111111

Thắp sáng ngọn đuốc đổi mới ngành Xi măng

VOV.VN - Ngành Xi măng đã và đang hướng tới xu thế công nghệ sản xuất tiên tiến, hiệu quả hoạt động cao gắn với sự phát triển xanh, bền vững...

Trong những năm qua, ngành Xi măng Việt Nam không ngừng tăng trưởng về sản lượng, đưa nước ta trở thành nước sản xuất xi măng có quy mô lớn thứ 5 trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Nga. Trong sự phát triển lớn mạnh đó, các DN xi măng phải hướng tới xu thế công nghệ sản xuất tiên tiến, hiệu quả hoạt động cao gắn với sự phát triển xanh, bền vững.

VICEM BÚT SƠN: Tiên phong đổi mới, sáng tạo

Công ty CP Xi măng VICEM Bút Sơn - thành viên của Tổng công ty Xi măng Việt Nam trở thành DN tiên phong, đi đầu trong đổi mới, sáng tạo, để áp dụng khoa học công nghệ hiện đại và triển khai hiệu quả chương trình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất theo đúng định hướng của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và ngành Xây dựng Việt Nam.

Năm 1997, Xi măng Bút Sơn ra đời, mang sứ mệnh trở thành DN tiêu biểu thời kỳ đổi mới, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Hà Nam cũng như tham gia phát triển ngành VLXD nước nhà.

Trải qua 25 năm xây dựng và trưởng thành, ngày nay, VICEM Bút Sơn đang từng bước phát triển mạnh mẽ, xứng với kỳ vọng. Đặc biệt, chỉ trong vòng gần 4 năm qua, VICEM Bút Sơn đã phát triển lớn về quy mô và giá trị DN, “lĩnh ấn” tiên phong trên con đường đổi mới của Tổng công ty Xi măng Việt Nam cũng như của ngành Xi măng nước nhà.

Nằm trên địa bàn tỉnh Hà Nam - thủ phủ ngành Xi măng với nhiều nhà máy xi măng có quy mô lớn - VICEM Bút Sơn luôn là DN dẫn đầu về uy tín chất lượng trên thị trường, đáp ứng xây dựng nhiều công trình trọng điểm quốc gia như thủy điện Sơn La, đường Hồ Chí Minh, cầu Thanh Trì, đường vành đai 3 Hà Nội… Thương hiệu Xi măng VICEM Bút Sơn với nhãn hiệu quả địa cầu mang hàm ý chất lượng quốc tế có được, không chỉ đến từ dây chuyền công nghệ tiên tiến của Pháp và Nhật Bản, mà còn đến từ năng lực làm chủ và phát triển công nghệ của đội ngũ kỹ thuật và lãnh đạo Công ty.

Năm 2019, sau nhiều năm vận hành dây chuyền sản xuất hãng Technip-Cle (Pháp), VICEM Bút Sơn đã mạnh mẽ, sáng tạo thực hiện cải tạo tổng thể dây chuyền sản xuất số 1 giúp giảm tiêu hao năng lượng, giảm phát thải, nâng cao năng suất và chất lượng, với tầm nhìn chiến lược dài hạn và sự chủ động về năng lực công nghệ. Cũng vào năm 2019, theo định hướng chỉ đạo của Tổng công ty Xi măng Việt Nam, cả hai dây chuyền sản xuất của Xi măng Bút Sơn đã triển khai đề tài khoa học về nghiên cứu sử dụng rác thải, bùn thải làm nguyên liệu, nhiên liệu trong sản xuất xi măng.

Hiệu quả kép về kinh tế - xã hội, môi trường

Giờ đây, VICEM Bút Sơn đã góp phần lớn lao trong thay đổi nhận thức của xã hội về ngành Xi măng Việt Nam bằng một góc nhìn mới, trong đó nhà máy xi măng giảm tối đa việc sử dụng các tài nguyên thiên nhiên không tái tạo (than đá, đá vôi, đất sét…) thông qua việc sử dụng chất thải xã hội như bùn thải, tro xỉ nhiệt điện để thay thế nguyên liệu đất sét và đốt rác thải để làm nhiên liệu nung luyện thay cho than cám; dây chuyền xi măng không chỉ giảm thiểu phát thải mà còn trở thành nhân tố tích cực tham gia xử lý các vấn đề môi trường cho đất nước.

Hiện nay, VICEM Bút Sơn là nhà máy xi măng có năng lực xử lý chất thải quy mô lớn nhất Việt Nam, với khối lượng xử lý rác thải công nghiệp thông thường hơn 8.000 tấn/tháng, xử lý rác thải nguy hại gần 1.500 tấn/tháng, xử lý bùn thải khoảng 4.500 tấn/tháng. Đặc biệt, nhờ tính ưu việt và mức độ làm chủ công nghệ của dây chuyền sản xuất xi măng, các chất thải khi được đồng xử lý tại VICEM Bút Sơn đã tiêu hủy hoàn toàn các thành phần gây ô nhiễm môi trường trong điều kiện nung luyện nhiệt độ cao 1.200 - 2.000oC, chất thải đốt cháy đã tạo thành nhiệt thay thế cho nhiên liệu than cám truyền thống, tro xỉ sau khi cháy kết tinh thành nguyên liệu xi măng nên vừa góp phần giảm chi phí mua nguyên nhiên liệu cho Công ty, vừa xử lý rất hiệu quả đa dạng các nguồn chất thải xã hội như rác thải nhựa, chất thải nguy hại, bùn thải công nghiệp, bùn nạo vét sông hồ đô thị, rác thải sinh hoạt… Chương trình này là điển hình của việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất công nghiệp mang lại hiệu quả kép cả về kinh tế - xã hội và môi trường. Chỉ riêng trong năm 2021, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh Covid -19, VICEM Bút Sơn đã xử lý gần 92.500 tấn rác thải và 52.800 tấn bùn thải, mang lại hiệu quả kinh tế hơn 60 tỷ đồng cho Công ty.

Khát vọng đổi mới công nghệ sản xuất xi măng được thắp sáng trong những năm qua. Hành trình để tạo nên một ngành Xi măng sản xuất xanh và bền vững cần bước đột phá mạnh mẽ. Là DN Nhà nước, Tổng công ty Xi măng Việt Nam và các đơn vị thành viên sẽ là “đầu tàu” dẫn dắt ngành Xi măng Việt Nam trở thành động lực chính trong sự phát triển công nghệ xi măng của thế giới. Với những thành công thời gian qua, VICEM Bút Sơn đã thắp sáng “ngọn đuốc” cho con đường đổi mới, góp phần mở ra ướng đi mới trong ngành.

VICEM Hạ Long thành nơi xử lý rác cho Quảng Ninh

Lễ khởi động dự án “Xi măng xanh - Greening Cement” tại nhà máy xi măng VICEM Hạ Long vừa được tổ chức tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Theo ông Hoàng Anh Đức - Tổng giám đốc VICEM Hạ Long, thực hiện định hướng chiến lược phát triển xanh của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, của Chính phủ, thực hiện chỉ đạo của Bộ Xây dựng, của Tổng Công ty Xi măng Việt Nam, ý thức trách nhiệm đồng hành cùng sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, những năm qua, ngoài nỗ lực sản xuất kinh doanh hiệu quả, VICEM Hạ Long đặc biệt quan tâm đến phát triển xanh, bền vững, đi đôi với bảo vệ môi trường. Công ty triển khai các giải pháp hạn chế phát thải khói, bụi; nghiên cứu phối liệu để tiết kiệm tài nguyên, sử dụng chất thải, rác thải của các cơ sở sản xuất công nghiệp ở tỉnh Quảng Ninh để làm nguyên, nhiên liệu thay thế; triển khai định hướng kinh tế tuần hoàn, phát triển xanh.

Câu chuyện phát triển xanh không mới với VICEM Hạ Long bởi DN đã và đang thực hiện. Từ năm 2015, công ty đã nghiên cứu sử dụng tro bay, tro xỉ nhiệt điện, tro xỉ thép làm phụ gia sản xuất xi măng. Đến nay, tỷ lệ pha trộn trung bình khoảng 15 - 20%, mỗi năm, VICEM Hạ Long đưa vào sử dụng gần 200.000 tấn tro xỉ các loại; tỷ lệ sử dụng tro bay trong phối liệu trung bình 2,5 - 5%, hàng năm; tương đương khoảng 30.000 - 35.000 tấn tro bay. DN nghiên cứu, thử nghiệm thành công thạch cao nhân tạo thay thế thạch cao tự nhiên, với tỷ lệ lên đến 70% trong sản xuất xi măng PCB40, thay thế khoảng 30% trong sản xuất xi măng PCB50.

Từ cuối năm 2020, xi măng Hạ Long đã đưa vào sản xuất thử nghiệm bùn thải từ các khu công nghiệp ở tỉnh Quảng Ninh, thay thế một phần đất sét, tiết kiệm tài nguyên không tái tạo, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hàng năm, công ty đã đưa vào xử lý từ 12.000 - 15.000 tấn bùn thải công nghiệp. Hiện tại, DN đang tìm thêm nguồn bùn thải để tăng tỷ lệ thay thế sét. VICEM Hạ Long đang triển khai chương trình đốt nhiên liệu thay thế một phần than cám trong sản xuất clinker. Từ năm 2020 đến nay, nhà máy đã thực hiện việc đốt thử nghiệm giai đoạn 1 bằng phương pháp đốt thủ công. Tổng sản lượng nhiên liệu thay thế khoảng 12.000 tấn.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Ðinh Quang Dũng - Phó tổng giám đốc VICEM cho biết: Những năm qua, VICEM tích cực chỉ đạo các đơn vị thành viên, tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đầu tư chiều sâu, tăng cường sử dụng tro, xỉ, thạch cao nhân tạo và các chất thải làm nguyên, nhiên liệu thay thế trong sản xuất clinker, xi măng… Ðặc biệt, xử lý chất thải trong các ngành công nghiệp là giải pháp mũi nhọn, khả thi và bền vững; trong đó phương pháp xử lý chất thải trong các nhà máy sản xuất xi măng nói chung và VICEM Hạ Long nói riêng là giải pháp có nhiều lợi thế, giúp xử lý triệt để chất thải, đặc biệt là chất thải nguy hại, do tận dụng được lò đốt ở nhiệt độ cao trong dây chuyền sản xuất, đốt được hầu hết các loại chất thải, không đòi hỏi cao về phân loại rác, tỷ lệ thu hồi nhiệt cao, không phát thải thứ cấp và hệ thống giám sát khí thải liên tục 24/7 an toàn với môi trường.

Dự án “Xi măng xanh - Greening Cement” được hình thành trên cơ sở hợp tác giữa VICEM, FLSmidth và các đối tác, được tài trợ một phần bởi Tổ chức P4G, với mục tiêu phát triển bền vững và sản xuất xanh trong ngành công nghiệp xi măng. Cụ thể là cắt giảm tiêu hao nhiên liệu hóa thạch, gia tăng xử lý rác thải; thiết lập chuỗi cung cấp chất thải đô thị và công nghiệp cho nhà máy xi măng VICEM Hạ Long; tháo gỡ rào cản pháp lý, tạo điều kiện đầu tư vào xanh hóa công nghiệp sản xuất xi măng. Qua đó, quan hệ đối tác này chứng minh sự thành công của nhà máy VICEM Hạ Long khi xử lý 100% chất thải làm nhiên liệu thay thế sản xuất clinker, xi măng; nhờ đó giảm thiểu chôn lấp, góp phần bảo vệ môi trường, cảnh quan tại TP Hạ Long.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Christensen - Đại sứ Vương quốc Đan Mạch nhấn mạnh: Dự án xanh hóa ngành Xi măng là 1 phần hiện thực hóa Tuyên bố Hà Nội, nhằm làm bền vững hơn ngành Xi măng. Dự án xi măng xanh triển khai sẽ giảm phát thải khí nhà kính, trong đó có giảm CO2; góp phần thực hiện cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam.

Ông Aru David - Giám đốc khu vực Tổ chức phi Chính phủ ASSIST cho biết, ASSIST là một tổ chức phi lợi nhuận châu Á, luôn hướng đến chuyển đổi bền vững, đảm bảo cải thiện công bằng xã hội.

Với mong muốn xây dựng xi măng Hạ Long trở thành một trong những trung tâm xử lý chất thải của TP Hạ Long nói riêng, tỉnh Quảng Ninh nói chung, góp phần lan tỏa hiệu ứng tích cực về xử lý chất thải. Bước đầu, dự án hợp tác này sẽ tập trung vào thí điểm tại VICEM Hạ Long, để giúp thay đổi hệ thống quản lý chất thải và cơ sở hạ tầng. Dự án triển khai giúp giảm lượng khí thải carbon của ngành Xi măng, tạo ra mô hình kinh doanh có thể nhân rộng cho cả ngành công nghiệp xi măng và ngành quản lý chất thải tại địa phương.

ASSIST tin rằng có thể thông qua việc hợp tác, tham gia cùng Dự án Greening Cement - Xi măng xanh; giúp ngành Xi măng xanh hóa. Năm 2022 sẽ tập trung nghiên cứu khả thi dự án; năm 2023 tập trung thiết kế kỹ thuật và các vấn đề chính sách, triển khai ứng dụng công nghệ mới của FLSmidth…

Ông Maxime Ramael - Giám đốc điều hành FLSmidth Việt Nam nhấn mạnh: Bên vịnh Hạ Long thơ mộng, nhà máy xi măng có thể chung sống hòa bình nhờ dự án xanh hóa ngành Xi măng. FLSmidth đã thực hiện 20 đơn vị đồng xử lý trên thế giới; thay thế than bằng chất thải, nhờ buồng đốt Hot dick, tạo ra năng lượng như đốt than, giảm phát thải NOX, bụi mịn từ than đá…

“Triển khai Dự án xi măng xanh tại VICEM Hạ Long, Quảng Ninh đã tìm thấy đối tác đồng xử lý chất thải đáng tin cậy; giảm phát thải, giảm rác thải chôn lấp, thực hiện kinh tế tuần hoàn. Không còn rác thải trôi nổi trên vịnh Hạ Long, không còn rác thải khắp các nhà máy công nghiệp và rác thải sinh hoạt ở TP Hạ Long nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung; không còn khói bụi, người dân được hưởng lợi từ dự án” - Ðại diện FLSmidth khẳng định.

Ông Nguyễn Như Hạnh - Ðại diện Sở TN&MT Quảng Ninh ghi nhận nỗ lực, sự cầu thị của VICEM Hạ Long trong giải quyết mâu thuẫn giữa sản xuất và môi trường khi nhà máy nằm bên vịnh Hạ Long. Sở sẽ trợ giúp và tạo điều kiện để dự án triển khai thành công.

VICEM Hạ Long và VICEM Sông Thao: Đổi mới, sáng tạo để vươn lên

Trong 5 năm qua, năm 2019 là dấu mốc quan trọng cho sự thay đổi trong định hướng phát triển của ngành Xi măng. Điều đó đến từ sự đổi mới mạnh mẽ của đơn vị đầu ngành là Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM).

Với vai trò một DN 100% vốn Nhà nước, VICEM đã tích cực triển khai quá trình tái cấu trúc mô hình quản trị DN theo đúng định hướng chỉ đạo thể hiện trong đề án tái cơ cấu Tổng công ty giai đoạn 2019 - 2025 đã được Bộ Xây dựng phê duyệt, trong đó một trụ cột chính là triển khai đổi mới, sáng tạo trong sản xuất nhằm hướng đến công nghệ sản xuất xi măng tiên tiến, xanh và bền vững.

Với định hướng đó, các công ty thành viên chủ chốt của VICEM đã nhanh chóng triển khai quá trình đổi mới công nghệ với rất nhiều chương trình mang tính sáng tạo cao như: Xử lý nút thắt trong dây chuyền sản xuất để tăng năng suất và chất lượng đi đôi với giảm tiêu hao năng lượng; sử dụng rác thải, bùn thải, tro xỉ nhiệt điện, xỉ luyện kim làm nguyên liệu, nhiên liệu thay thế cho các tài nguyên thiên nhiên không tái tạo như than đá, đá sét, đá vôi…; chương trình thử nghiệm sản xuất clinker với mức phát thải CO2 thấp… Trong khí thế mạnh mẽ, bên cạnh những đơn vị dẫn đầu như VICEM Hà Tiên, VICEM Bút Sơn, VICEM HoàngThạch thì hai doanh nghiệp “trẻ” của Tổng công ty Xi măng là VICEM Hạ Long và VICEM Sông Thao cũng tích cực triển khai và đạt được hiệu quả cao, từng bước vượt qua khó khăn, vươn lên.

Trước đây, VICEM Hạ Long và VICEM Sông Thao là hai đơn vị sản xuất kinh doanh xi măng được chuyển về VICEM từ các DN khác. Tại thời điểm chuyển giao, cả hai công ty đều trong tình trạng làm ăn thua lỗ, số lỗ lũy kế quá lớn, gần như mất hết vốn, dòng tiền thu về không đủ để trả nợ nguồn vốn vay đầu tư xây dựng, “bên bờ vực” phá sản, thương hiệu còn yếu, kinh nghiệm sản xuất và quản trị còn chưa nhiều. Ngay khi tiếp nhận hai đơn vị, VICEM phải tái cơ cấu toàn diện từ kỹ thuật, điều hành sản xuất, thị trường, đến giải quyết các vấn đề tài chính.

Sau gần 5 năm chuyền về VICEM, hai Công ty đều sản xuất kinh doanh có lợi nhuận; cân đối trả nợ được gốc và lãi cho các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước, từng bước giảm chi phí tài chính phát sinh - vốn là mối lo rất lớn và ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả hoạt động; năng lực về thị trường và sản xuất đều được cải thiện rõ rệt, đời sống cán bộ công nhân viên được nâng cao. Đặc biệt, tuy là hai thành viên mới nhưng VICEM Hạ Long và VICEM Sông Thao đang bước đầu thực thi hiệu quả chiến lược thay đổi cách nhìn của xã hội với ngành Xi măng mà VICEM đang theo đuổi thông qua áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn. Chương trình đổi mới sáng tạo được triển khai đồng bộ, quyết liệt, đạt hiệu quả cao. Năm 2021, VICEM Hạ Long đã triển khai đốt 8.060 tấn rác thải công nghiệp, thay thế khoảng 3% nhiệt năng cho sản xuất clinker; xử lý và phối trộn gần 12.900 tấn bùn thải công nghiệp thông thường trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh để thay thế một phần đất sét với chi phí hỗ trợ thu được khi xử lý bùn thải khoảng 660.000 đồng/tấn bùn thải; đồng thời Công ty tận dụng đưa vào sản xuất hơn 145.000 tấn tro, xỉ từ các nhà máy nhiệt điện lân cận thải ra, vừa nâng cao sản lượng và hiệu quả vừa góp phần chung tay với xã hội trong việc xử lý vấn đề môi trường.

Cũng trong năm 2021, VICEM Sông Thao đã triển khai đốt hơn 22.000 tấn rác thải công nghiệp, đem lại cho công ty lợi nhuận gần 3,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc triển khai xử lý nút thắt công nghệ tồn tại nhiều năm tại hệ thống ghi làm nguội clinker đã góp phần giúp hai đơn vị tăng năng suất, giảm tiêu hao, tiết kiệm chi phí sản xuất tạo thêm động lực cho sự thành công của quá trình tái cơ cấu và vươn lên.

Có thể nói, tái cấu trúc thành công đã làm hồi sinh VICEM Hạ Long và VICEM Sông Thao. Tiếp bước theo, việc đổi mới sáng tạo trong sản xuất theo mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ là động lực mạnh mẽ để hai DN thành viên mới của VICEM vươn lên mạnh mẽ, góp thêm sức mạnh phát triển ngành công nghiệp xi măng Việt Nam./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

VICEM phấn đấu đạt lợi nhuận hơn 2.300 tỷ năm 2021, hướng đến “sản xuất xanh”
VICEM phấn đấu đạt lợi nhuận hơn 2.300 tỷ năm 2021, hướng đến “sản xuất xanh”

VOV.VN - Trong năm 2021, Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) đặt mục tiêu tiêu thụ 30 triệu tấn sản phẩm, tổng doanh thu 35.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế trên 2.300 tỷ đồng, tăng 7% so với năm trước.

VICEM phấn đấu đạt lợi nhuận hơn 2.300 tỷ năm 2021, hướng đến “sản xuất xanh”

VICEM phấn đấu đạt lợi nhuận hơn 2.300 tỷ năm 2021, hướng đến “sản xuất xanh”

VOV.VN - Trong năm 2021, Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) đặt mục tiêu tiêu thụ 30 triệu tấn sản phẩm, tổng doanh thu 35.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế trên 2.300 tỷ đồng, tăng 7% so với năm trước.

VICEM Bút Sơn đổi mới công nghệ, đảm bảo môi trường, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh
VICEM Bút Sơn đổi mới công nghệ, đảm bảo môi trường, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh

VOV.VN - Năm vừa qua, Vicem Bút Sơn đã thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác điều hành sản xuất kinh doanh, đồng thời thực hiện tốt mục tiêu phòng chống dịch Covid-19, tiết kiệm chi phí, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định và đạt các mục tiêu đề ra.

VICEM Bút Sơn đổi mới công nghệ, đảm bảo môi trường, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh

VICEM Bút Sơn đổi mới công nghệ, đảm bảo môi trường, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh

VOV.VN - Năm vừa qua, Vicem Bút Sơn đã thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác điều hành sản xuất kinh doanh, đồng thời thực hiện tốt mục tiêu phòng chống dịch Covid-19, tiết kiệm chi phí, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định và đạt các mục tiêu đề ra.

90ph tv 90 tv mitom link bong da tv soi kèo hôm nay Đại lý bóng đá mitom keo ma cao