Báo chí đối ngoại góp phần tạo sức mạnh mềm của quốc gia
VOV.VN - Trong 100 năm lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam, báo chí đối ngoại đã nỗ lực không ngừng trong sứ mệnh đưa Việt Nam đến với thế giới và mang thế giới tới gần với Việt Nam hơn. Báo chí đối ngoại đã kể những câu chuyện Việt Nam đẹp và đáng tự hào, làm cho dư luận nước ngoài hiểu, đồng tình, ủng hộ Việt Nam.
Ngay từ khi khai sinh tờ báo đầu tiên, Hồ Chủ tịch đã đặc biệt coi trọng vai trò của báo chí, coi báo chí không chỉ là công cụ tuyên truyền nội bộ, mà còn là phương tiện để Việt Nam bước đầu xây dựng hình ảnh quốc gia trong mắt bạn bè quốc tế. Báo chí là vũ khí sắc bén để “mở đường”, “chỉ hướng” cho sự nghiệp đấu tranh của nhân dân ta trong mỗi thời kỳ lịch sử cụ thể.
Định vị đất nước vào vị trí có lợi nhất trong dòng chảy của thời đại
Bà Phạm Thu Hằng, Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho rằng, từ những số đầu tiên của báo Thanh niên cho đến ngày nay, báo chí Việt Nam với hàng trăm cơ quan báo chí đã chung tay góp sức vào sứ mệnh chung của dân tộc “đưa Việt Nam ra thế giới và mang thế giới về Việt Nam”. Báo chí trở thành một phần không thể thiếu của nền đối ngoại - ngoại giao Việt Nam, luôn xuất phát từ lợi ích quốc gia - dân tộc để định vị đất nước vào vị trí có lợi nhất trong dòng chảy của thời đại, ứng phó linh hoạt với thực tiễn biến động của khu vực và thế giới.
Trong giai đoạn xây dựng và phát triển đất nước hôm nay, câu chuyện về một Việt Nam “tự tin, tự chủ, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc”, “hòa bình, ổn định, phát triển, là bạn, là đối tác tin cậy và có trách nhiệm”, một Việt Nam “với nền kinh tế năng động, bền vững, với tốc độ tăng trưởng ấn tượng và tiềm năng hội nhập sâu rộng”, một Việt Nam “đang trong quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng… và cam kết thực hiện các mục tiêu bền vững”,… đang từng ngày, từng giờ được báo chí nỗ lực truyền tải sâu rộng hơn đến đối tác, bạn bè khắp năm châu, qua đó ngày càng nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Ông Vũ Anh Tuấn, Học viện Ngoại giao cho rằng, báo chí thực hiện ba chức năng trọng yếu trong công tác thông tin đối ngoại: Một là, truyền tải thông tin chính thống và quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước ra quốc tế. Thông qua các cơ quan như: Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), báo Nhân Dân, hệ thống thông tin đối ngoại đã phát triển các bản tin đa ngôn ngữ, bảo đảm cung cấp thông tin chính xác, nhanh chóng, có định hướng tới cộng đồng quốc tế. Nhiều ấn phẩm như Vietnam News, Le Courrier du Vietnam, VTV4, VOV5,… đã trở thành kênh thông tin đáng tin cậy của quốc tế về tình hình Việt Nam.

Hai là, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa và thành tựu phát triển của Việt Nam. Báo chí cách mạng góp phần tích cực vào việc giới thiệu một Việt Nam hòa bình, đổi mới, năng động, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. Các chiến dịch truyền thông đa phương tiện như Why Vietnam, các chương trình truyền hình như Vietnam Discovery, hoặc các chuyên trang đối ngoại trên báo điện tử (mục “Việt Nam và thế giới” của VnExpress, hay World & Vietnam Report của Bộ Ngoại giao) đã mở rộng không gian tiếp cận hình ảnh Việt Nam tới bạn bè quốc tế.
Ba là, phản bác thông tin sai lệch, bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia. Báo chí hiện diện như một lực lượng tuyên truyền phản biện mạnh mẽ, đặc biệt trong các vấn đề phức tạp như Biển Đông, dân chủ, nhân quyền. Nếu các thế lực thù địch và truyền thông nước ngoài có hoạt động xuyên tạc sự thật, bóp méo chính sách của Việt Nam, thì báo chí cách mạng có vai trò phản biện, đấu tranh với luận điệu sai trái, bảo vệ lập trường chính nghĩa của đất nước.
“Trong bối cảnh toàn cầu hóa sâu rộng, chuyển đổi số mạnh mẽ và môi trường truyền thông quốc tế đầy biến động, báo chí không chỉ đơn thuần là phản ánh, truyền tải thông tin mà còn góp phần định hình hình ảnh đất nước, tạo dựng niềm tin, củng cố uy tín và vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Vì thế cần có những cơ chế, chính sách cụ thể, thiết thực và dài hạn để thúc đẩy báo chí đối ngoại phát triển cả về lượng và chất, trở thành lực lượng đi đầu trong mặt trận thông tin toàn cầu - nơi mỗi câu chuyện, mỗi hình ảnh, mỗi thông điệp được truyền tải chính là sức mạnh mềm của quốc gia. Đồng thời, báo chí cần phối hợp chặt chẽ với các lực lượng làm công tác đối ngoại để phát huy sức mạnh tổng hợp trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng con đường thông tin và truyền thông”, ông Vũ Anh Tuấn kiến nghị.
Xây dựng chiến lược phát triển báo chí đối ngoại bài bản
ThS. Nguyễn Trường Sơn, Tổng biên tập Báo thế giới và Việt Nam nhận xét, là một phần của báo chí cách mạng Việt Nam, báo chí đối ngoại luôn nỗ lực không ngừng để đóng góp vào sứ mệnh chung, tích cực truyền tải thông tin để thế giới hiểu đúng, hiểu đủ về chủ trương, đường lối của Đảng và tình hình mọi mặt của Việt Nam; quan điểm của Việt Nam trong các vấn đề khu vực và quốc tế; lập trường chính nghĩa trong các vấn đề cốt lõi của Việt Nam, quảng bá hình ảnh Việt Nam để thu hút nguồn lực bên ngoài, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển, nâng cao vị thế đất nước.
Để phát huy hơn nữa vai trò của báo chí đối ngoại trong việc nâng cao hình ảnh, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, cần xây dựng một chiến lược phát triển báo chí đối ngoại bài bản, dài hạn, gắn với định hướng đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Báo chí đối ngoại phải chủ động đóng vai trò “cầu nối chiến lược” trong việc truyền tải hình ảnh Việt Nam tích cực, trách nhiệm, hội nhập và phát triển đến bạn bè quốc tế. Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Bộ Ngoại giao, Bộ VH-TT&DL và các cơ quan báo chí đối ngoại cần phối hợp, góp phần xây dựng chiến lược truyền thông đối ngoại đồng bộ, bài bản, chuyên sâu; kịp thời phản ứng hiệu quả, sắc bén đối với các vấn đề phát sinh, nhất là trong đấu tranh chống thông tin sai lệch, xuyên tạc về Việt Nam.

Về đội ngũ, ngoài việc đầu tư phát triển những nhà báo đối ngoại có trình độ ngoại ngữ tốt, am hiểu tình hình quốc tế, có bản lĩnh chính trị vững vàng, thành thạo kỹ năng truyền thông hiện đại, cần chú trọng xây dựng mạng lưới cộng tác viên là người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài để họ lan tỏa hình ảnh Việt Nam ra thế giới với tiếng nói khách quan, gần gũi và thuyết phục.
Về hình thức thể hiện, báo chí cần đổi mới và sáng tạo hơn nữa theo hướng đa phương tiện, đa ngôn ngữ, tăng tương tác để tiếp cận với các nhóm công chúng quốc tế khác nhau. Đầu tư xây dựng các trung tâm dữ liệu truyền thông đối ngoại tích hợp, khai thác hiệu quả AI, dữ liệu lớn, phân tích hành vi công chúng và xu hướng truyền thông quốc tế để chủ động sản xuất nội dung phù hợp.
“Nền đối ngoại - ngoại giao Việt Nam luôn có sự song hành của báo chí cách mạng Việt Nam. Nhờ có ngòi bút của báo chí cách mạng, từng giai đoạn, cột mốc, dấu ấn của công tác đối ngoại - ngoại giao của Đảng và Nhà nước đều được ghi chép đầy đủ, lan tỏa rộng rãi tới nhân dân trong nước và thế giới”. Bà Phạm Thu Hằng, Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí, người phát ngôn Bộ Ngoại giao. |