Xây dựng chính quyền số gắn với bảo đảm an toàn trên không gian mạng
VOV.VN - Bên cạnh những kết quả đạt được trong xây dựng chính quyền số, một vấn đề nhức nhối đặt ra là đảm bảo an toàn trên không gian mạng. Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đã nhấn mạnh, đẩy mạnh chuyển đổi số gắn với bảo đảm an ninh, an toàn là tất yếu khách quan để Việt Nam bứt phá trong kỷ nguyên mới.
Kết quả và thách thức đặt ra với chính quyền số
Chính quyền số là hoạt động của chính quyền được xây dựng trên nền tảng của công nghệ thông tin. Toàn bộ hoạt động của các cơ quan ở các cấp ứng dụng công nghệ thông tin để vận hành. Trong đó, chính quyền số cung cấp dịch vụ công trực tuyến giúp người dân, doanh nghiệp có trải nghiệm tốt nhất về dịch vụ, nhanh chóng, chính xác, giảm bớt giấy tờ và chi phí; tránh tham nhũng, quan liêu, hách dịch.
Nhằm đẩy mạnh quá trình triển khai chính quyền số, tháng 1/2022, Thủ tướng đã đưa ra Quyết định số 06/QĐ-TTg “Phê duyệt Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Theo đó, trong giai đoạn 2023-2025, chính phủ đặt mục tiêu: Tối thiểu 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính về cư trú, hộ tịch, xuất nhập cảnh, cấp căn cước công dân. 100% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được định danh và xác thực điện tử thông suốt, hợp nhất trên tất cả hệ thống thông tin của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương…

Ngày 31/8/2024, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số cho biết, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính tăng từ 90% năm 2022 lên 93% đến tháng 8/2024. Từ năm 2021 đến nay, đã cắt giảm, đơn giản hóa gần 3.000 quy định kinh doanh; phân cấp cho địa phương gần 700 thủ tục hành chính; cung cấp thêm gần 1.800 dịch vụ công trực tuyến, đạt 4.400 dịch vụ công trực tuyến cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, chiếm 70% tổng số thủ tục hành chính.
Cùng đó, tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình tăng từ 28% năm 2021 lên 51,5% vào tháng 8/2024. Đặc biệt, đã triển khai 43/53 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu; trong đó, 23/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 đã được thực hiện toàn trình, giúp tiết kiệm cho Nhà nước, xã hội gần 3,5 nghìn tỷ đồng/năm.
Bên cạnh những kết quả đạt được trong xây dựng chính quyền số, một vấn đề nhức nhối đặt ra là đảm bảo an toàn trên không gian mạng. Những năm gần đây, trong xu hướng chuyển đổi số mạnh mẽ, vấn đề an toàn, an ninh mạng quốc gia hiện đang đứng trước nhiều nguy cơ, thách thức khó lường. Các thế lực thù địch triệt để lợi dụng thế mạnh của không gian mạng nhằm thực hiện âm mưu “diễn biến hoà bình”. Điển hình là tình trạng gia tăng những hoạt động tình báo, gián điệp, khủng bố, phá hoại hệ thống thông tin; phát tán thông tin xấu, độc hại, chống phá chế độ, kích động biểu tình, bạo loạn, hòng thực hiện “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố”, âm mưu lật đổ chế độ.
Bên cạnh đó là sự gia tăng tình trạng lây lan vi-rút, mã độc, phần mềm gián điệp,... nhằm phá hoại hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế.

Theo số liệu thống kê từ cơ quan chức năng, trung bình mỗi năm, qua kiểm tra, kiểm soát đã phát hiện hơn 850.000 tài liệu chiến tranh tâm lý, phản động, tài liệu tuyên truyền tà đạo trái phép; gần 750.000 tài liệu tuyên truyền chống Ðảng, Nhà nước được tán phát vào Việt Nam qua đường bưu chính. Từ 2010 đến 2019 đã có 53.744 lượt cổng thông tin, trang tin điện tử có tên miền “.vn” bị tấn công, trong đó, có 2.393 lượt cổng thông tin, trang tin điện tử của các cơ quan Ðảng, Nhà nước, xuất hiện nhiều cuộc tấn công mang màu sắc chính trị, gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Tính từ đầu năm 2023 đến nay, đã có hơn 13.750 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam gây ra sự cố nghiêm trọng. Riêng trong quý I/2024, các cơ quan chức năng đã phát hiện 32.265 nguy cơ tấn công mạng nhằm vào các mạng công nghệ thông tin trọng yếu của các cơ quan Ðảng, Chính phủ và các doanh nghiệp nhà nước, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2023. Thực trạng này cho thấy vấn đề bảo đảm an toàn, an ninh mạng quốc gia là vấn đề có tính cấp bách.
Chuyển đổi số gắn với bảo đảm an ninh, an toàn là tất yếu khách quan
Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết: “Chuyển đổi số - Ðộng lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới” dịp Quốc khánh nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam 2/9 cũng đã nhấn mạnh, đẩy mạnh chuyển đổi số gắn với bảo đảm an ninh, an toàn là tất yếu khách quan để Việt Nam bứt phá trong kỷ nguyên mới.
Theo PGS, TS. Vũ Trọng Lâm, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, không gian mạng đã trở thành “vùng lãnh thổ đặc biệt” thứ 5 thuộc lãnh thổ quốc gia bên cạnh đất liền, hải đảo, vùng biển, vùng trời của một quốc gia. “Có thể nói, nếu không bảo đảm được an ninh không gian mạng thì không thể có an ninh quốc gia; sự an toàn của không gian mạng liên quan trực tiếp đến an ninh tư tưởng và an ninh chính trị của đất nước. Do đó, để bảo vệ an ninh quốc gia từ sớm, từ xa, việc bảo đảm an ninh không gian mạng cần được ưu tiên quan tâm”, PGS, TS. Vũ Trọng Lâm nói.
Ông đặc biệt nhấn mạnh, hoạt động thông tin, tuyên truyền, đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc, phản động, bóp méo sự thật, chống phá Đảng và Nhà nước của các thế lực thù địch trên không gian mạng phải được coi là trọng tâm tiên phong trong cuộc đấu tranh tư tưởng trên không gian mạng hiện nay.

Ðể bảo đảm an toàn, an ninh mạng, Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 964/QÐ-TTg Phê duyệt Chiến lược An toàn, an ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, Chiến lược xác định rõ an toàn, an ninh mạng là trọng tâm của quá trình chuyển đổi số, là trụ cột quan trọng tạo lập niềm tin số và sự phát triển thịnh vượng trong kỷ nguyên số, do đó bảo đảm an toàn, an ninh mạng là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, lâu dài nhằm khởi tạo và duy trì môi trường mạng an toàn, lành mạnh, tin cậy cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và mỗi người dân.
Mục tiêu Chiến lược An toàn, an ninh mạng quốc gia đặt ra đến năm 2025 Việt Nam sẽ duy trì thứ hạng 25 đến 30 đối với chỉ số an toàn an ninh mạng (GCI) theo đánh giá của Liên minh Viễn thông quốc tế; các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tuân thủ quy định của pháp luật, có đơn vị được giao đầu mối, chịu trách nhiệm và hình thành lực lượng chuyên trách về an toàn, an ninh mạng; 80% số người sử dụng internet được nâng cao nhận thức và kỹ năng. Ðến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia tự chủ về an toàn, an ninh mạng để bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng.
Bên cạnh đó, các Văn bản quy phạm pháp luật cũng đã được ban hành nhằm tạo hành lang pháp lý vững mạnh đảm bảo an toàn không gian mạng, như: Luật An toàn thông tin mạng (2015), Bộ luật Hình sự (2015); Luật Bảo vệ bí mật nhà nước (2018), Luật An ninh mạng (2018). Có thể thấy rằng Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng, Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước và Bộ luật Hình sự 2015 đã hợp thành hệ thống pháp luật tương đối hoàn chỉnh về an ninh mạng, cung cấp cơ sở pháp lý giúp lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ trên không gian mạng.
Trong đó, Luật An ninh mạng giữ vai trò then chốt khi đã nêu ra những quy định cơ bản về bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng; triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng và quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Để xây dựng chính quyền số gắn với bảo đảm an toàn trên không gian mạng thực sự hiệu quả, cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ðảng, Nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh mạng. Cùng đó, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức trong toàn xã hội đối với vấn đề an ninh mạng quốc gia, đặc biệt là an ninh thông tin; huy động sự tham gia, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, người dân cùng nhau bảo vệ an ninh mạng trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ hiện nay.