù hợp với thị trường điện của Việt Nam. Sau hội thảo này, Tập đoàn Điện lực (EVN) sẽ tổng hợp lại, nghiên cứu và đề xuất phương án giá điện mới lên Bộ Công Thương và Bộ Tài chính, và tiếp tục trình lên Chính phủ phê duyệt trong thời gian quy định./.