111111

Các tướng lĩnh chiến công oanh liệt nhưng sống rất mộc mạc

VOV.VN - Trong lòng những người thân, các vị tướng lĩnh quân đội như Hoàng Văn Thái, Lê Trọng Tấn, những điều còn lại thật mộc mạc, ấm áp, êm đềm.

Góp phần quan trọng làm nên thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc, không thể không kể đến các vị tướng lĩnh quân đội, với những tên tuổi nổi bật như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Hoàng Văn Thái, Đại tướng Văn Tiến Dũng…

Đã có cả nghìn trang sử ghi lại những chiến công oanh liệt trong cuộc chiến đấu giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Nhưng trong lòng những những người thân, những điều còn lại thật mộc mạc, ấm áp, êm đềm.

Đại tướng Hoàng Văn Thái chụp cùng con gái Hoàng Minh Châu tháng 4/1969 (Ảnh: Kienthuc) 
Con gái cố Đại tướng Hoàng Văn Thái – Đại tá Hoàng Minh Châu, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, kể: khu phố Hoàng Diệu trước đây là phố nhà binh. Gọi như vậy vì gia đình các tướng lĩnh đều sống ở đây. Mọi người thân tình, cởi mở, trẻ con trong khu thường chơi đùa và lớn lên cùng nhau, và đều giống nhau là thường phải sống xa bố. Các ông đều đi công tác, ra chiến trường đằng đẵng vài năm mới về một lần. Nhưng các tướng lĩnh vẫn dành sự quan tâm đến các con mình qua những bức thư.

Đại tá Hoàng Minh Châu nhớ lại, trong thư, Đại tướng Hoàng Văn Thái thường kể về niềm vinh dự tự hào được tham gia chiến đấu ở tuyến đầu của Tổ quốc, kể về gương anh dũng chiến đấu, hy sinh của những người chiến sỹ trẻ để nêu gương cho các con mình. Đại tá Hoàng Minh Châu cho biết, khi còn nhỏ, anh chị em trong gia đình đều nghĩ bố mình là người chiến sỹ bình thường.

“Năm 1974, bố tôi vào đại học quân y, lúc đó nghe chú Nguyễn Trọng Hợp giới thiệu tôi mới biết, năm 1966-1967, trước khi vào trong Nam, bố tôi đã là Tư lệnh kiêm chính ủy Quân khu 5. Sau này, bố tôi vào trong Nam cũng là Tư lệnh quân giải phóng và Phó Bí thư Trung ương cục, Phó Bí thư Quân ủy miền, chúng tôi cũng không hề biết. Bố tôi không bao giờ nói về mình. Bố chúng tôi luôn dạy chúng tôi tính khiêm tốn và không bao giờ kể về mình mà chỉ luôn đòi hỏi mình phải làm tốt nhất, làm tốt hơn. Và luôn động viên chúng tôi phải cố gắng học cho tốt để sau này cống hiến cho đất nước”, Đại tá Hoàng Minh Châu chia sẻ.

Vợ chồng Đại tướng Lê Trọng Tấn với con trai Lê Đông Hải. (Ảnh: VTC) 

Con trai duy nhất của cố Đại tướng Lê Trọng Tấn, Đại tá Lê Đông Hải, nguyên Viện trưởng Viện Kỹ thuật quân sự, nhớ lại tuổi thơ của ông ít khi được gần bố. Nhưng mỗi lần có mặt ở nhà, Đại tướng Lê Trọng Tấn thường rất nghiêm khắc với con trai. Ông luôn căn dặn con phải tự lực bằng chính khả năng của mình, phải sống cống hiến vì độc lập tự do của đất nước, sống xây dựng đất nước.

Ngưỡng mộ, noi theo tấm gương của cha mình, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành hóa học, con trai Đại tướng Lê Trọng Tấn đã chuyển hướng theo nghiệp nhà binh. Đại tá Lê Đông Hải xúc động nhớ lại lần tình cờ gặp cha ở Sân bay Tân Sơn Nhất, và không ngờ đó cũng là lần cuối cùng.

“Cuối cùng tôi với ông chia tay nhau ở sân bay Tân Sơn Nhất, ông hỏi: Mày đi đâu mà súng ống thế? Tôi nói: Con sang Campuchia. Ông hỏi: Ai cho sang? Tôi trả lời: Bộ Tổng tham mưu cho sang. Tôi hỏi nhẹ một câu mà mạnh dạn lắm mới dám hỏi: Ba đi đâu? Mà ông nghiêm khắc lắm, ông nói rất nhẹ nhàng: Ba ra Hà Nội”, Đại tá Lê Đông Hải kể.

Ông Lê Văn Long, một người quen thân với gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho biết, ông không chỉ kính trọng Đại tướng Võ Nguyên Giáp vì tài thao lược của một vị Tổng tư lệnh trong hai cuộc kháng chiến, mà còn ở chính con người Đại tướng luôn nhìn về phía trước cho tương lai đất nước và nhân dân.

“Có một lần tôi với Đại tá Phan Tử Quang tới gia đình Đại tướng ở 30 Hoàng Diệu báo cáo với Đại tướng công việc chúng tôi đang làm, đó là các hệ thống dẫn gas. Sau khi báo cáo, Đại tướng rất vui. Đại tướng nói với chúng tôi, bây giờ thời bình rồi, phải ra sức làm kinh tế, phát triển kinh tế đất nước. Khi mình phát triển kinh tế đất nước tốt rồi, thì mọi chuyện sẽ ổn. Đại tướng nói ý rất rộng như thế, tức là khi dân giàu nước mạnh, no đủ rồi, mình sẽ có tiềm lực kinh tế rồi thì những chuyện khác trở nên dễ dàng hơn rất nhiều", ông Lê Văn Long nhớ lại.

Qua lời kể của người thân các tướng lĩnh, cùng với những trang sử hào hùng của dân tộc, mới thấy các tướng lĩnh đã sống và chiến đấu như lời dạy của Bác: Trong quân đội, nhiệm vụ của người tướng là phải: trí, dũng, nhân, tín, liêm, trung./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên
Viết bình luận

This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.

Tin liên quan

Sứ mệnh mới của Quân đội Nhân dân Việt Nam
Sứ mệnh mới của Quân đội Nhân dân Việt Nam

Trong các cuộc kháng chiến của dân tộc, đối ngoại, trong đó có đối ngoại quốc phòng là mặt trận quan trọng, trở thành “kế sách” bảo vệ tổ quốc từ sớm, từ xa. 

Sứ mệnh mới của Quân đội Nhân dân Việt Nam

Sứ mệnh mới của Quân đội Nhân dân Việt Nam

Trong các cuộc kháng chiến của dân tộc, đối ngoại, trong đó có đối ngoại quốc phòng là mặt trận quan trọng, trở thành “kế sách” bảo vệ tổ quốc từ sớm, từ xa. 

90ph tv 90 tv mitom link bong da tv soi kèo hôm nay Đại lý bóng đá mitom keo ma cao