Bí kíp” giúp Bộ Giao thông vận tải đứng đầu xếp hạng chỉ số xây dựng CPĐT
VOV.VN - Chọn đầu tư có trọng điểm, tập trung phát triển dữ liệu số ngành giao thông, kịp thời ban hành các chương trình, kế hoạch chuyển đổi số được điều chỉnh theo từng giai đoạn... đã giúp Bộ Giao thông vận tải (GTVT) liên tục tăng hạng và đứng đầu xếp hạng chỉ số xây dựng Chính phủ điện tử.
Những con số biết nói về xây dựng Chính phủ điện tử
Theo kết quả Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2023 của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Bộ Nội Vụ công bố hồi tháng 4 năm nay thì Bộ GTVT được xếp vị trí thứ 8, tăng một bậc so với năm 2022 với 86,18 điểm. Đặc biệt đáng lưu ý, chỉ số xây dựng Chính phủ điện tử và chuyển đổi số của Bộ này đã đạt 89,25%, xếp vị trí đứng đầu trong Khối các Bộ và cơ quan ngang Bộ.
Các chỉ số này đều tăng một cách ấn tượng so với cách đây 4 năm. Nếu như năm 2020, Bộ GTVT đứng ở vị trí thứ 15 thì đến năm 2021 đã vươn lên vị trí thứ 8, có mặt trong top 4 năm 2022 và giành được vị trí đứng đầu về chỉ số thành phần “xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, chính phủ số” năm 2023.

Ngoài chỉ số xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số, các chỉ số khác Bộ GTVT cũng đạt số điểm khá cao, cụ thể: chỉ số Công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính đạt 95,72%; chỉ số Cải cách thể chế đạt 77,68%; chỉ số Cải cách thủ tục hành chính đạt 80.24%; chỉ số Cải các tổ chức bộ máy đạt 87,67%; chỉ số Cải cách chế độ công vụ đạt 87,22%; chỉ số Cải cách tài chính công đạt 90,11%.
Theo Báo cáo của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số ghi nhận trong năm 2023, Bộ GTVT cũng đã hoàn thành tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao về chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử (CPĐT) hướng tới Chính phủ số.
Một số kết quả nổi bật trong xây dựng Chính phủ điện tử mà ngành GTVT đã đạt được như: xây dựng và ban hành loạt thông tư, nghị định cùng các để án về ứng dụng CNTT và chuyển đổi số lĩnh vực đường bộ và đăng kiểm, đảm bảo vận hành an toàn ổn định các hệ thống kỹ thuật và mạng của Bộ; duy trì hoạt động ổn định hệ thống CNTT của Bộ tham gia vào cơ chế một cửa quốc gia, cổng thông tin điện tử và hệ thống thông tin một cửa điện tử để phục vụ tối ưu cho người dân và doanh nghiệp…
Cổng Dịch vụ công Bộ cũng đã cung cấp 319 dịch vụ/418 thủ tục hành chính (đạt tỷ lệ 76,3%); trong đó, có 170 dịch vụ công toàn trình (tý lệ 53,3%), 149 dịch vụ công một phần (tỷ lệ 46,7%). Tỷ lệ tiếp nhận và xử lý hồ sơ trực tuyến đạt 94,39%.
Tính đến tháng 10 năm nay, trong số 25 cơ sở dữ liệu được thống kê thì Bộ Giao thông vận tải đã hoàn thành cơ bản 17/25 cơ sở dữ liệu. 8 cơ sở dữ liệu còn lại đã có kế hoạch và đang xây dựng, phấn đấu đến tháng 6/2025 sẽ cơ bản hoàn thành.
Để đạt được những thành tựu ấn tượng kể trên, cho thấy sự quyết tâm, quyết liệt của lãnh đạo, các sở ngành, các đơn vị trực thuộc Bộ trong việc nỗ lực chuyển đổi số, xây dựng các nền tảng cơ bản như thể chế, nguồn lực, cơ sở hạ tầng….
Quyết tâm thực hiện các mục tiêu chiến lược vì quyền lợi của người dân
Theo ông Lê Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm CNTT, Bộ Giao thông vận tải thì để đạt được những thành tựu như kể trên, ngay từ đầu Lãnh đạo Bộ GTVT cùng các đơn vị trực thuộc đã đặt ra những mục tiêu cụ thể, rõ ràng cũng như hướng triển khai cụ thể theo từng giai đoạn.
Trong công tác triển khai thực tiễn, Bộ đã kịp thời ban hành các chương trình, kế hoạch cụ thể cho phát triển Chính phủ điện tử, chuyển đổi số và đảm bảo an toàn thông tin mạng, liên tục tổ chức các chương trình truyền thông hiệu quả về việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến cho người dân…
Trong năm qua, Bộ này cũng đã ban hành 5 quyết định làm cơ sở để triển khai các nhiệm vụ trọng tâm xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số trong công tác cải cách hành chính; ban hành 3 thông tư, trình Chính phủ ban hành 2 nghị định về sửa đổi quy định biểu mẫu, tờ khai để sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; phê duyệt Đề án "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số lĩnh vực đường bộ giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030".
Bộ cũng đã hoàn thành 4/4 nhiệm vụ trọng tâm được giao tại Đề án 06/CP, gồm: Chia sẻ dữ liệu giấy phép lái xe, chia sẻ đữ liệu đăng kiểm phương tiện; cung cấp dịch vụ công trực tuyến đổi giấy phép lái xe; kết nối hệ thống giải quyết thủ tục hành chính Bộ GTVT với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; xây dựng kho số hóa kết quả thủ tục hành chính.
Trong năm qua, Bộ GTVT cũng đã ban hành 2 chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến; hoàn thành triển khai giải pháp, phương án bảo đảm an toàn, an ninh mạng đối với các hệ thống thông tin của Bộ được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Với hàng loạt chính sách kịp thời, đúng đắn, sự quyết tâm của lãnh đạo Bộ cùng các đơn vị, các sở GTVT trong cả nước, từng bước giúp Bộ thực hiện và đạt được những mục tiêu đã đặt ra trong quá trình số hóa toàn diện.
Đầu tư có trọng điểm, đặt lợi ích của người dân vào trung tâm mọi chỉ đạo, điều hành
Theo Bộ Giao thông vận tải, một trong những bí quyết để Bộ có thể hoàn thành sớm các mục tiêu về chuyển đổi số và xây dựng chính phủ điện tử bắt đầu từ việc đầu tư có trọng điểm, tập trung mang lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp theo đúng tinh thần của kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số.
Trong đó, việc phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia về giao thông vận tải, góp phần tạo nền móng cho xây dựng Chính phủ số, phát triển kinh tế số và xã hội số luôn được quan tâm đẩy mạnh.
Đại diện Bộ Giao thông vận tải cho biết: “Công tác xây dựng dữ liệu quốc gia về giao thông vận tải được Bộ đặc biệt ưu tiên. Đến thời điểm hiện tại, Bộ đã hình thành được 4 bộ cơ sở dữ liệu nền tảng dùng chung gồm kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện, người điều khiển phương tiện và cơ sở dữ liệu doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực. Đây cũng sẽ là cơ sở quan trọng để phát triển các ứng dụng hướng tới mục tiêu quản lý, điều hành trên dữ liệu số; bước đầu hình thành dữ liệu số ngành giao thông phục vụ chỉ đạo, điều hành và kết nối, chia sẻ với bộ ngành, địa phương…”.
Bộ đã kết nối, khai thác dữ liệu của 4 bộ, ngành và chia sẻ dữ liệu của Bộ GTVT với 6 bộ và 25 địa phương. Trung bình hàng tháng kết nối, chia sẻ khoảng 5,7 triệu dữ liệu của ngành GTVT.
Về công tác triển khai các dịch vụ công trực tuyến toàn trình, Bộ cũng đã điều chỉnh phần mềm nhằm tháo gỡ vướng mắc trong công tác tổ chức, cung cấp các thủ tục, đặc biệt là thủ tục đổi giấy phép lái xe để thuận lợi nhất cho người dân trên môi trường số.
Trong mọi hoạt động chỉ đạo, điều hành, Bộ cũng luôn hướng tới hai mục tiêu chính, vừa cung cấp tiện ích cho người dân, vừa hình thành các dữ liệu phục vụ quản lý nhà nước. Đơn cử như với hoạt động đổi giấy phép lái xe (GPLX) trực tuyến, Bộ đã phối hợp với Bộ Y tế hoàn thành kết nối hơn 1.300 cơ sở y tế khám sức khoẻ lái xe, phối hợp với Bộ Công an hoàn thành kết nối dữ liệu xử lý vi phạm hành chính và mở rộng cung cấp dịch vụ công này trên phạm vi toàn quốc từ tháng 11/2022.
Đến nay, trung bình hàng ngày có gần 1.700 hồ sơ được thực hiện trực tuyến, tiết kiệm thời gian, chi phí, nhất là người dân ở khu vực xa địa điểm cấp, đổi GPLX.

Được biết, thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tập trung tăng cường các giải pháp thúc đẩy việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến đi vào thực chất hơn nữa với mục tiêu lấy người dân là trung tâm.
Để tiếp tục gia tăng các quyền lợi cho người dân trong quá trình bước lên môi trường số, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của ngành, ngày 29/11/2024 vừa qua, Bộ GTVT cũng đã ban hành quyết định số 1478/QĐ-BGTVT “Ban hành kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Giao thông vận tải năm 2025”. Trong đó, mục tiêu chính của kế hoạch là 80% thủ tục hành chính có đủ điều kiện được cung cấ dưới dạng dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 85% hồ sơ trực tuyến toàn trình được thực hiện trực tuyến. 100% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến do Bộ cung cấ được định danh và xác thực thông suốt. 100% người dân, doanh nghiệp hài lòng trong giải quyết thủ tục hành chính do Bộ Giao thông vận tải cung cấp. 100% hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Giao thông vận tải được quản lý theo dõi tiến độ xử lý trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính Bộ Giao thông vận tải. 100% hồ sơ công việc (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước) tại Bộ Giao thông vận tải được xử lý trên môi trường mạng. 100% các hệ thống thông tin của của các cơ quan nhà nước thuộc Bộ Giao thông vận tải được phê duyệt cấp độ và triển khai đầy đủ phương án bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ.