Chợ chùa ngày xuân
VOV.VN -Ngày xuân, khắp nơi nơi chợ chùa nhộn nhịp kẻ bán, người mua, hàng hóa phong phú đa dạng bên cổng chùa cổ kính rêu phong.
Nếu như chợ thể hiện nét độc đáo văn hóa, bản sắc vùng miền thì chợ chùa ngoài những biểu hiện đó còn mang ý nghĩa về lịch sử và tín ngưỡng của người Việt. Ngày xuân, khắp nơi nơi chợ chùa nhộn nhịp kẻ bán, người mua, hàng hóa phong phú đa dạng bên cổng chùa cổ kính rêu phong.
Xã hội Việt Nam truyền thống được xây dựng trên nền tảng một xã hội nông nghiệp. Nhu cầu trao đổi hàng hóa, nông sản, giống cây trồng, lương thực thực phẩm cao cho nên làng nào, xã nào cũng có chợ. Không dừng lại ở đó, chợ xưa còn là nơi gặp gỡ, trao đổi giao lưu của người Việt.
![]() |
Chợ phiên làng Mọc ngày 27 Tết |
Hình ảnh về chợ trở nên gần gũi, thân thiện hơn khi nơi đây được gắn với tín ngưỡng và tâm linh của người Việt. Đó là chợ gắn với chùa, chính xác hơn, chợ họp ở cổng chùa, còn gọi là chợ Tam bảo. Vì thế, cụm từ Chợ Chùa không những phản ảnh những nét độc đáo của chợ mà nó gánh cả những yếu tố tinh thần, tín ngưỡng của người Việt.
PGS.TS Chu Quang Trứ có lẽ là một trong những nhà nghiên cứu sớm đưa ra cụm từ “Chợ Chùa” trong nghiên cứu của mình. Từ những thập kỉ 90 của thế kỉ 20, ông đã xác định nguồn gốc, đặc điểm của chợ chùa qua bài viết “Chợ chùa với văn hóa làng”[2].
Theo đó, văn bia “Trùng tu rộc tự bi kí” ở chùa Rộc (Hà Tây cũ), khẳng định chợ không những là nơi trao đổi hàng hóa, giao lưu tình cảm cảm mà còn góp phần tạo cảnh đẹp cho chùa: “Trong thôn có rộc, trong rộc có chùa. Đó là chùa này vậy. Phía đông có khe dài sóng gợn, phía tây kề sông lớn vực sâu là nơi rồng ẩn, phía nam có đê dài che chở cho dân. Chợ một khu hàng hóa sầm uất hùng tráng như vậy thì danh lam là chùa, thần linh là Phật”
Căn cứ vào văn bia chợ chùa còn lại, người ta đã xác định được thời điểm ra đời và nở rộ của chợ chùa cùng những sự phản ánh sinh hoạt văn hóa làng xã vào các thế kỉ đó. Theo Th.s Đỗ Thị Bích Yến ở Viện nghiên cứu Hán Nôm: “Văn bia chợ phát triển từ thời nhà Mạc và rộ ở thời kỳ Lê Trung hưng. Tấm bia chợ đầu tiên mang niên hiệu Đại Chính (1531) nhà Mạc. Tấm bia chợ cuối cùng sưu tập được tạo năm Bảo Đại 16 (1941) triều Nguyễn. Nếu tính về thời gian cụ thể thì nó xuất hiện từ năm 1531 cho tới năm 1941, có chiều dài lịch sử 400 năm. Trong số 88 văn bia, có 6 văn bia mang niên đại nhà Mạc (thế kỷ XVI), 13 văn bia mang niên đại triều Nguyễn (thế kỷ XIX, XX), 6 văn bia không ghi niên đại. Số còn lại 63 văn bia tập trung vào thế kỷ XVII, XVIII triều Lê Trung hưng (Lê - Trịnh)”[3].
Cũng theo bài báo này, “Trong số 88 văn bia chợ, có 33 văn bia chợ Tam bảo. Đặc trưng của loại hình này là chỉ thấy xuất hiện và phát triển nở rộ vào thời Lê - Trịnh, tức là hai thế kỷ XVII và XVIII. Như vậy, nó đã chiếm tới một nửa số văn bia thời Lê. Triều Tây Sơn hiện chưa phát hiện ra văn bia chợ nào. Còn triều nhà Nguyễn, hiện chỉ tìm được 13 văn bia chợ, con số này còn quá khiêm tốn so với triều Lê”.

Họp chợ quê tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam
Như vậy, bia chợ Tam bảo chiếm gần ½ số văn bia chợ đã phát hiện, cho thấy chợ Tam bảo giữ một vị trí quan trọng và vững chắc trong dân chúng và giới trí thức thời đó.
Xã hội Việt Nam xưa, do tính chất phương thức sản xuất làm nông nghiệp chi phối nên tính tự cung, tự cấp rất cao. Mỗi gia đình, làng xã đều tự đáp ứng được lương thực, thực phẩm. Vì vậy, chợ ở làng quê đóng vai trò không những chỉ để trao đổi hàng hóa mà còn trao đổi thông tin văn hóa, xã hội của một xã, thậm chí của cả vùng.
Vô hình chung, chợ chùa như một sợi dây liên kết góp phần củng cố mối liên kết cộng đồng giữa các cá nhân với nhau, giữa làng này với làng khác, xã này với xã khác… Từ đó, chợ chùa giống như chợ quê bình thường khác, họp có phiên, theo quy định của từng chợ.
Ví dụ Chợ Đông Ngạc (chợ Vẽ) mỗi tháng 6 phiên vào ngày 2 ngày 7, Chợ Đông Sàng (chợ Mía) họp mỗi tháng 6 phiên, Chợ Tó mỗi tháng 6 phiên vào ngày 4 ngày 9, Chợ Hậu Trữ tỉnh Thái Bình mỗi tháng họp 12 phiên vào ngày 1, 4, 6 và ngày 9 v.v…
Dù vậy, điểm khác biệt cơ bản nhất giữa chợ chùa (chợ Tam bảo) với chợ thông thường chính là yếu tố hành chính- tâm linh mà chợ Tam bảo mang trên mình.
Tìm hiểu về đặc điểm và lợi ích của chợ chùa, trang wikipedia dẫn theo sách Lịch sử Việt Nam của Viện sử học biên soạn cho biết, “Thu nhập từ chợ (chùa) được đưa lại cho chùa quản lý chứ không phải nộp cho triều đình; đất đai xây dựng chợ và những đất mọi người cúng thêm cho chợ đều thuộc quyền sở hữu của nhà chùa.”. “Chợ chùa mang lại lợi ích cho địa phương, do đó nhiều làng có mong muốn có chợ chùa hoặc biến chợ làng thành chợ chùa. Để làm được như vậy, các làng phải viết đơn lên chúa Trịnh, thường phải nhờ có người quyền thế nói giúp mới được chuẩn y. Có chợ chùa, địa phương họp chợ sẽ tránh được sự phiền hà của các quan lại và o ép về thuế cũng như các khoản nộp khác cho chính quyền; đồng thời, họ có thu nhập để xây dựng tu bổ chùa – nơi sinh hoạt tôn giáo của cộng đồng làng xã”[4]
Hoạt động của chợ Tam bảo như vậy có sự giám sát, quản lí rất chặt chẽ của chính quyền đương thời, không giống với những chợ tự phát, chợ cóc hoặc chợ thông thường ở các làng quê xưa. Rõ ràng, về phương diện quản lí nhà nước, chợ có mối liên hệ chặt chẽ với chùa.
Ở góc độ tâm linh, vì chợ họp nơi cổng chùa, vì chợ tọa lạc trước Chùa nên mỗi một người dân khi đi chợ mua-bán trao đổi và gặp gỡ đều tự xác định một chữ Thiện trong sâu thẳm. Bởi đường đến chợ cũng là đường đến Chùa.
Với người Việt, ngôi Chùa từ nghìn năm là nơi tu dưỡng, thanh tịnh và sám hối. Do đó, khi nói đến “chợ chùa”, tự trong lòng mỗi người đã thấp thoáng hình ảnh tam bảo (cổng chùa), thấp thoáng tượng Phật Quan âm và văng vẳng tiếng chuông ngân vang từ nếp nhà có mái đao cong vút lên trời xanh…. Có lẽ vì thế, chợ chùa giúp cho bản tính của người dân từ tốn hơn, lương thiện, yêu thương nhau hơn.

Mộc mạc phiên chợ quê ngày Tết
Phải chăng, câu tục ngữ “Thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa” được ra đời sau khi chợ chùa xuất hiện. Diễn ngôn của tục ngữ này như mô tả chặng đường 3 điểm dẫn con người từ cõi bình sinh đến cõi Phật: Nhà-Chợ-Chùa theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng?
Nôm na ra, con người “tu”- muốn thành chính quả thì trải qua 3 điểm mang tính biểu tượng và cũng là 3 điểm thực tế mà đôi chân trần phải đi. Đầu tiên từ Nhà, sau ra Chợ, rồi mới đến Chùa.
Tại làng quê Việt Nam, nhiều nơi, chợ chùa cũng được biến thể thành chợ-đình hoặc chợ miếu. Tức là chợ họp trước cổng đình, cổng miếu, tuy khác về chủ thể tâm linh nhưng ý thức tâm linh và tính hướng thiện thì cũng như thế cả. Trước kia, trước cổng đình Phong Cốc nổi tiếng của huyện Yên Hưng (Quảng Ninh), có chợ sầm uấn, trên bến dưới thuyền.
Người dân đi chợ bao giờ cũng ngưỡng vọng thành hoàng làng thờ cúng trong đình. Sau này, khi đình Phong Cốc tu bổ, chợ đã bị chuyển dời đi nơi khác. Âu cũng là một sự đáng tiếc.
Trong mỗi chúng ta hôm nay, kí ức về chợ chùa vẫn còn đậm. Chợ chùa vẫn còn hiện diện ở nhiều nơi. Mỗi dịp vào Xuân, được đi chợ chùa để mua sắm hàng Tết đã thích, nhưng được hưởng không khí chợ chùa càng thích thú và thấy ấm lòng hơn.
Bởi, đến chợ chùa, người ta sống với nhau bằng tình cảm, đối xử với nhau bằng tấm chân thành, hướng thiện. Bởi, đến chợ chùa, trong tâm trí mỗi người là đến cổng chùa, đứng trước tượng Thích ca Mâu Ni./.
[1] Trần Kim Anh: Bia chợ xã Đông Ngạc, thêm một bài văn bia thời Mạc, Tạp chí Hán Nôm, số 2/2001
[2] Chu Quang Trứ: Sáng giá chùa xưa, mĩ thuật Phật giáo. NXB Mĩ thuật (tái bản lần I). HN 2012. Bài “Chợ chùa với văn hóa làng”
[3] Đỗ Thị Bích Yến: Văn bia chợ Việt Nam- giá trị tư liệu khi tìm hiểu các vấn đề sinh hoạt xã hội thời phong kiến. Tạp chí Hán Nôm số 5 (78) 2006.
[4] Theo Wikipedia, truy cập ngày 3/2/2016. Nguồn: https://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%E1%BB%A3_ch%C3%B9a