Xu hướng chuyển từ ngân hàng số sang ngân hàng AI
VOV.VN - Việt Nam đang hòa theo xu hướng thế giới, chuyển dịch từ ngân hàng truyền thống sang ngân hàng số (Digital Bank) và giờ là sang ngân hàng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI Bank).
Xu hướng mới, còn nhiều thách thức
Những năm gần đây, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đã trở thành một xu hướng nổi bật cho các doanh nghiệp trên toàn cầu nói chung và ngành ngân hàng nói riêng.
Theo các chuyên gia công nghệ, ngân hàng là một trong những ngành đang có mức độ trưởng thành về AI cao nhất, với 85% ngân hàng đã thiết lập chiến lược ứng dụng AI trong xây dựng các sản phẩm, dịch vụ mới, và hơn 59% nhân sự đang sử dụng AI trong hoạt động hàng ngày.
Chuyển dịch từ ngân hàng truyền thống, Digital Bank sang AI Bank là xu hướng mới, thu hút sự quan tâm đặc biệt của các ngân hàng. Kinh phí mà các ngân hàng đầu tư cho GenAI (trí tuệ nhân tạo tạo sinh) được dự đoán sẽ tăng lên 85 tỷ USD vào năm 2030, tăng mạnh so với mức 6 tỷ USD năm 2024, đánh dấu mức đầu tư tăng hơn 1.400%.

Ông Đoàn Hữu Hậu, Giám đốc Dịch vụ chuyển đổi và AI FPT Digital nhận định, ngành ngân hàng với đặc thù kinh doanh tiền tệ, tài chính, có mức độ nhạy bén cao với nhu cầu thị trường và mức độ trưởng thành cao về ứng dụng công nghệ, tạo ra cả điều kiện cần và điều kiện đủ để đi đầu trong ứng dụng công nghệ AI.
Về điều kiện cần, khách hàng và các đối tác trên thị trường tiền tệ tài chính là những người luôn có nhu cầu cao về trải nghiệm, về sự tiện nghi, đặt ra yêu cầu, thách thức về việc các ngân hàng phải nhanh chóng ứng dụng công nghệ mới như AI để đem lại dịch vụ tốt hơn.
Về điều kiện đủ, ngân hàng là ngành luôn ở tốp trên của các ngành đầu tư ứng dụng công nghệ phục vụ tác nghiệp, các quy trình được chuẩn hóa trên nền tảng số, dữ liệu được quản lý trên môi trường số, và nhân sự cũng có nhận thức, trình độ và kỹ năng ứng dụng công nghệ tốt. Đây là tiền đề tốt để ngân hàng có thể nhanh chóng chuyển mình ứng dụng AI để thúc đẩy sự phát triển về sản phẩm dịch vụ, về mô hình kinh doanh, về dịch vụ khách hàng, chăm sóc khách hàng, cũng như công tác quản lý rủi ro, đảm bảo tuân thủ
Cũng theo ông Hậu, ứng dụng AI trong ngành ngân hàng có khả năng mang lại nhiều lợi ích to lớn, giảm thiểu thời gian và chi phí xử lý, nâng cao độ chính xác và tính minh bạch, đồng thời cung cấp các dịch vụ cá nhân hóa cho khách hàng, nâng cao hiệu quả hoạt động và quản lý rủi ro.
Các hệ thống AI có khả năng phân tích lượng dữ liệu khổng lồ trong thời gian ngắn, giúp phát hiện gian lận nhanh chóng và chính xác. Ví dụ, JPMorgan Chase đã sử dụng nền tảng COIN để tự động phân tích các tài liệu pháp lý, giảm thời gian xử lý từ 360.000 giờ xuống còn vài giây. Bên cạnh đó, AI cũng hỗ trợ tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng thông qua các trợ lý ảo và chatbot. Những công cụ này có khả năng cung cấp dịch vụ hỗ trợ 24/7, giúp giải đáp thắc mắc và xử lý các yêu cầu của khách hàng một cách nhanh chóng.
Ông Nguyễn Đức Lâm, chuyên gia công nghệ tại Techcombank cho biết, Techcombank đang tập trung nghiên cứu ứng dụng công nghệ AI và GenAI nhằm tạo ra các sản phẩm mới, thông minh và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, việc triển khai AI trong ngân hàng không dễ dàng. Những thách thức lớn nhất trong ứng dụng AI tại Techcombank nói riêng và Việt Nam nói chung có lẽ là sự khan hiếm nhân lực AI chất lượng cao và nguy cơ rủi ro liên quan tới bảo mật dữ liệu, bảo mật thông tin cá nhân.
“Vẫn có nhiều ngân hàng chưa thực sự tập trung triển khai AI bởi chưa chắc chắn trong việc đảm bảo an toàn dữ liệu cho khách hàng. Nhiều nguy cơ chưa kiểm soát được”, ông Lâm nói.
Một thách thức lớn nữa là việc tích hợp các hệ thống AI mới với cơ sở hạ tầng công nghệ hiện có. Trong thời kỳ bùng nổ dữ liệu như hiện tại, việc đào tạo các model AI đòi hỏi hạ tầng phần cứng như GPU phải mạnh.
Ngân hàng cần cân nhắc kỹ lộ trình triển khai
Có thể thấy, ngân hàng hội tụ cả điều kiện cần và đủ để ứng dụng AI nhanh chóng. Tuy nhiên, nguồn lực của mỗi ngân hàng không phải là vô hạn, trên cả phương diện tài lực (nguồn lực tài chính), nhân lực (nguồn lực con người) và vật lực (cơ sở vật chất hạ tầng công nghệ), nên mọi quyết định ứng dụng công nghệ - bản chất là một quyết định đầu tư đều - phải được cân nhắc thấu đáo về lợi ích đem lại trên chi phí đầu tư.
Măc khác, ngành tài chính ngân hàng là một ngành kinh doanh có điều kiện, chịu sự chi phối của rất nhiều quy định pháp luật trong nước và thế giới, nên việc ứng dụng công nghệ mới phải được xem xét kỹ lưỡng để đảm bảo không vi phạm.
"Để triển khai AI hiệu quả, các ngân hàng cần cân nhắc phương án hạ tầng công nghệ thông tin phù hợp với khả năng tài chính, mức độ sử dụng AI và năng lực quản lý, đồng thời đảm bảo tính tương thích giữa các hệ thống. Việc ứng dụng AI trong ngân hàng đòi hỏi một lộ trình rõ ràng và có tính linh hoạt cao với mục tiêu cụ thể, xác định rõ lĩnh vực ưu tiên triển khai, dựa trên hiện trạng công nghệ, dữ liệu, và quy trình. Một kế hoạch triển khai thành công không chỉ tập trung vào công nghệ mà còn phải đầu tư vào đào tạo và phát triển nhân lực. Nhân viên ngân hàng cần được trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết để có thể sử dụng thành thạo và khai thác hiệu quả năng lực của AI", ông Đoàn Hữu Hậu khuyến nghị.
Bà Trương Minh Trang - chuyên gia tư vấn FPT Digital gợi ý lộ trình ứng dụng AI: Đầu tiên, các ngân hàng cần hiểu rõ về AI và đánh giá mức độ sẵn sàng của tổ chức, bao gồm cơ sở hạ tầng công nghệ và nhân lực. Tiếp đến, hình thành ý tưởng, xác định lĩnh vực kinh doanh ưu tiên và đánh giá khả năng ứng dụng AI để xác định cơ hội, giải pháp tiềm năng. Sau đó đánh giá giá trị và mức độ thực hiện của các ý tưởng, thực thi kế hoạch, giám sát liên tục để đảm bảo mô hình AI được cập nhật, cải tiến thường xuyên.
Theo bà Trang, việc đi theo lộ trình sẽ giúp lựa chọn được các ứng dụng quan trọng có ảnh hưởng lớn nhất và tập trung triển khai mang lại hiệu quả nhanh trong bối cảnh trước vô số khả năng và cơ hội ứng dụng AI, ngân hàng gần như không thể thực hiện tất cả cùng một lúc với nguồn lực hạn chế.
“Ở Việt Nam hiện tại, mô hình AI Bank chưa thực sự rõ nét nhưng sẽ trở thành hiện thực trong tương lai không xa. Không đặt AI lên hàng đầu, ngân hàng sẽ bị bỏ lại trong cuộc đua cạnh tranh”, bà Trang nhận định.