Quảng Nam có thể trở thành trung tâm công nghiệp, logistics của khu vực miền Trung
VOV.VN - Từ một vùng cát trắng, loang lổ hố bom sau chiến tranh, huyện Núi Thành - nơi từng vang danh “trận đầu thắng Mỹ” đang bứt phá mạnh mẽ trên hành trình xây dựng quê hương.
Chiều tối ngày 26/5, tại huyện Núi Thành, Tỉnh uỷ - HĐND – UBND – UBMTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm ngày chiến thắng Núi Thành (26/5/1965 – 26/5/2025). Từ một vùng cát trắng, loang lổ hố bom sau chiến tranh, huyện Núi Thành - nơi từng vang danh “trận đầu thắng Mỹ” đang bứt phá mạnh mẽ trên hành trình xây dựng quê hương.
Tham dự buổi lễ có Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Trung tướng Thái Đại Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; các tướng lĩnh, sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; lãnh đạo tỉnh Quảng Nam; lão thành cách mạng; các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Năm 1965, chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ ở miền Nam bị phá sản, đế quốc Mỹ chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, ồ ạt đưa quân viễn chinh vào miền Nam Việt Nam. Ngày 8/3/1965, toán lính thủy đánh bộ Mỹ đầu tiên đổ bộ lên Đà Nẵng, đến 7/5/1965, Lữ đoàn 4 Thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ vào Chu Lai - Quảng Nam với ý đồ xây dựng một sân bay dã chiến làm bàn đạp kiểm soát vùng nam Đà Nẵng.

Địch nhanh chóng lập một vành đai phòng thủ bảo vệ căn cứ Chu Lai về phía tây, chiếm đóng nhiều điểm cao dọc dãy núi Răng Cưa, trong đó có đồi Núi Thành thuộc xã Kỳ Liên (nay là xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành). Chúng xua dân hai xã Kỳ Liên, Kỳ Hà đi nơi khác để lấy đất lập căn cứ quân sự và ra sức “tạo vùng trắng” quanh căn cứ bằng những cuộc càn quét đẫm máu.

Nơi đây có vị trí chiến lược quan trọng, là một vùng cát rộng, bằng phẳng, giao thông thuận lợi cả đường bộ, đường biển lẫn đường không nên Mỹ chọn Chu Lai làm nơi xây dựng căn cứ quân sự vững chắc, làm bàn đạp quan trọng tại chiến trường miền Trung. Sự xuất hiện ồ ạt của quân Mỹ đặt cách mạng miền Nam trước câu hỏi lớn: “Liệu chúng ta có đánh được Mỹ không và đánh thì có thắng được không?”. Quyết tâm của Khu ủy Khu 5 lúc ấy là phải “đánh Mỹ và thắng Mỹ ngay từ đầu” để cổ vũ tinh thần cả nước, “ghìm chân Mỹ trên chiến trường miền Nam, đánh bại ý chí xâm lược của Mỹ”.


Thường vụ Khu ủy 5 và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 chủ trương xây dựng “vành đai diệt Mỹ”, phát động phong trào “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”, huy động toàn quân, toàn dân bước vào cao trào quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm lược. Tại Quảng Nam, Tỉnh ủy và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chọn đồi Núi Thành làm điểm đột phá đầu tiên trong kế hoạch phản công.

Đêm 25 rạng sáng ngày 26/5/1965, bộ đội ta tấn công chốt điểm của Mỹ tại đồi Núi Thành. Sau hơn 30 phút tiến công, quân ta đã lập nên chiến công vang dội, tiêu diệt gọn Đại đội 2 thuộc Tiểu đoàn 2 lính thủy đánh bộ Mỹ. Với chiến thắng Núi Thành, tỉnh Quảng Nam được Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tuyên dương danh hiệu “Trung dũng, kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”.

Trận đánh Núi Thành là trận đầu tiên quân ta đánh và thắng Mỹ trên chiến trường miền Nam, mở đầu cho quá trình làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ, thể hiện tinh thần tiến công, sự dũng cảm của lực lượng vũ trang cách mạng.
Chiến tranh đã lùi xa nửa thế kỷ, vùng đất thép Núi Thành hoang hoá, bị bom cày đạn xới, bây giờ mọc lên các khu công nghiệp, cảng biển, sân bay, các khu đô thị hiện đại. Năm 2003, Khu Kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam là khu kinh tế mở đầu tiên của cả nước ra đời theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đây cũng là khu kinh tế ven biển đầu tiên của Việt Nam được áp dụng các cơ chế chính sách mới, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi.

Trình bày diễn văn tại lễ kỷ niệm, ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh, mảnh đất Núi Thành có nhiềm tiềm năng trở thành trung tâm công nghiệp, logistics của khu vực miền Trung và cả nước. Sân bay Chu Lai đã được quy hoạch trở thành cảng hàng không quốc tế cấp 4F. Cảng biển được quy hoạch loại 1 đón được tàu 5 vạn tấn.
Trung ương và tỉnh Quảng Nam đã ban hành rất nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, biến nơi đây trở thành “thỏi nam châm” thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ông Lê Văn Dũng nhấn mạnh:
“Cùng với sự đầu tư của Trung ương và của tỉnh vào Khu kinh tế mở Chu Lai, thì huyện Núi Thành cũng đã tập trung đầu tư nhiều công trình kết cấu hạ tầng, đem lại hiệu quả thiết thực như công trình Cảng cá Tam Quang, các chợ trung tâm, hệ thống giao thông được xây dựng thông suốt và gần 200km đường giao thông nông thôn được thảm nhựa cũng như bê tông hóa. Văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học từng bước được đầu tư. Việc thực hiện các chính sách, chế độ đối với người có công, đối tượng xã hội đầy đủ, kịp thời”.
Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và lãnh đạo tỉnh Quảng Nam tặng quà tri ân Mẹ Việt Nam Anh hùng và các Cựu Chiến binh từng tham gia trận đánh Núi Thành.