111111

Mekong - Nhật Bản: Quan hệ đối tác vì tương lai thịnh vượng

Các nước Mekong cùng với Nhật Bản nỗ lực thúc đẩy hợp tác vì sự thịnh vượng, ổn định và phát triển bền vững ở Khu vực Mekong nói riêng và Đông Á nói chung.

Hội nghị Cấp cao Mekong-Nhật Bản lần thứ 4 đã chính thức khai mạc sáng 21/4 tại Nhà khách Chính phủ Nhật Bản ở Thủ đô Tokyo, với sự chủ trì của Thủ tướng nước chủ nhà Yoshihiko Noda. Hội nghị diễn ra trong buổi sáng với 3 phiên họp.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, cùng người đứng đầu Chính phủ các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Nhật Bản đã tập trung thảo luận và thông qua Chiến lược Tokyo, cùng phương hướng và nhiều biện pháp chiến lược nhằm tăng cường hiệu quả mối “Quan hệ đối tác vì tương lai thịnh vượng chung” giữa các nước Mekong và Nhật Bản.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị

Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda nhiệt liệt chào mừng trưởng đoàn các nước tham dự Hội nghị Cấp cao Mekong-Nhật Bản lần thứ 4. Năm 2015 là mốc thời gian phấn đấu xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN, cũng là năm các nước nỗ lực hoàn thành các mục tiêu Thiên niên kỷ.

Thủ tướng Yoshihiko Noda nhấn mạnh: Chiến lược Tokyo lần này là tầm nhìn mới đối với cơ chế hợp tác Mekong-Nhật Bản đến năm 2015. Trước thảm họa động đất, sóng thần ở Nhật Bản và thiên tai, lũ lụt ở khu vực Mekong, Hội nghị cấp cao lần này là cơ hội để các nước Mekong và Nhật Bản củng cố hơn nữa khả năng chống chọi với thiên tai…

Sự hiện diện tại Hội nghị của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Campuchia Hunsen, Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong, Tổng thống Myanmar Thein Sein và Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra, khẳng định quyết tâm của các nước Mekong cùng với Nhật Bản nỗ lực thúc đẩy hợp tác vì sự thịnh vượng, ổn định và phát triển bền vững ở Khu vực Mekong nói riêng và Đông Á nói chung.

Trưởng đoàn các nước tham dự Hội nghị

Các nhà lãnh đạo tập trung kiểm điểm quá trình triển khai các chương trình, dự án thuộc Chương trình hành động 63 điểm; Sáng kiến hợp tác kinh tế-công nghiệp và Sáng kiến thập kỷ Mekong xanh, cũng như thảo luận và thông qua Chiến lược Tokyo giai đoạn 2013-2015, thay thế Tuyên bố Tokyo tại Hội nghị Cấp cao Mekong-Nhật bản lần thứ nhất cách đây 4 năm.

Thủ tướng Yoshihiko Noda tuyên bố, Chính phủ Nhật Bản dành 600 tỷ yen hỗ trợ các nước Mekong trong giai đoạn 2013-2015, đồng thời đề xuất 57 dự án với 2.300 tỷ yen, chủ yếu liên quan đến phát triển hạ tầng ở khu vực Mekong, trong đó có tới 26 dự án triển khai tại Việt Nam như: cảng Lạch Huyện, Nhà ga T2 Nội Bài, cảng Cái Mép-Thị Vải, Khu công nghệ cao Hòa Lạc… Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra cũng cam kết Chính phủ Thái Lan dành 883 triệu yen hỗ trợ các nước tiểu vùng Mekong…

Phát biểu tại cuộc họp báo sau phiên bế mạc Hội nghị Cấp cao Mekong-Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định kết quả nổi bật của Hội nghị lần này là việc thông qua Chiến lược Tokyo, nhằm tăng cường hơn nữa hiệu quả của mối “Quan hệ đối tác vì tương lai thịnh vượng chung” giữa các nước Mekong và Nhật Bản với ba hướng hợp tác chính.

Thứ nhất là tăng cường kết nối trong khu vực Mekong và giữa Mekong với các nước bên ngoài, nhằm khai thác vị trí chiến lược của khu vực, tạo thuận lợi cho các hoạt động thương mại và đầu tư, tăng cường sự gắn kết của khu vực Mekong vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Trong lĩnh vực này, Việt Nam đã đưa ra sáng kiến phát triển hệ thống vận tải đa phương thức để tận dụng mạng lưới sông ngòi, kết hợp và hỗ trợ cho vận tải đường bộ và đường biển; tạo thuận lợi cho du lịch, lưu thông thương mại hàng hoá nhờ cắt giảm chi phí và thời gian vận tải; góp phần bảo vệ môi trường thông qua cắt giảm khí thải giao thông. Sáng kiến này đã nhận được sự ủng hộ của Hội nghị và sẽ được thực hiện từng bước. 

Toàn cảnh Hội nghị

Trọng tâm hợp tác thứ hai giữa các nước Mekong và Nhật Bản là đẩy mạnh hợp tác đầu tư và thương mại, cải thiện môi trường kinh doanh; coi trọng vai trò của khu vực tư nhân và nỗ lực tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động của các doanh nghiệp, tăng cường hợp tác công-tư trong khu vực.

Thứ ba là hợp tác về môi trường và an ninh con người, với trọng tâm là ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong, bảo đảm môi trường, thiên tai, bệnh tật, an ninh lương thực và an toàn thực phẩm. Các nhà lãnh đạo cũng thống nhất tiến hành nghiên cứu về quản lý và phát triển bền vững nguồn nước Mekong, trong đó có tác động của đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cũng như người đứng đầu Chính phủ các nước Mekong, mong muốn các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ góp sức cùng với Chính phủ các nước Mekong tăng cường hợp tác phát triển kinh tế cũng như tham gia tích cực Kế hoạch triển khai Chiến lược Tokyo thúc đẩy hợp tác Mekong- Nhật Bản…

Tại Hội nghị Cấp cao Mekong-Nhật Bản lần thứ 4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà lãnh đạo cũng đã trao đổi một số vấn đề khu vực và quốc tế mà các bên cùng quan tâm. Chiến lược Tokyo khẳng định quan điểm của các nước thành viên đối với các vấn đề an ninh chính trị của khu vực, như vấn đề Bán đảo Triều Tiên, chống phổ biến vũ khí hạt nhân và hủy diệt, và cải tổ Liên Hợp Quốc.

Riêng về vấn đề Biển Đông, các nước Mekong và Nhật Bản nhấn mạnh việc duy trì hòa bình, ổn định, an toàn và tự do hàng hải tại Biển Đông là nguyện vọng và lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực; khẳng định rằng các bên liên quan cần giải quyết tranh chấp ở Biển Đông thông qua các biện pháp hòa bình trên tinh thần hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật Biển 1982 (UNCLOS), tôn trọng và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và thúc đẩy việc sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)…

Hội nghị giao các Bộ trưởng xây dựng Chương trình hành động mới cho giai đoạn 2012 – 2015, để thực hiện Chiến lược Tokyo và thống nhất họp Hội nghị Cấp cao hội nghị Mekong – Nhật Bản lần thứ 5 vào thời điểm phù hợp trong năm 2013./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên
90ph tv 90 tv mitom link bong da tv soi kèo hôm nay Đại lý bóng đá mitom keo ma cao