111111

Bài 3: Phát huy chất vấn trong Đảng, cần bản lĩnh người cầm lái

Thực tế cho thấy, khi người đứng đầu dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách thì mọi việc đều có thể công khai, minh bạch, góp phần phát huy dân chủ, nâng cao trách nhiệm,năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng.

Vụ cưỡng chế thu hồi đất trái pháp luật ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận cả nước.

Những ngày này về Tiên Lãng, chúng tôi được một số đảng viên lão thành, kể cả đảng viên trẻ cho biết: Trước khi xảy ra cưỡng chế, một số đảng viên muốn đối thoại, chất vấn lãnh đạo cấp ủy, nhưng không được đáp ứng. Và tiếng nói trung thực của họ đã không thấu tới cấp có thẩm quyền.

Hậu quả là, hàng loạt cán bộ đảng viên sai phạm ở Tiên Lãng bị kỷ luật, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng nghiêm túc kiểm điểm, nhận trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trước Đảng bộ và nhân dân thành phố vì đã để sự việc xảy ra gây dư luận không tốt trong nhân dân.

Nhiều đảng viên đặt vấn đề: “Nguyên nhân vụ việc thì có nhiều, nhưng nếu cấp ủy địa phương tạo môi trường dân chủ và tổ chức chất vấn trong Đảng, thì chắc chắn, vụ cưỡng chế thu hồi đất ở xã Vinh Quang và cả những việc tương tự trên cả nước sẽ được giải quyết theo hướng tích cực hơn”.

Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI)

Ông Nguyễn Văn Cận (60 tuổi Đảng ở xã Vinh Quang) cho rằng: “Nếu vấn đề cưỡng chế mà công khai trong sinh hoạt Đảng để nói rõ, phân tích sự việc hợp lý, hợp tình thì đảng viên sẽ tham gia và vụ việc có thể không xảy ra theo hướng xấu đi. Nhưng mà họ không thực hiện”.

Từng là người lính cầm súng chiến đấu khắp các chiến trường, đảng viên Nguyễn Văn Cận vẫn chưa đồng tình với mức kỷ luật đối với một số cán bộ huyện, xã và mong được chất vấn lãnh đạo cấp ủy địa phương về nội dung này. Nhưng mong muốn ấy của ông vẫn còn đang bỏ ngỏ…

Thực tế cho thấy, ở đâu người lãnh đạo dám đối diện với khó khăn, yếu kém, biết lắng nghe ý kiến trái chiều của dân, biết phát huy trí tuệ tập thể thì công việc dù khó khăn đến mấy cũng có cách giải quyết.

Quá trình thực hiện loạt bài này, chúng tôi có dịp khảo sát thực tế tại phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội - nơi có trên 30.000 dân sinh sống, 200 văn phòng, trụ sở cơ quan, gần 50 dự án xây dựng, nên cán bộ phường luôn phải đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn, phức tạp.

Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu - Nguyễn Quang Hồng thành thật: “Tất cả cán bộ chủ chốt của phường không phải người địa phương, nên mọi việc đều được xử lý khách quan, hợp tình hợp lý. Chính vì vậy, sau 7 năm thành lập, Dịch Vọng Hậu có tới 5 năm liền đạt danh hiệu tiên tiến xuất sắc của quận Cầu Giấy và TP Hà Nội”.

Qua thực tiễn công tác, giải quyết thành công nhiều sự việc phức tạp, ông Hồng cho biết, đích thân ông đã nhiều lần được đảng viên và người dân chất vấn trực tiếp, ông cũng thẳng thắn trả lời về hàng loạt vấn đề cụ thể và công khai số điện thoại cơ quan, di động, nhà riêng để tiếp nhận thông tin bất cứ lúc nào.

Theo ông Hồng, hoạt động chất vấn trong Đảng rất cần thiết, giúp lãnh đạo kiểm tra những Nghị quyết do cấp ủy đưa ra có đi vào cuộc sống hay không. Từ thực tế ở Đảng bộ mình, ông Nguyễn Quang Hồng chia sẻ: “Tôi nghĩ quan trọng nhất là mình phải tạo không khí, tạo cơ chế dân chủ trong các buổi họp. Ví dụ trong các buổi giao ban với Bí thư cấp ủy, bản thân mình phải là người đưa ra định hướng gợi ý, sẵn sàng nghe và trao đổi, có như vậy mới tránh được tình trạng khi đưa ra ý kiến, thậm chí khi đưa vào Nghị quyết mà không được trao đổi, thảo luận kỹ, chắc chắn trong quá trình tổ chức thực hiện sẽ không có hiệu quả”.

Trở lại với thành công của phiên chất vấn đầu tiên ở Quảng Ngãi, Bí thư Tỉnh ủy Võ Văn Thưởng cho biết, tỉnh đang chỉ đạo các cơ sở Đảng trực thuộc triển khai Quy chế chất vấn trong Đảng. Trước mắt tiến hành tại Đảng bộ TP Quảng Ngãi, sau đó sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm và nhân ra toàn tỉnh.

Quảng Ngãi đã làm và làm thành công việc chất vấn trong Đảng, thì không có lý do gì, Đảng bộ các tỉnh, thành phố trên cả nước không làm được. Vấn đề làm sao để hoạt động này được tiến hành thường xuyên, hiệu quả? Đó là trăn trở của không ít đảng viên và quần chúng tâm huyết với Đảng.

Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng cho rằng: Cấp ủy cấp trên phải chất vấn trước, làm gương cho cấp dưới. Người đứng đầu cấp ủy và các cấp ủy viên phải trong sạch, chủ động và thành tâm thực hiện, coi chất vấn là việc làm tốt cho Đảng. Và Bản thân người chất vấn cũng phải trong sáng, có trình độ, có khả năng thu thập, lắng nghe và tổng hợp thông tin. Ngoài ra, nói phải đi đôi với làm - làm phải có kiểm tra, sau đó cần sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm.

Theo ông Hùng, để làm được điều này đòi hỏi Ủy ban kiểm tra các cấp phải có dũng khí, có trình độ để giúp người chất vấn và người được chất vấn cùng có trách nhiệm trước Đảng, trước dân.

Ông Vũ Quốc Hùng khẳng định: Trước tiên tất cả phải tiến hành định kỳ việc thực hiện chất vấn trong đảng, sau đó có kiểm tra nơi nào làm tốt, không tốt, nguyên nhân vì sao. Nếu tìm ra vì sợ trù dập mà không ai dám chất vấn thì phải vào và xử lý chứ không chỉ có khen hay chê. Nơi nào không tổ chức thì phải kiểm điểm kỷ luật.

Thứ 2 là tổ chức chất vấn có hiệu quả không thì phải kiểm điểm cả hai đối tượng lãnh đạo và đối tượng tham gia cuộc chất vấn, đây là nhiệm vụ của ban kiểm tra các cấp. Bây giờ không nên câu nệ thái độ mà quan trọng là nội dung và động cơ của người chất vấn như thế nào.

Cũng theo ông Vũ Quốc Hùng, chất vấn trong Đảng khác so với chất vấn của cơ quan quyền lực Nhà nước. Ngoài việc chất vấn về chức trách, nhiệm vụ mà Đảng giao phó theo Quy chế, thì Đảng viên còn có thể chất vấn về tư cách, đạo đức, lối sống, về dư luận quần chúng đối với những khối tài sản lớn mà người được chất vấn có được một cách không bình thường. Hoặc chất vấn trong công tác lãnh đạo, bố trí, đề bạt, cất nhắc, kỷ luật cán bộ…. Đây là những vấn đề cụ thể mà Quy chế chất vấn trong Đảng cần bổ sung cho phù hợp với thực tiễn hiện nay.

“Chất vấn trong Đảng chỉ có lợi cho dân, cho Đảng” và cũng là mong muốn của nhiều cán bộ, đảng viên. Ông Nguyễn Quang Hồng - Bí thư Đảng ủy phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội cho rằng: “Chất vấn ở trong Đảng là việc hết sức cần thiết đặc biệt là những vấn đề bức xúc của đảng viên và nhân dân. Đảng viên có ý kiến thì phải có sự trao đổi có chất vấn để làm rõ”.

Còn ông Trần Văn Biện (62 năm tuổi Đảng, ở phường Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên) nói: “Chất vấn trong Đảng là việc nên làm. Một khi đảng viên biết, dân biết thì họ sẽ làm và làm nhiệt tình chứ không nề hà. Vì hoạt động đó phát huy tinh thần dân chủ trong Đảng. Đảng có dân chủ thì xã hội mới dân chủ”.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ tư khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng” được ví như một luồng gió mới, được dư luận xã hội nhiệt thành hưởng ứng và đặc biệt quan tâm. Song, dư luận cũng đang chờ đợi những chuyển biến tích cực, những kết quả cụ thể trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Theo đó, vấn đề “phát huy dân chủ thật sự, thực hiện nghiêm túc Quy chế chất vấn trong Ðảng” là một cách làm phù hợp trong điều kiện một đảng cầm quyền ở nước ta hiện nay, giúp cho Đảng có thêm năng lực, uy tín và sức mạnh, gắn bó mật thiết giữa ý Đảng - lòng dân./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên
90ph tv 90 tv mitom link bong da tv soi kèo hôm nay Đại lý bóng đá mitom keo ma cao