111111

Lai Châu: Doanh nghiệp nợ dân nghèo

Dân  nghèo  bỏ nương rẫy, ruộng vườn đầu tư trồng rừng nay bị doanh nghiệp nợ tiền không biết bấu víu vào đâu

Với phương châm “dân góp đất, doanh nghiệp góp vốn”, năm 2010 tỉnh Lai Châu đã trồng hơn 6.000 ha rừng. Tuy nhiên, từ chương trình này, một số doanh nghiệp tham gia trồng rừng đã và đang nợ người dân với số tiền gần chục tỷ đồng. Dân  nghèo  bỏ nương rẫy, ruộng vườn đầu tư trồng rừng nay bị doanh nghiệp nợ tiền không biết bấu víu vào đâu.

Dân long đong…

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh miền núi Lai Châu, hàng nghìn hộ dân rất bức xúc đối với một số doanh nghiệp, vì các đơn vị này chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với người dân tham gia chương trình trồng rừng theo hợp đồng hai bên đã ký kết. Biên bản ký kết giữa người dân với doanh nghiệp về hợp tác trồng rừng quy định rõ: năm đầu tiên triển khai làm đất, trồng rừng, 1 ha đất người dân sẽ được doanh nghiệp chi trả 5 triệu đồng cùng 2 tạ gạo; từ năm thứ 2 đến năm thứ 4 người dân có trách nhiệm chăm sóc, bảo quản số rừng đã trồng và được nhận mỗi năm 3 triệu và 2 tạ gạo...

Nhà có 6 ha đất nương, ông La Văn Kho một người dân bản Na Đông, xã Thèn Sin, huyện Tam Đường, bàn với vợ đem góp với doanh nghiệp 4 ha, vừa có việc làm sau này lại được ăn chia, ai ngờ đến giờ cây đã cao tốt nhưng gia đình ông và người dân trong bản mới chỉ nhận được từ 1 - 1,5 triệu đồng/ha, trong tổng số 7 triệu đồng. Ông La Văn Kho cho biết: “Giờ trồng cây không được tiền mà có ít ruộng, nương nhưng trồng cây hết rồi Hiện trong nhà có một bao thóc này thôi. Trồng cây đến bây giờ cây đã cao bằng này đẹp lắm, nhưng nếu không được nhận tiền phải phá làm nương lại chứ không  đói à”.

Với người dân xã Bản Bo, huyện Tam Đường cuộc sống ngày càng khó khăn hơn. Do phải thuê thêm lao động để trồng rừng, nhiều gia đình đã phải đi vay lãi để chi trả tiền công, chi phí ăn uống sinh hoạt trong thời gian trồng rừng. Chưa nhận được tiền trồng rừng, các hộ dân này đang khốn khổ với số nợ lãi này. Ông Tao Văn Hặc – Bí thư chi bộ bản Phiêng Pẳng, xã Bản Bo cho biết: bản của ông đã trồng được 110 ha rừng, nhưng nói như ông thì trồng được nhiều bao nhiêu khó khăn càng lớn bấy nhiêu. Đích thân ông đã phải đi vay 20 triệu đồng 1 năm nay về cho bà con vay tạm, với lãi suất cao, Đem vấn đề này trao đổi với lãnh đạo huyện Tam Đường, huyện có số hộ dân bị  doanh nghiệp nợ  nhiều nhất, với trên 5 tỷ đồng, nhưng chúng tôi chỉ nhận được những câu trả lời thiếu trách nhiệm.

Ông Mai Khắc Phượng - Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Đường cho rằng, chỉ còn cách là chờ doanh nghiệp có vốn họ sẽ trả. Còn nếu doanh nghiệp không trả tiền cây trồng trên đất thuộc về dân. Nhưng  liệu ông có biết rằng cây đó ít nhất phải 4 năm nữa mới cho thu hoạch, trong khi đó hàng trăm hộ dân đang từng ngày chạy đôn, chạy đáo kiếm gạo hàng ngày, rồi còn phải lo trả tiền lãi ngân hàng vay về trồng rừng. Điều mà ông Phượng băn khoăn nhất lúc này lại không phải là tìm cách tháo gỡ sự khốn khổ của người dân mà ông sợ huyện sẽ không hoàn thành được kế hoạch trồng 1.300 ha năm nay vì theo quan điểm của người dân không trả hết nợ họ sẽ không góp đất trồng nữa.

…Doanh nghiệp cạn vốn

Để rõ hơn về nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ đọng này, chúng tôi đã trao đổi với ông Trương Sỹ Tuẩn - Giám đốc Chi nhánh Công ty cổ phần Minh Sơn, đơn vị tham gia trồng rừng lớn nhất tại Lai Châu và cũng là đơn vị nợ dân nhiều nhất, gần 6 tỷ đồng. Trong 2 năm 2009 - 2010, Công ty đã trồng được 2.350 ha rừng, riêng năm 2010 là 1.534 ha, với sự tham gia của 3.205 hộ dân trên địa bàn 5 huyện của tỉnh Lai Châu. Tuy nhiên, hiện nay tài chính của Công ty đã cạn, trong khi đó, việc huy động nguồn vốn đang rất khó khăn cả nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ dành cho chương trình trồng rừng và vốn vay ngân hàng.

Ông Trương Sỹ Tuẩn cho biết: “Trong hai năm thực hiện chúng tôi cũng nhìn nhận vấn đề tiếp cận nguồn vốn cho công tác trồng rừng là rất khó khăn vì thực hiện dự án trồng rừng này chúng tôi với mô hình kết hợp giữa doanh nghiệp và người dân, người dân có đất góp với doanh nghiệp và doanh nghiệp sẽ đầu tư như bỏ giống, thuốc bảo vệ thực vật, công chăm sóc trong vòng 4 năm chính vì vậy mà không tiếp cận được với nguồn vốn là vấn đề khó khăn cho doanh nghiệp”

Ông Tuẩn cũng khẳng thừa nhận việc chậm chi trả tiền cho bà con là đơn vị đã vi phạm hợp đồng kinh tế đã ký.

Chính quyền thờ ơ, thiếu trách nhiệm!?

Ông Lê Trọng Quảng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho rằng, tỉnh đã lường trước những khó khăn này. Tuy nhiên, hiện tại các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về tình hình tài chính nên dẫn đến tình trạng nợ đọng.

Đây mới là năm đầu tiên triển khai dự án nhưng vấn đề nhùng nhằng về tài chính đã lộ rõ. Ông Quảng cho biết, trong thời gian tới tỉnh sẽ có đoàn kiểm tra, rà soát năng lực của các doanh nghiệp, nếu đơn vị nào không đủ năng lực sẽ không cho tham gia chương trình này nữa.

Ông Lê Trọng Quảng khẳng định, doanh nghiệp mà khó khăn kéo dài, hủy hợp đồng thì thiệt hại về phía doanh nghiệp chứ không phải người dân. Nhưng ảnh hưởng nhất là sự tín nhiệm cho doanh nghiệp và người dân trong cam kết trả lương. Về phía tỉnh, chúng tôi đang giao cho anh em kiểm tra lại năng lực tài chính, những doanh nghiệp nào năng lực tài chính thấy nguy cơ quá  buộc phải thu lại giấy phép, hợp đồng.

Có thể thấy nguyên nhân chính dẫn đến doanh nghiệp nợ tiền dân là do tỉnh Lai Châu không kiểm tra năng lực tài chính của các doanh nghiệp trước khi họ đăng ký thực hiện dự án. Còn một số doanh nghiệp thì lợi dụng sự thiếu trách nhiệm của các cơ quan chức năng tỉnh Lai Châu nên đã mạo hiểm đầu tư vào một chương trình vượt quá thực lực của mình. Thuận lợi thì họ kiếm lời, khi các ngân hàng thắt chặt tín dụng thì người dân phải hứng chịu hậu quả.

Mục đích của chương trình trồng rừng là dân nghèo có thể sống được nhờ rừng, nên bà con tham gia trồng rừng với hy vọng đổi đời, nhưng nay càng khốn khó hơn. Điều đáng nói là khi bắt đầu thực hiện dự án liên kết trồng rừng này các cấp chính quyền tuyên truyền vận động bà con góp đất trồng rừng rất quyết liệt. Nhưng khi bà con bị doanh nghiệp nợ chính quyền lại thờ ơ với khó khăn của bà con. Đã đến lúc các cấp chính quyền ở Lai Châu phải vào cuộc tháo gỡ khó khăn  cho bà con và kiểm tra năng lực của cách doanh nghiệp và có biện pháp cứng rắn; đồng thời  hỗ trợ người dân để họ không "đơn thương độc mã" đi đòi tiền doanh nghiệp./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên
90ph tv 90 tv mitom link bong da tv soi kèo hôm nay Đại lý bóng đá mitom keo ma cao