111111

Mua bán nhà "không cần công chứng": Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Nhiều ý kiến cho rằng đề xuất này không khả thi, thậm chí sẽ làm nảy sinh nhiều hệ lụy, tăng rủi ro cho các bên tham gia giao dịch

Đề xuất của Bộ Xây dựng về việc “không cần công chứng” đối với các giao dịch về nhà đất, đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Đã có nhiều ý kiến lo ngại về những rủi ro có thể xảy ra nếu không có sự “giám sát” của công chứng.

Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi Bộ Tư pháp đề nghị 7 loại hợp đồng liên quan tới nhà ở không bắt buộc phải công chứng, chứng thực gồm: Hợp đồng mua bán nhà ở; Hợp đồng đổi nhà ở; Hợp đồng tặng cho nhà ở; Hợp đồng thế chấp nhà ở; Hợp đồng thuê mua nhà ở; Hợp đồng thuê nhà ở của tổ chức có chức năng kinh doanh bất động sản, và Hợp đồng thuê nhà ở của cá nhân, hộ gia đình có thời hạn cho thuê dưới 6 tháng.

Bộ Xây dựng đưa ra hình thức cực kỳ đơn giản: “bên mua, bên nhận tặng cho, bên đổi, bên được thừa kế nhà ở có trách nhiệm nộp hồ sơ để được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (GCN) theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp bên bán nhà ở là tổ chức có chức năng kinh doanh bất động sản hoặc các bên có thoả thuận khác”.

Theo Bộ Xây dựng, để bỏ công đoạn công chứng là khi làm thủ tục sang tên, cơ quan cấp GCN sẽ phải kiểm tra điều kiện, tính pháp lý của nhà ở đó. Đây cũng là phần việc mà công chứng viên phải làm khi tiến hành công chứng hợp đồng. Cùng một việc mà 2 cơ quan cùng làm nên thành ra khâu công chứng bị coi là thừa.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng đề xuất này không khả thi, thậm chí sẽ làm nảy sinh nhiều hệ lụy, tăng rủi ro cho các bên tham gia giao dịch. Trao đổi với báo giới, ông Chu Văn Khanh - Trưởng Văn phòng công chứng A1 (Hà Nội) cho rằng, giao dịch nhà đất là loại giao dịch tài sản lớn, nếu không có sự phòng hờ, khi xảy ra sai sót sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của cá nhân hoặc tổ chức tham gia thực hiện giao dịch.

Ông Khanh cũng cho rằng, hiện dịch vụ công chứng đã phát triển, việc thực hiện công chứng khá thuận lợi và nhanh chóng, nếu có đầy đủ hồ sơ hợp lệ có thể giải quyết xong ngay, thậm chí chỉ trong vòng 1 ngày. Khâu công chứng vì vậy cũng không phải là thủ phạm chính gây ra sự chậm trễ trong quá trình cấp sổ đỏ cho người dân và các tổ chức, doanh nghiệp. Ông Chu Văn Khanh lưu ý một khó khăn nữa để thay đổi quy định liên quan đến công chứng HĐ mua bán nhà là cùng lúc sẽ phải điều chỉnh, sửa đổi nhiều luật như: Luật Công chứng, Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Bộ luật Dân sự.

Còn chị Hoàng Thị Oanh ở Mỹ Đình, Hà Nội lại cho rằng, không thể nói thủ tục công chứng hợp đồng nhà đất là không cần thiết hay thừa thãi. Công chứng HĐ về nhà ở có cái lợi lớn nhất là hạn chế rủi ro cho các bên tham gia giao dịch. Nếu không có, rủi ro sẽ rất cao. Công chứng sẽ bảo đảm tính an toàn, tính xác thực của hợp đồng giao dịch, sẽ giúp ngăn chặn những giao dịch bất hợp pháp, giảm thiểu rủi ro pháp lý có thể phát sinh, nhất là trong bối cảnh kiến thức pháp luật của người dân hiện vẫn còn hạn chế nhất định và thị trường bất động sản vẫn tiềm ẩn nhiều loại “bẫy” mà người tham gia giao dịch có thể gặp phải./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên
90ph tv 90 tv mitom link bong da tv soi kèo hôm nay Đại lý bóng đá mitom keo ma cao