Chọn cán bộ năng lực - bảo đảm hiệu quả chính quyền hai cấp
VOV.VN - Ngày 1/7 sắp tới, mô hình chính quyền địa phương hai cấp chính thức đi vào hoạt động. Thời điểm này, các địa phương đang tập trung hoàn thiện các khâu để việc triển khai thực hiện được thông suốt.
Bên hành lang Quốc hội, các đại biểu cho rằng, việc vận hành chính quyền hai cấp cần lựa chọn được đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất đạo đức và năng lực chuyên môn.
Theo một số đại biểu, việc lựa chọn đội ngũ cán bộ phường, xã phù hợp với mô hình mới từ ngày 1/7/2025 là nhiệm vụ chính trị, cũng là cơ hội giúp các địa phương xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới. Đây là lúc cần đến sự bản lĩnh, quyết đoán và tầm nhìn chiến lược trong công tác cán bộ. Mô hình mới sẽ đặt ra nhiệm vụ rất nặng nề đối với chính quyền cấp cơ sở. Chỉ khi cán bộ tận tâm, nhiệt huyết với công việc, dám nghĩ, dám làm thì mới tạo ra sự sáng tạo, cách làm mới mang tính đột phá.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: “Chức năng, nhiệm vụ của các phường xã ở mô hình mới sẽ rất lớn. Vì vậy, khâu cán bộ là khâu có tính chất quyết định. Hiện nay, các địa phương, từ thường trực tỉnh ủy, rồi Ban Thường vụ các tỉnh, thành phố đang đầu tư trí tuệ cho việc lựa chọn cán bộ phù hợp với mô hình mới. Các đại biểu cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét phân bổ định mức cán bộ viên chức tại từng phường xã, cần chú ý tới những đặc điểm kinh tế-xã hội, về an ninh quốc phòng, về dân số và quy mô kinh tế trên địa bàn đó”.
Các đại biểu cũng cho rằng, để có được cán bộ giỏi, thì khâu tuyển dụng phải được thực hiện công khai, minh bạch. Quy trình lựa chọn cán bộ cần được công bố rộng rãi, với các tiêu chí đánh giá cụ thể, từ trình độ chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn đến đạo đức và uy tín... Điều quan trọng nữa là cần có sự giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, các trường hợp lợi dụng sắp xếp để trục lợi hoặc bố trí người không đủ tiêu chuẩn.
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh đoàn Lâm Đồng chia sẻ: “Tôi hy vọng rằng, việc đánh giá cán bộ công chức sẽ được thực hiện một cách hiệu quả hơn, rõ ràng hơn, minh bạch hơn, từ đó tạo niềm tin cho người dân và doanh nghiệp; đồng thời tạo động lực tốt hơn cho cán bộ công chức biết mình đúng ở đâu, sai ở đâu và cần cải thiện những gì để phục vụ công việc tốt hơn. Tôi cũng rất vui mừng là kết quả đánh giá cán bộ công chức là căn cứ để hưởng thu nhập tăng thêm, điều đó tạo động lực để cán bộ thực thi công vụ”.
Một trong những mục tiêu của việc xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp, là để đổi mới quản trị quốc gia, quản trị địa phương; xây dựng chính quyền gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn. Trước yêu cầu nhiệm vụ mới, đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là ở cấp xã cần có năng lực tổng hợp, xử lý công việc theo tư duy đổi mới kỹ năng công vụ, chuẩn hóa đạo đức, năng lực phục vụ, đáp ứng được mong mỏi của nền quản trị quốc gia, cũng như quản trị địa phương, đặc biệt là yêu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Một số đại biểu cho rằng, cán bộ được lựa chọn để thực thi nhiệm vụ trong tình hình hiện nay không chỉ am hiểu pháp luật, có trình độ ngoại ngữ tốt, mà còn phải biết ứng dụng công nghệ mới vào các khâu quản lý, điều hành. Yêu cầu đặt ra là các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để đội ngũ cán bộ thích ứng với chức năng, nhiệm vụ mới.
Đại biểu Tô Văn Tám, đoàn Kon Tum nêu ý kiến: “Việc quy hoạch, tuyển dụng, bố trí, sử dụng và đánh giá cán bộ là khâu rất quan trọng. Cán bộ được tuyển dụng theo vị trí việc làm. Quá trình làm việc cần có sự đánh giá. Khâu đánh giá cán bộ xưa nay vẫn là khâu khó. Bây giờ chúng ta áp dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo là thêm một kênh rất tốt giúp người quản lý cán bộ đánh giá cán bộ được sát hơn”.