111111

Trần Đăng Khoa trăn trở chuyện “Tam Nông”

Muốn đánh giá hiệu quả của công cuộc đổi mới đất nước thì phải nhìn vào chất lượng đời sống của những người nghèo nhất xã hội là nông dân.  

Mươi năm trước, Trần Đăng Khoa có những nhận định khiến tôi ám ảnh mãi: “Nông dân thời nào cũng rất khổ. Hình như họ sinh ra để khổ. Có cho sướng cũng không sướng được. Có phủ lên vai họ tấm áo bào lộng lẫy của vua thì họ cũng không thể thành được ông vua. Họ có sức chịu khổ đến vô tận. Nhưng mất hoàn toàn thói quen để làm một người sung sướng. Thế mới khổ. Họ khổ đến mức không còn biết là mình khổ nữa…” Có đôi lúc, tôi hy vọng đó là nhận định nhất thời của vị thần đồng. Tôi đem chuyện ấy gợi lại với tác giả “Hạt gạo làng ta”, ông trầm ngâm một hồi rồi tâm sự:

Trần Đăng Khoa: Nông dân thời nào cũng khổ

Khoảng mấy chục năm nay, tôi sống ở thành phố, nhưng mọi mối quan hệ vẫn ở làng quê. Bố mẹ tôi ngoài 90 tuổi rồi vẫn đang sống ở quê. Các cụ không chịu ra thành phố. Tháng nào tôi cũng về quê và cũng nhờ thế mà thấu hiểu được người nông dân. Tôi vẫn thấy “Nông dân thời nào cũng rất khổ”. Điều đó cho đến nay  vẫn là một vấn đề thời sự.

Theo tôi, muốn đánh giá hiệu quả của công cuộc đổi mới đất nước thì phải nhìn vào chất lượng đời sống của những người nghèo nhất xã hội là nông dân. Nếu người nông dân không thay đổi được số phận mình thì công cuộc đổi mới của chúng ta vẫn chưa đạt được hiệu quả đích thực. Ở thành phố hiện nhiều người giàu lên, có anh là tỷ phú và cũng có cả anh là trọc phú. Nhưng người nông dân thì vẫn không giàu.

Theo tôi, hiện nay nước ta có đến 90% nông dân (Con số công bố chính thức của chúng ta là 70%). Nhưng tôi nhìn đâu cũng thấy nông dân cả. Nông dân cày cuốc, nông dân kinh doanh, nông dân làm quản lý, thậm chí có nông dân ở những cấp cao và rất cao. Nhiều anh vô cùng trang trọng, nhưng nhìn cung cách ứng xử của họ thì lại thấy hiện nguyên hình một gã nông dân luộm thuộm và quê mùa.

Ở các làng quê, nhất là vùng sâu, vùng xa, vẫn không ít những nông dân còn trong cảnh bần cùng. Phần lớn họ đang bám đồng ruộng. Cái nan giải nhất hiện nay là nông dân mất đất. Trọn đời, Cụ Hồ chỉ có một mong muốn, “mong muốn tột bậc là ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Cụ đã làm hết sức mình để “người cày có ruộng”. Bây giờ người cày lại đang mất ruộng.

Ở một số vùng nông thôn ven đường lớn, hay ven đô thị, bị thu hồi đất rất nhiều để làm khu công nghiệp, cả khu vui chơi giải trí mà ta quen gọi là du lịch sinh thái. Người nông dân còn bán đất hương hỏa đi. Họ bán với giá rất rẻ. Anh phố thị nào cũng muốn có cái nhà nghỉ, hay trang trại ở quê, chỉ bỏ ra chừng non tỷ bạc là đã có một vùng mênh mông cả nghìn mét vuông đất quê. Người phố đổ về quê để được sống. Còn anh dân quê thì lại phải nhao về thành phố để kiếm sống.

Nhà thơ Trần Nhuận Minh có bài thơ bốn câu viết về thảm cảnh này rất ám ảnh: “Những nông dân không còn ruộng đất – Táp về thành phố - Bán mình trong các chợ người – Định nói một điều – Nhưng rồi tôi im lặng”. Cái “im lặng” của nhà thơ, chúng ta có thể hiểu được. Đấy là một bộ phận. Còn một bộ phận khác may mắn hơn, có nhà, có đất, có việc làm, có chức vụ.

Anh nhà quê ra phố, mang những luộm thuộm, nhơm nhếch của làng quê đi “khai hoá” thành phố. Còn anh thành phố thì lại mang xi - măng sắt thép về bê tông hóa làng quê. Thế là tất cả nháo nhào. Rốt cuộc là hỏng ráo cả. Hiện nay, chúng ta đang quan tâm rất nhiều tới việc quy hoạch đô thị, có nhiều chiến lược, kế sách. Nhưng thử hỏi chúng ta có được bao nhiêu công trình, đề tài, bao nhiêu tâm huyết của lãnh đạo quan tâm tới nông thôn?

Muốn đánh giá hiệu quả của công cuộc đổi mới đất nước thì phải nhìn vào chất lượng đời sống người nông dân (Ảnh minh hoạ)

Cho nên, tôi có cảm giác nông thôn hiện nay phát triển rất lộn xộn mang tính tự phát. Nhơm nhếch và hoang dại một cách rất hiện đại. Nhà văn hoá lớn Hữu Ngọc có nhiều năm hoạt động trong Quỹ Thuỵ Điển. Ông quan tâm nhiều tới những ngôi nhà mang đặc tính thôn quê, để rồi tìm cách tài trợ, phục dựng những ngôi nhà đó.

Và rồi, khi đi khảo sát, ông phát hiện ra rằng chỉ còn một nơi giữ được, là làng Đường Lâm (Hà Nội). Nhưng Đường Lâm giữ lại được không phải vì người dân có ý thức, mà là vì nghèo, chẳng có nghề gì ngoài nghề tráng bánh đa và kẹo kéo. Nghề kẹo kéo, bánh đa thì không thể phá làng được. Và ông Hữu Ngọc có kết luật rất đau xót: “May mà cái nghèo đói đã cứu được cả một mảng văn hóa đang bị hủy diệt”.

Ây dà dà...

Tôi xin nhấn lại rằng, nguy nan nhất ở nông thôn hiện nay là mất đất. Công nghiệp hoá thì rất tốt. Đó là chủ trương đúng nhưng chúng ta phải tính xem thế nào.Tại sao không lấy những vùng đồi, vùng đất cằn không phát triển được nông nghiệp để xây dựng Khu công nghiệp, mà cứ lấy khu “bờ xôi ruộng mật” của nông dân? Bây giờ, cứ thử đi từ Hà Nội về Hải Phòng mà xem, những “cánh đồng thẳng cánh cò bay” cũng đã “bay” hết rồi.

** Việc đưa các khu công nghiệp, nhà máy lên vùng đồi, tránh xa vùng “bờ xôi ruộng mật”, có thể nói ai cũng nhận ra, cũng nhiều người kiến nghị rồi, nhưng tại sao chúng ta vẫn không làm được. Ông lý giải thế nào về vấn đề này?

Nhiều người đều nhận ra mà rồi điều đáng tiếc vẫn cứ xảy ra. Nếu tôi nhớ không nhầm thì người đầu tiên đặt ra vấn đề này thẳng thắn trên báo chí là nhà thơ Trần Nhuận Minh, lúc đó là đại diện báo Tiền Phong tại Quảng Ninh, trò chuyện với ông Hà Văn Hiền, lúc ấy là Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh.

Bài đã đăng trang đầu tạp chí Văn nghệ Quân đội từ thập niên 90 của thế kỷ trước, khi đó, các Khu công nghiệp còn chưa nhiều. Nội dung bài báo đó, còn được đài phát thanh và  truyền hình Hà Nội dàn dựng với nhiều cảnh quay rất có sức thuyết phục, nhưng hình như những người có trách nhiệm, chả mấy ai nghe. Ông Hà Văn Hiền nhiều năm là Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc Hội. Nếu ông quan tâm hơn, tiếng nói của ông sẽ có trọng lượng về vấn đề này.

Còn vì sao có hiện trạng nông dân mất đất ư? Có gì đâu. Vì ở đó tiện đường, dễ xây dựng cơ sở hạ tầng. làm họ giảm được một nửa tiền đầu tư. Và khi Khu công nghiệp vào vận hành, lại thuận lợi về vận tải và tiện cho việc quảng bá sản phẩm mà lại giảm được đầu vào, hạ được giá thành để tăng lợi nhuận. Đối với nhà sản xuất, đấy là vấn đề sống còn của họ, nên họ làm bằng được, và có nhiều biện pháp để làm.

Vì thế mà họ ép những người có trách nhiệm. Họ có nhiều cách ép rất hiệu quả để thực hiện bằng được ý muốn. Trong khi ta cứ nhân nhượng rồi lại nhân nhượng. Cuối cùng ta  mất đất màu cho họ, cũng là điều dễ hiểu. Mà đất trồng lúa, phải qua hàng ngàn năm canh tác mới tạo ra được.

Gần đây, trong buổi phát biểu góp ý cho văn kiện Đại hội Đảng, ở Đại Hội Đảng bộ Đài TNVN, tôi đã nói một ý: Chúng ta phải chọn và tìm được người lãnh đạo có tầm nhìn xa, tầm nhìn vượt nhiệm kì. Còn nếu tầm nhìn chỉ ở một hoặc hai nhiệm kỳ thì chúng ta chỉ giải quyết được những vấn đề trước mắt, mang tính vụ lợi cho một người hoặc một nhóm người, rồi hết nhiệm kỳ thì “hạ cánh an toàn”, còn mọi hậu quả, con cháu gánh chịu.

** Tức là vấn đề mấu chốt vẫn là người lãnh đạo?

Đúng vậy! Chúng ta cần những người có tầm nhìn 20, 50 năm, thậm chí là cả trăm năm để mà giải quyết vấn đề trước mắt về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Tôi đi các nước thì thấy rằng, giữa nông thôn và thành phố không khác xa bao nhiêu. Thậm chí không phân biệt được đó là làng quê, nếu không có tiếng gà gáy. Quy hoạch của họ rất tốt, họ rất quan tâm tới nông thôn, nông dân và có tầm nhin xa, rất quy củ, khoa học về mặt chiến lược. Còn chúng ta lại thiếu hẳn cái đó.

Số phận người nông dân, có thể bị đẩy vào thảm kịch là vì vậy. Thậm chí có cả những thảm kịch nhìn bên ngoài không dễ thấy được. Cái giàu của nông dân là cái giàu giả. Trước mắt, anh bán được ít đất, có thể mua được xe máy, thậm chí có người còn tậu được cả ô tô. Nhưng, ôtô xe máy để làm gì? Trong khi trong nhà rỗng tuếch và con cái không có tiền ăn học. Đấy là những  lạc quan bi kịch mà hậu quả thì rất khó lường. Làng quê đã vỡ...

** Làng vỡ? Tôi nhớ, đã lâu lắm, có lẽ chừng 15 năm trước, ông viết một tiểu phẩm ngắn có tên là “Vỡ làng”. Trong đó, ông chỉ kể những chuyện vui thôi, nhưng ngẫm ra không thiếu những giọt nước mắt đau xót...

Đúng vậy! Bây giờ chuyện ấy vẫn là vấn đề nan giải. Cũng may, nhờ kết quả của công cuộc đổi mới, nhiều vẻ đẹp của phong tục cũ đã được khôi phục. Nhưng rồi cũng có người lại lợi dụng sự thông thoáng đó để trục lợi. Ví dụ như việc xây chùa chiền, đền miếu chẳng hạn. Bên cạnh ngôi chùa lớn, thấy có nhiều khách hành hương. Thế là người ta “cấy” thêm rất nhiều ngôi chùa le ve bên cạnh để thu công đức. Cái đó lại không ổn rồi. Nó làm băng hoại văn hoá chứ đâu phải tâm linh. Ngay cả văn hoá tâm linh ở làng quê cũng đang vỡ. Nhìn ở góc độ người làm văn hoá, tôi lo lắm. Nhưng điều đáng lo hơn là dường như chẳng có ai để ý, nhất là những người làm công tác quản lý, lãnh đạo. Điều đó mới thật đáng quan ngại.

** Hồi bé, ông viết: “Hạt gạo làng ta/ Gửi ra tiền tuyến”. Gửi gạo ra tiền tuyến, là để nuôi quân đánh giặc, giành lấy giang sơn. Bây giờ, không còn giặc ngoại xâm nữa thì hạt gạo làng ta “gửi” ra thế giới, nuôi cả một phần nhân loại nhưng như ông nói thì chính người làm ra hạt gạo còn nghèo quá, nhiều vùng còn đói nữa. Cái nghịch lý này sao tồn tại dai dẳng vậy, thưa nhà thơ “Hạt gạo làng ta”?

Hiện nay, đúng là chúng ta xuất khẩu gạo đứng thứ nhì thế giới thật. Rồi có thể chúng ta sẽ đứng đầu thế giới về xuất khẩu mồ hôi nước mắt. Nhưng như thế không có nghĩa là đời sống người nông dân chúng ta giàu nhất nhì thế giới.

Bởi làm ra hạt gạo khổ lắm. Mà giá gạo lại rất rẻ. Một tấn thóc bây giờ nếu quy ra tiền thì đáng bao nhiêu đâu. Ở ngoại thành Hà Nội, có một gia đình nông dân, cả một vụ mùa đầu tắt mặt tối, trừ chi phí tất cả chỉ còn lãi được có 500.000 đồng. Năm trăm nghìn đó thì làm được gì? Sao nuôi con ăn học được? Rồi còn việc ma chay, giỗ tết và trăm thứ ở làng nữa, chị nông dân ấy trông vào đâu?

Có một cảnh rất đau lòng. Một gia đình cưới con, nhận được phong bì mừng, nhưng không có tiền mà chỉ có một mảnh giấy với mấy dòng chữ: “Tôi mừng cháu 100.000 đ. Nhưng đợi đến mùa, bán được thóc, tôi sẽ trao”. Chúng ta xuất khẩu gạo, nhưng cũng cần nghĩ đến việc đầu tư trí tuệ vào gạo. Ví như sản xuất được một loại gạo có khả năng chống  béo phì, một căn bệnh mà thế giới rất sợ hãi chẳng hạn. Chỉ có thế, hạt gạo của chúng ta mới đắt giá.

Và như thế, có thể nói rằng, chỉ khi nào chúng ta xuất khẩu được trí tuệ thì Việt Nam mới thật sự cất cánh. Một sản phẩm công nghệ của trí tuệ chỉ vài lạng thôi nhưng có khi bằng cả chục tấn thóc gạo của người nông dân chân lấm tay bùn. Nhưng nói gì thì nói, chúng ta cũng không thể bỏ cây lúa được.

Điều quan trọng là chúng ta làm thế nào để đời sống của người nông dân giàu lên? Vai trò của người nông dân rất quan trọng. Hãy cứ xem trong cuộc kháng chiến, con em ai hy sinh nhiều nhất? Tất nhiên là con em nông dân. Bây giờ, vẫn còn hàng vạn con em nông dân nằm dưới lòng đất mà không tìm thấy hài cốt. Cho nên, chúng ta phải nghĩ ra cách nào đó để người nông dân có thể sứơng được, giàu được thì sự hy sinh ấy mới có ý nghĩa. Làm sao để họ có thể sống được, sống đàng hoàng trên chính mảnh đất của mình.

** Nếu mượn lời của một Tiến sĩ có danh phận để “nói lại” với ông rằng, một bộ phận nông dân không nhỏ của chúng ta còn lười nên dẫn đến nghèo khó, ý kiến ông ra sao?

Tất nhiên cũng có người nghèo vì lười. Nhưng nông dân mình  tuyệt đại bộ phận không lười đâu. Nếu ai đó nói nông dân mình lười, tôi phản bác ngay. Nhưng chỉ có điều, họ đổ mô hôi rất nhiều mà hiệu quả lại rất thấp. Vấn đề là ở đó. Và ở chỗ này, người nông dân không tự lo cho mình được, vì thế mới cần đến các nhà khoa học, các nhà lãnh đạo, quản lý….

** Thưa ông, giả dụ bây giờ đặt ông vào vị trí lãnh đạo một địa phương, ông sẽ làm gì để người nông dân mình bớt khổ?

Tất nhiên điều đó không bao giờ xảy ra (cười). Chúng ta không nên bàn chuyện ở trên giời. Tuy nhiên, những đấng cứu thế có khi vẫn đang nằm ở trong dân. Chúng ta cũng đã từng có một Kim Ngọc đó thôi. Vẫn đề làm sao để cho đời lại xuất hiện những Kim Ngọc mà không bị “đứt gánh”....

** Còn trong văn học thì sao? Thực tế chứng minh rằng, những tác phẩm hay nhất, thăng hoa nhất là những tác phẩm về nông thôn, thân phận người nông dân. Nhưng gần đây, nói theo một nhà văn có tên tuổi, thì chính các nhà văn nhà thơ cũng đang rời xa nông thôn mà đang chạy theo vuốt ve thành thị. Là một nhà thơ, ông thấy nhận xét ấy thế nào?

Theo tôi, những sáng tác hay nhất của chúng ta vừa qua vẫn là về đề tài nông thôn. Người đầu tiên viết hay về nông thôn phải nói đến các cụ Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Phạm Duy Tốn, rồi đến Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Bính… Sau này là Nguyễn Kiên, Nguyễn Thị Ngọc Tú, Đào Vũ, Ngô Ngọc Bội, Lê Lựu, Nguyễn Khắc Trường, Trần Nhuận Minh, Nguyễn Duy, Phạm Công Trứ… và gần đây nhất trong giới trẻ là Nguyễn Ngọc Tư….

Đến bây giờ, tôi vẫn cho rằng, đề tài nông thôn không hề kém hấp dẫn. Đấy vẫn là mảnh đất màu mỡ. Hi vọng ở đó, chúng ta sẽ có những tác phẩm lớn. Nông thôn vẫn gắn bó xương cốt với người viết, là vùng người viết thông thạo hơn cả. Trở về vùng đất màu mỡ ấy, hi vọng chúng ta mới có được những vụ mùa văn chương. Còn có ý kiến cho rằng văn sĩ quay lưng với nông thôn, vuốt ve thành thị thì tôi cho rằng cái đó không hẳn đâu. Tôi không tin như thế.

Còn việc nhà văn sống ở đâu thì không quan trọng. Cái quan trọng là người đó có am tường nông thôn không và họ đã viết như thế nào. Tất cả những gì đã có, dù ít dù nhiều cũng cho chúng ta niềm hy vọng. Có phải thế không?/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên
90ph tv 90 tv mitom link bong da tv soi kèo hôm nay Đại lý bóng đá mitom keo ma cao