Đại hội đại biểu Đảng bộ Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam
VOV.VN - Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc ghi nhận và đánh giá cao nhiều kết quả toàn diện của Đảng bộ Tập đoàn trên cả 2 mặt công tác là xây dựng Đảng và thực hiện nhiệm vụ Chính trị trong nhiệm kỳ 2020-2025, đồng thời nhấn mạnh 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo.
Chiều 17/7, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Uỷ viên Ban thường vụ Đảng uỷ Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc tham dự và chỉ đạo tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV).
Ghi nhận các kết quả đạt được của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh: "Ngành Than Việt Nam có lịch sử lâu đời, đến nay đã 185 năm kể từ khi bắt đầu khai thác mỏ than tại vùng Yên Lãng, tỉnh Quảng Ninh. Ngành Than Quảng Ninh cũng là địa chỉ đỏ, là cái nôi của cách mạng… góp phần vào cuộc khởi nghĩa tháng Tám giành độc lập cho dân tộc".

Trong suốt quá trình phát triển, kể từ khi Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam ra đời đã không ngừng phát triển lớn mạnh và là một trong 18 tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước lớn nhất, có nhiều đóng góp to lớn cho kinh tế đất nước, đồng thời cũng là trụ cột của an ninh năng lượng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc ghi nhận bằng những con số cụ thể: "Từ năm 2021-2024, các đồng chí (TKV) đã đóng góp vào ngân sách của Trung ương là 95,2 nghìn tỷ đồng, tức là vượt khoảng 11 nghìn tỷ đồng so với nhiệm kỳ trước. Đây là một thành công rất lớn và đảm bảo cho công ăn việc làm cho hàng vạn lao động với mức lương bình quân khoảng gần 18 triệu đồng/người/tháng, dù chưa phải là cao nhưng đã đảm bảo cho số công ăn việc làm rất lớn".
Phó Thủ tướng nhất trí với Báo cáo của Ban chấp hành Đảng bộ TKV trình tại Đại hội ở cả những mặt đạt được và hạn chế cần khắc phục trong nhiệm kỳ tới.
Cụ thể, trong nhiệm kỳ qua, Đảng ủy Tập đoàn đã xây dựng và ban hành nhiều văn bản quan trọng để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, trong đó có 20 nghị quyết, 21 chỉ thị, 39 quy chế, quy định và nhiều văn bản khác.
Đặc biệt, xác định những vấn đề trọng tâm, then chốt trong từng lĩnh vực để kịp thời đề ra các chủ trương, giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng và lãnh đạo thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ SXKD của Tập đoàn.

Đảng bộ Tập đoàn đã giữ vững khối đoàn kết, thống nhất, phát huy vai trò, đạt được những kết quả quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, góp phần quan trọng bảo đảm quốc phòng an ninh, tham gia phát triển kinh tế ở những vùng sâu, vùng xa, tích cực hỗ trợ cộng đồng, an sinh xã hội.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Phó Thủ tướng cũng ghi nhận đánh giá thẳng thắn về những tồn tại, hạn chế và các nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan như báo cáo Đại hội. Đáng lưu ý, giá trị đầu tư đạt thấp, thực hiện 49,1 ngàn tỷ đồng, bằng 64,4% chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra.
Đây là nội dung tồn tại cần phải phân tích, làm rõ nguyên nhân, từ đó có giải pháp và phương án triển khai quyết liệt thúc đẩy tiến độ đầu tư. Việc mở rộng đầu tư lĩnh vực titan, đất hiếm, phát triển thị trường lĩnh vực vật liệu nổ công nghiệp, cơ khí còn chậm. Công tác an toàn - vệ sinh lao động mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp nhưng một số đơn vị vẫn còn xảy ra tai nạn lao động làm thiệt mạng công nhân.
Thay mặt Ban thường vụ Đảng uỷ Chính phủ, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đề nghị Đại hội cần thảo luận nghiêm túc, làm rõ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, việc chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh, tạo ra các điểm nghẽn, làm hạn chế sự phát triển…

Trên cơ sở Đề án cơ cấu lại Tập đoàn đến năm 2025 và Chiến lược phát triển Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, trong đó đã xác định, phát triển Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam thành tập đoàn kinh tế mạnh, đóng góp vai trò quan trọng vào sự phát triển của kinh tế nhà nước; duy trì vị trí then chốt là một trong ba trụ cột về năng lượng, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; khai thác bền vững, có kế hoạch đầu tư bền vững dài hạn và phù hợp với cam kết của Việt Nam phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050…
Đồng thời, góp phần bảo đảm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng được Thủ tướng Chính phủ giao trong Chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn 2045, phấn đấu đạt tăng trưởng hai con số từ năm 2026 trở đi, bám sát chỉ tiêu tăng trưởng GDP của cả nước; hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận, nộp ngân sách…
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp nhằm đạt mục tiêu của Tập đoàn trong nhiệm kỳ tới, trong đó, phải tiếp tục xây dựng Đảng bộ Tập đoàn trong sạch, vững mạnh trên các mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; tiếp tục giữ vững đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ Tập đoàn, phát huy tối đa mọi nguồn lực để phát triển; xây dựng chiến lược chuyển đổi toàn diện TKV, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, nâng cao hiệu quả hoạt động và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; tập trung vào các trụ cột chính: chuyển đổi xanh ngành than, đa dạng hóa và phát triển sâu các loại hình khoáng sản chiến lược, đẩy mạnh chuyển đổi số và tái cấu trúc bộ máy tổ chức…

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh: "Đề nghị Đảng bộ chỉ đạo Tập đoàn áp dụng công nghệ cao và chuyển đổi số một cách mạnh mẽ. Nếu chúng ta áp dụng được công nghệ cao và chuyển đổi số mạnh mẽ và hiệu quả thì chúng ta mới đảm bảo được tăng năng suất lao động, chúng ta mới đảm bảo được thu nhập của cán bộ tăng lên và chúng ta mới đảm bảo được việc phát triển bền vững."
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cũng cho biết, hiện nay việc thực hiện những công nghệ cao và chuyển đổi số chẳng hạn như tự động hóa trong khai thác và tuyển khoáng, áp dụng AI, áp dụng công nghệ cao, áp dụng robot trong vấn đề khai thác, chuyển đổi số trong vấn đề quản lý điều hành, chẳng hạn như Big data, trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain và Internet vạn vật (IoT)… Đây là những công cụ để thực hiện vấn đề quản trị, quản lý và logistics một cách hiệu quả nhất và khai thác một cách thông minh, tối ưu hóa về chi phí.
Theo Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, muốn vậy chúng ta phải thay đổi phương thức, áp dụng máy móc, thiết bị hiện đại và công nghệ cao mới tạo ra được giá trị sản lượng cao và tăng được năng suất lao động, giảm được chi phí…

Phó Thủ tướng cũng đặc biệt nhấn mạnh đến việc chuyển đổi xanh và giảm phát thải trong ngành than, như: đẩy nhanh, đẩy mạnh thực hiện "chuyển đổi xanh" trong ngành công nghiệp than; mục tiêu cốt lõi là giảm thiểu phát thải khí nhà kính, hướng tới mô hình "mỏ xanh, mỏ hiện đại"; xây dựng các giải pháp chủ yếu trong hiện đại hóa công nghệ khai thác, chú trọng quản lý và xử lý chất thải, cải tạo, nâng cấp công nghệ để giảm phát thải, đồng thời nghiên cứu lộ trình chuyển đổi nhiên liệu sang sinh khối (biomass) và amoniac xanh trong tương lai, phù hợp với cam kết của Việt Nam về đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.
Đối với phát triển khoáng sản chiến lược: Đất hiếm, Alumin, Titan. Bên cạnh than, TKV cần đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa, tập trung vào khai thác và chế biến sâu các loại khoáng sản có giá trị cao, mang tính chiến lược: như Bauxite - Alumin - Nhôm: cần hướng tới việc hình thành ngành công nghiệp nhôm hoàn chỉnh, từ khai thác quặng đến sản xuất nhôm thỏi; tích cực nghiên cứu, tìm kiếm các đối tác và công nghệ để triển khai các dự án khai thác và chế biến đất hiếm, titan nhằm mang lại giá trị kinh tế lớn, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu…