Nhiều nỗ lực phát triển công dân số tại huyện Bảo Thắng – Lào Cai
VOV.VN - Chính quyền và người dân huyện Bảo Thắng (tỉnh Lào Cai) đã và đang nỗ lực lớn trên hành trình hiện thực hóa mục tiêu “mỗi người dân đều trở thành một công dân số”.
Công nghệ số len lỏi vào đời sống thường nhật
Tả Hà 2 là 1 trong 3 thôn đầu tiên của xã Sơn Hà được chọn triển khai mô hình Thôn chuyển đổi số thông minh từ hồi đầu năm nay. Với sự hỗ trợ của Tổ công nghệ số cộng đồng, giờ đây, đã có người dân thực hiện thành công thủ tục hành chính qua Cổng Dịch vụ công quốc gia trong khoảng thời gian chỉ vỏn vẹn 2 ngày, trong khi trước kia tính cả thời gian đi lại, làm thủ tục, chờ đợi kết quả có thể lên tới 20 ngày.
Tại Hốc Đá - thôn đầu tiên của xã Xuân Quang xây dựng thôn nông thôn mới thông minh, với sự nỗ lực của Tổ công nghệ số cộng đồng, 100% người dân trong độ tuổi đã được cài đặt định danh điện tử mức độ 2, mang lại nhiều tiện ích trong thực hiện các thủ tục hành chính. Với các hộ không làm được ở nhà hay mạng yếu thì có thể ra nhà văn hóa để nhờ hỗ trợ.

Tại Gia Phú - xã đầu tiên được tỉnh Lào Cai thí điểm thực hiện mô hình xã thông minh, hơn 40% người dân được tạo lập tài khoản định danh mức độ 2 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đã sử dụng dịch vụ công trực tuyến; 100% giao dịch trên cổng dịch vụ hành chính công được xác thực điện tử và 100% hồ sơ thủ tục hành chính được tiếp nhận, giải quyết trực tuyến toàn trình; 60% hồ sơ giải quyết dịch vụ công được thực hiện thanh toán qua Cổng Dịch vụ công quốc gia đối với các hồ sơ thủ tục hành chính có yêu cầu thu phí, lệ phí, nghĩa vụ tài chính.
Ông Nguyễn Đức Bình, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bảo Thắng cho biết: Hiện nay, 100% các thôn và tổ dân phố tại Bảo Thắng đều có các tổ công nghệ số cộng đồng. Toàn huyện có 188 tổ và gần 1.300 thành viên. Dù không có phụ cấp nhưng nhiều tổ hoạt động rất tích cực.
Các tổ công nghệ số cộng đồng ở thôn sẽ tư vấn, hướng dẫn cho người dân có thể làm được ngay thủ tục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 – 4 ngay tại cơ sở. Chỉ cần đến nhà văn hóa thôn thì người dân có thể thao tác và thực hiện được các dịch vụ công trực tuyến đơn giản.
“Chúng tôi xác định chuyển đổi số phải gắn với người dân, lấy người dân làm trung tâm. Tất nhiên cũng phải lựa chọn việc dễ để tuyên truyền, tiếp cận trước với người dân, sau đó mới làm việc khó. Ví dụ, hiện nay người dân rất mong muốn được giải quyết các thủ tục hành chính nhanh, thuận tiện, không phiền hà, không phải đi lại nhiều, thì mình hướng dẫn trước những thủ tục nhỏ, người dân làm được, thấy lợi ích, hiệu quả thì sẽ làm các thủ tục khác phức tạp hơn. Tới nay, 100% dịch vụ công trực tuyến cấp huyện đều đưa lên mức 4. Định hướng của chúng tôi là, về chính quyền số thì phải làm từ các cấp chính quyền, các cơ quan quản lý trước, nhưng với xã hội số thì phải làm từ người dân trở lên thì mới có hiệu quả”, ông Bình chia sẻ.
“Kim chỉ nam” chuyển đổi số
Được biết, ngay từ đầu năm 2024, UBND huyện Bảo Thắng đã ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Thôn chuyển đổi số thông minh giai đoạn 2024 - 2025, trong đó đề ra 4 tiêu chí, gồm: Hạ tầng số, chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số huyện Bảo Thắng đã phân công các cơ quan của huyện giúp đỡ, tư vấn các xã, thị trấn xây dựng thôn điểm chuyển đổi số, trong đó có ít nhất 3 cơ quan, phòng, ban chuyên môn của huyện giúp đỡ 1 xã lựa chọn, xây dựng 1 thôn điểm về chuyển đổi số thông minh. Đầu quý II, cơ bản các xã đã ra mắt mô hình, riêng thị trấn Phố Lu và xã Sơn Hà vượt kế hoạch với tổng số 7 mô hình.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Bình thẳng thắn nhìn nhận, với 1 huyện miền núi như Bảo Thắng, hoạt động chuyển đổi số tại địa phương gặp phải không ít thách thức.
Hạ tầng cho chuyển đổi số ở miền núi mới chỉ đáp ứng những phần cơ bản thôi, ví dụ như đường truyền cáp quang, hay mạng băng thông rộng phủ đến các nơi, hoặc một số trang thiết bị ban đầu. Còn những hạ tầng lớn như máy chủ hay băng thông đường truyền tốc độ cao hẳn thì vẫn chưa có nhiều.
Nhân lực chuyển đổi số cũng là một khó khăn. Chẳng hạn, chúng tôi có rất ít chuyên gia an ninh an toàn ở cấp huyện.
Đặc biệt, khó khăn lớn nhất vẫn là sự không đồng đều trong nhận thức của người dân khi chuyển đổi số. Có vùng thì người dân tiếp cận rất nhanh các dịch vụ, công nghệ số. Nhưng cũng có những nơi còn rất chậm. Sự chênh lệch như thế khiến việc triển khai rộng khắp chuyển đổi số trên địa bàn huyện cũng cần rất nhiều thời gian.
Ông Bình đánh giá rất cao sự hỗ trợ từ các bộ, ngành dành cho Lào Cai nói chung, huyện Bảo Thắng nói riêng. Hiện nay, gần như tất cả các tổ dân phố ở Bảo Thắng đều truy cập được trang Làng Số để tìm hiểu thông tin, kinh nghiệm hay về chuyển đổi số. Hoặc thông qua các đợt tập huấn trên nền tảng MOOC do Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai, các cán bộ chủ chốt và cán bộ làm công nghệ thông tin có thể truy cập để học tập, bồi dưỡng rất nhiều kỹ năng, rút ngắn rất nhiều về thời gian, không gian, khoảng cách. Từ đó có thể bồi dưỡng, tập huấn lại cho người dân và các cán bộ, công chức, viên chức khác để thực hiện chuyển đổi số.
Các Bộ Giáo dục, Y tế cũng có nhiều chương trình hỗ trợ địa phương chuyển đổi số theo ngành dọc. Hoặc Sở Công Thương, Bộ Công Thương đã khuyến khích, tập huấn, bồi dưỡng cho người dân biết đăng tải, biết mua bán, biết giao dịch trên các sàn thương mại điện tử. Những hoạt động này rất thiết thực cho người dân.
“Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là mỗi người dân ở Bảo Thắng là một công dân số. Người dân có thể sinh sống, hoạt động trong môi trường bình thường nhưng tương tác trên môi trường số một cách thuận tiện. Từ các thủ tục hành chính tới các dịch vụ khác, người dân đều tiếp cận được ở trên môi trường số”, ông Bình nhấn mạnh.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả chuyển đổi số của Bảo Thắng, Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Bình đề xuất các thủ tục hành chính sẽ được đơn giản hóa hơn để người dân dễ tiếp cận hơn, đặc biệt là khi đưa lên dịch vụ công trực tuyến. Chẳng hạn, lĩnh vực tài nguyên môi trường bây giờ, có những thủ tục yêu cầu đến 10 đầu hồ sơ.
“Để người dân sớm làm được thủ tục trực tuyến thì lĩnh vực tài nguyên môi trường phải được số hóa toàn bộ cơ sở dữ liệu, nhưng hiện nay Bảo Thắng vẫn chưa được số hóa toàn bộ cơ sở dữ liệu đất đai. Hoặc một số ngành khác, chúng tôi rất mong muốn được sự hướng dẫn từ cấp trên xuống, nhưng phải đồng bộ. Hiện nay có những ngành triển khai rất mạnh nhưng có những ngành lại chưa kết nối liên thông được” - ông Bình lưu ý thêm.