Bà lão U70 chi 7,2 tỷ đồng mua đồ online, thuê thêm một căn hộ trữ hàng chưa mở
VOV.VN - Người phụ nữ 66 tuổi ở Trung Quốc đã chi 2 triệu nhân dân tệ (hơn 7 tỷ đồng) mua đồ trực tuyến, gói hàng chưa mở chất cao đến tận trần khiến bà không có chỗ để ngủ.
Bà Vương (66 tuổi) sống một mình trong căn hộ ở quận Gia Định, thành phố Thượng Hải, Trung Quốc. Trong vài năm qua, bà đã chi hơn 2 triệu nhân dân tệ (khoảng 7,2 tỷ đồng) để mua hàng từ các nền tảng trực tuyến, theo Kan Kan News.

Bà Vương thường tích trữ những món đồ chưa mở trong nhà khiến không gian trở nên bừa bộn khủng khiếp. Những người hàng xóm phàn nàn về mùi hôi thối và thường xuyên nhìn thấy ruồi, gián xung quanh căn hộ của bà. Bà cho biết mình nghiện mua sắm trực tuyến và việc tiêu tiền theo cách này đem lại cảm giác phấn khích.
Bà Vương cũng nói rằng mình cần phải tiêu hết tiền để người thân và bạn bè không đến vay nữa: "Nhiều năm trước, tôi đã bán căn hộ ở trung tâm thành phố và mua căn nhà này ở ngoại ô quận Gia Định. Người khác dễ dàng kết luận rằng tôi còn rất nhiều tiền trong túi. Để tránh họ vay tiền, tôi chọn cách dùng tiền đó để mua sắm. Khi họ thấy nhà tôi chất đống đồ đạc, họ sẽ cảm thấy việc tôi cho họ vay tiền là không phù hợp”.

Người phụ nữ U70 này thường mua sắm qua các buổi livestream, chủ yếu mua mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và trang sức vàng. Các gói hàng được chất cao tới tận trần nhà và bà thừa nhận rằng mình không thể tìm được chỗ để ngủ. Gara ngầm cũng chất đầy đồ đạc. Vài tháng trước, bà Vương đã thuê một căn hộ khác để chứa đồ mình mua về.
Theo một viên chức ủy ban dân cư, con gái bà Vương sống ở nước ngoài và người thân hiếm khi đến thăm. Một cán bộ giấu tên cho biết, họ đã liên lạc với người thân của bà Vương với hy vọng có thể khiến bà thay đổi cách sống, nhưng không thành công.

Vào tháng 5/2024, ban quản lý khu dân cư đã tổ chức dọn dẹp sau khi được sự cho phép của bà Vương, nhưng tình trạng tích trữ vẫn tiếp diễn.
Shi Yanfeng, bác sỹ tâm thần tại Thượng Hải, chia sẻ với giới truyền thông rằng bệnh nhân mắc chứng rối loạn tích trữ thường bị trầm cảm và lo âu xã hội. Bác sỹ Yan Feng đến từ Trung tâm Sức khỏe Tâm thần Thượng Hải cho biết, điều trị chứng rối loạn tích trữ là một dự án dài hạn.

Câu chuyện của bà Vương trở thành chủ đề thịnh hành trên mạng xã hội. và khơi lên cuộc thảo luận sôi nổi về sức khỏe tâm thần của người cao tuổi: "Nguyên nhân gốc rễ vấn đề của bà ấy là sự cô đơn"; "Những người trẻ nên quan tâm nhiều hơn đến người lớn tuổi trong gia đình mình"....