111111
Từ vụ bứng trộm cây bồ đề:

Cần có biện pháp bảo vệ cây cổ thụ ở Hà Nội

Các cơ quan chức năng cần đánh số, treo biển, xây dựng lý lịch và có chế độ theo dõi, chăm sóc định kỳ với các loại cây cổ thụ.

>> Trồng lại cây bồ đề trên đường 19-12

Tuần qua, dư luận nhân dân Thủ đô rất bất bình và lên án vụ Công ty TNHH Thủ đô II – chủ đầu tư dự án xây dựng Trung tâm Thương mại dịch vụ và chợ 19/12 đã ngang nhiên chặt hạ cây bồ đề cổ thụ trăm tuổi ở phố 19-12, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Các lực lượng chức năng phát hiện và đã đưa cây bồ đề này trồng lại đúng nơi bị kẻ đã bứng trộm.

Dư luận bất bình và lên án vụ việc này bởi chỉ vì muốn thêm diện tích để kinh doanh mà Công ty TNHH Thủ đô II đã triệt hạ cây bồ đề cổ thụ 100 tuổi có đường kính phần gốc hơn 1 mét, đang lên xanh tốt, phát triển bình thường, là cây đã được Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội đưa vào danh mục cây cổ thụ cần được bảo tồn, cấm xâm hại.

Về mặt tâm linh, dưới gốc cây bồ đề là nơi người dân hằng ngày thắp hương tưởng nhớ những chiến sỹ và nhân dân đã hy sinh tại đây trong kháng chiến chống Pháp. Dư luận cũng bất bình khi lãnh đạo Công ty TNHH Thủ Đô II cho rằng, cây nằm trong đất dự án thì có thể tùy ý xử lý chứ không cần xin phép cơ quan chức năng. Vì vậy, khi cơ quan chức năng phát hiện nơi công ty cất giấu cây bồ đề, mời đến để làm rõ trách nhiệm thì ông Nguyễn Anh Cường – Giám đốc công ty, cũng không đến, thể hiện thái độ coi thường kỷ cương phép nước, rất đáng phê phán.

Dư luận cũng đồng tình khi trả lời báo chí, Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc Công an Hà Nội khẳng định: Đây là vụ việc rất nghiêm trọng; hiện đang được cảnh sát điều tra công an Hà Nội làm rõ. Nếu đủ dấu hiệu sẽ khởi tố vụ án để điều tra xử lý theo pháp luật.

Tại Hà Nội, hiện có hơn 700 cây cổ thụ quý thuộc 62 loài và 30 họ thực vật khác nhau.Các loại cây cổ thụ được trồng tập trung ở 14 quận, huyện. Trong số này có cây lim cổ thụ trên 250 tuổi hiện trồng trong vườn nhà anh Vũ Đức Kỳ ở xóm 3, xã Tân Minh, huyện Sóc Sơn. Nhóm cây cổ thụ cao tuổi nhất đã sống từ 400 đến 700 năm chủ yếu được trồng tại các đình, chùa. Điển hình như cây bồ đề tại đình Kiêu Kỵ, thuộc xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm có trên 700 năm tuổi, cây thị ở đình Chèm, cây muỗm ở đền Quán Thánh, cây gạo ở Bảo tàng Lịch sử, đều có trên 300 năm tuổi ..

Để  góp phần bảo vệ các cây cổ thụ, cây quý hiếm, thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 19/QĐ-UBND ngày 14/5/2010 “Quy định về quản lý hệ thống cây xanh đô thị, công viên, vườn hoa, vườn thú trên địa bàn Thành phố Hà Nội”. Theo Quyết định này, Sở Xây dựng thành phố có nhiệm vụ quản lý hệ thống cây xanh đô thị, công viên, vườn hoa, cây xanh chung trên địa bàn thành phố, tổ chức quản lý vườn hoa, cây xanh chung trên các trục đường chính đô thị, các tuyến quốc lộ, các dải phân cách có cây xanh, thảm cỏ… UBND quận, huyện, thị xã tổ chức quản lý hệ thống cây xanh dọc theo các tuyến đường, trong các khu đô thị, công viên, vườn hoa và nơi công cộng theo địa giới quản lý hành chính.

Tuy nhiên, thực tế đáng buồn là các cây cổ thụ của Hà Nội đang bị suy giảm cả số lượng và chất lượng. Trong đó đáng lên án  không ít người dân có các hành vi hủy hoại nhiều cây cổ thụ bằng cách chặt rễ, đóng đinh vào thân cây, bóc vỏ cây, thậm chí vì lợi ích lấy thêm mặt bằng kinh doanh, một số hộ dân còn ngấm ngầm “bức tử” cây…

Từ vụ việc chặt hạ cây bồ đề cổ thụ ở phố 19/12 cho thấy, cần thiết phải có biện pháp tích cực bảo vệ cây cổ thụ và các loại cây quý hiếm ở Hà Nội nói riêng và ở các địa phương khác trong cả nước nói chung. Các cơ quan chức năng cần đánh số, treo biển, xây dựng lý lịch và có chế độ theo dõi, chăm sóc định kỳ với các loại cây cổ thụ. Đối với một số cây cổ thụ có giá trị đặc biệt về văn hoá, lịch sử và khoa học như cây đa đền Bà Kiệu, cây bồ đề chùa Trấn Quốc... cần được xem xét để công nhận là di tích văn hoá lịch sử.

Hệ thống cây xanh đô thị, trong đó có các loại cây cổ thụ có vai trò hết sức to lớn trong việc điều hoà khí hậu, bảo vệ môi trường và kiến trúc cảnh quan. Do vậy, cần tuyên truyền đến  mỗi người dân Thủ đô về nghĩa vụ và trách nhiệm bảo vệ cây xanh của thành phố nói chung và các loại cây cổ thụ, cây quý hiếm nói riêng.

Thành phố cũng nên công bố 1 - 2 số máy điện thoại đường dây nóng để người dân khi phát hiện những kẻ chặt hạ cây cổ thụ, quý hiếm đều có thể báo ngay cho các cơ quan có trách nhiệm xử lý. Đặc biệt, với các trường hợp chặt phá cây gây thiệt hại nghiêm trọng như vụ Tổng giám đốc Công ty TNHH Thủ đô II ngang nhiên chặt hạ cây bồ đề cổ thụ trăm tuổi ở phố 19/12 sẽ phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự giống như vụ Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên tòa xét xử vụ chặt trộm cây sưa. Kẻ chủ mưu của vụ này đã phải chịu mức án 9 năm tù./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên
90ph tv 90 tv mitom link bong da tv soi kèo hôm nay Đại lý bóng đá mitom keo ma cao