111111

Trần Đăng Khoa phản hồi chủ đề "Tam Nông"

Cám ơn các bạn đã có cuộc trao đổi thật thú vị. Cùng một hiện thực mà có được nhiều góc nhìn khác nhau.

Thế mới vui. Nếu chúng ta nhìn giống nhau, nghĩ giống nhau thì chỉ một người là đủ, hà cớ chi phải gặp nhau rồi cùng luận bàn, trao đổi.

Tôi nói nông dân sinh ra để khổ. Họ có sức chịu khổ đến vô tận, nhưng lại mất khả năng làm người sung sướng. Điều đó là có thật.

Tôi gặp rất nhiều người như thế. Ngay bố mẹ tôi cũng vậy. Nếu các bạn đến nhà tôi, sẽ rất dễ dàng kết án anh em tôi tệ bạc với bố mẹ già. Vì các cụ khổ quá. Tôi về bất ngờ, thấy mâm cơm bố mẹ tôi chỉ có quả trứng đập vào xoong cà chua. Có bữa trên mâm toàn rau, mà cũng chẳng phải rau, đấy là cây chuối non thái ra, chấm với tương. Bát đũa thì cóc cáy, sứt mẻ. Ông anh tôi đã vứt đống bát đũa đó ra vườn, rồi thay bằng bộ bát Nhật rất đẹp. Nhưng khi con cái đi, các cụ lại cất vào tủ, để giành, rồi lôi đống bát đũa cũ ấy về dùng.

Ở cái tuổi ngoài 90 rồi, bố mẹ tôi vẫn ở quê, vẫn lọm cọm thân già. Tôi đã phải bỏ căn nhà ở Lý Nam Đế, mua một nhà nhỏ ở giữa làng Bồ Đề, sớm trưa có tiếng gà gáy, lợn kêu để đón các cụ lên. Nhưng bố mẹ tôi vẫn không chịu ở phố. Bà cụ bảo, cái dân phố nó không có tình cảm. Nhà bên này có người chết. Nhà bên kia nó mở nhạc xập xình. Thế thì chịu sao nổi. Tôi thuê người giúp việc và trả lương để họ giúp chăm sóc bố mẹ. Nhưng cụ bà nổi giận: Tao có phải địa chủ đâu mà mướn người hầu. Hầu rồi lại mang tao ra đấu tố à? Con cái, cháu chắt cho cụ tiền. Cụ cũng không tiêu, cứ tích cóp rồi đổi ra vàng, cho các cháu: "Để sau này nó nhìn cái nhẫn, nó lại nhớ đến bà...". Bạn bè tôi cho quà, cụ cũng ngại: "Mình ăn thì sướng cái miệng thật, nhưng rồi con cái sẽ khổ, vì lại phải trả nợ miệng". Khổ vậy!

Lại nhớ lần về quê, tôi sang thăm bà cô, thấy trên tường ngổn ngang những vệt vôi quệt. Cái dấu cộng (+). Cái dấu trừ (-). Tôi ngạc nhiên: "Hợp tác xã tan rồi, sao cô vẫn còn ghi công điểm gì thế này?". "Công điểm gì đâu cháu. Đây là những món nợ đấy!" Thấy tôi ớ ra, bà cụ mới giải thích cặn kẽ. Đây là bát riêu cá nhà Độ. Đây là khúc cá rán nhà Toán. Còn đây là bát canh rau ngót nhà Thiều. Thì ra có món gì ngon, bà con hàng xóm thương cụ, cho bà cụ miếng gì, bà cụ lại lấy vôi quệt một dấu cộng lên vách. Để nhớ đấy là một món nợ. Thế rồi nhà có món gì ngon, cụ cũng lại sai con cháu mang sang biếu lại, rồi quệt lên vách dấu trừ. Coi như ơn nghĩa đã được trả xong.

Nông dân mình là thế. Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Đảng chia cho họ một cái nồi đồng, một cái chảo gang, một cái cối đá thủng trong cải cách ruộng đất, cũng đủ để họ nhớ suốt đời, biết ơn suốt đời. Rồi họ mang xương máu của chồng, của con, của chính họ ra để trả nghĩa. Hàng triệu người chết trong mấy cuộc chiến tranh. Hàng vạn người cho đến tận hôm nay vẫn không tìm thấy được hài cốt. Họ chiến đấu hi sinh để bảo vệ Tổ quốc, dĩ nhiên là như vậy rồi, nhưng không hẳn chỉ có như vậy. Sự đền ơn trả nghĩa ấy mới thiêng liêng và dữ dội biết bao. Nông dân là thế đấy./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên
90ph tv 90 tv mitom link bong da tv soi kèo hôm nay Đại lý bóng đá mitom keo ma cao