111111

6 năm rời quê Thanh Hóa để ra khu công nghiệp Đại An (Hải Dương) làm công nhân, đến nay vợ chồng chị Hoàng Thị Thanh vẫn đi ở trọ. Hàng tháng tính cả tăng ca, thu nhập của vợ chồng chị được khoảng 15-18 triệu đồng, nhưng trừ cả tiền thuê nhà, chi phí sinh hoạt cùng tiền đi học của 2 con, mức tiền tiết kiệm còn lại cũng chỉ trên dưới 5 triệu đồng. Xa quê lập nghiệp, vợ chồng chị Thanh đưa cả con đi cùng để tiện chăm sóc, giáo dục, cũng mong có thể mua một căn nhà, mảnh đất nhỏ an cư lập nghiệp, nhưng với mức thu nhập như trên, việc có tiền mua nhà là điều còn xa vời với gia đình chị.

Chị Trần Thị Ánh (Khu công nghiệp Bắc Thăng Long) cũng cho hay, sống và làm việc tại Hà Nội 10 năm nay, nhưng vợ chồng chị vẫn đang thuê trọ, gửi con về quê (Nam Định) nhờ ông bà chăm sóc. 

“Để mua nhà ở xã hội giá rẻ thì vị trí ở rất xa, còn mua gần chỗ làm thì giá nhà rất cao, với thu nhập của công nhân có làm đến vài chục năm cũng không thể mua nhà ở thành phố”, chị Ánh chia sẻ.

Ông Nguyễn Hữu Thông, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận nêu ra một thực tế rằng, các khu công nghiệp mọc lên như nấm ở rất nhiều nơi trên mọi miền đất nước, nhưng đến nay khâu quy hoạch nhà ở cho công nhân, người lao động dường như chưa được quan tâm đúng mức, các chương trình phát triển nhà ở cho công nhân cũng không đạt được kết quả như mong muốn. Công nhân được xem là một trong những lực lượng chính tạo nên của cải, vật chất cho xã hội nhưng lại phải thuê nhà trọ ở các khu dân cư khá xập xệ. Không ít gia đình có 4 người, vợ chồng, con cái sống trong những ngôi nhà chưa đầy 10m2, bao gồm cả nhà vệ sinh, họ không dám mua tủ lạnh, máy giặt vì không có chỗ để. Có thể nói khó khăn, vướng mắc phát triển nhà ở cho công nhân, cho người lao động thì rất nhiều nhưng vẫn chưa được giải quyết.

TS Nhạc Văn Linh, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn cho biết, thực tế các dự án nhà ở xã hội, ký túc xá công nhân vẫn còn thiếu rất nhiều, chưa đủ đáp ứng nhu cầu thực tế, hầu hết công nhân, lao động phải thuê trọ do các hộ gia đình, cá nhân tự đầu tư xây dựng gần các khu công nghiệp. Nhiều nhà trọ công nhân là những dãy nhà cấp 4, diện tích chỉ từ 4-10m2, thiếu nước sạch, môi trường ô nhiễm, giá thuê trọ cao, không có hoặc hạ tầng kỹ thuật kém, dẫn đến không đảm bảo chất lượng cuộc sống của công nhân lao động.

Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn cho rằng, hiện nay các chính sách chưa thực sự thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Ông Trần Văn Tuấn, Đại biểu Quốc hội đoàn Bắc Giang cho biết, thực tế tại địa phương hiện có hơn 5.000 nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp do các hộ gia đình, cá nhân xây dựng, đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng cho công nhân thuê. Tuy nhiên, số lượng nhà ở này chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu về nhà ở cho công nhân nên cần tiếp tục khuyến khích các cá nhân xây dựng thêm nhà ở cho công nhân với số lượng khoảng 180.000 nhà ở.

Ông Trần Văn Tuấn cũng cho rằng, để đạt được mục tiêu xây dựng 1 triệu nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp, đòi hỏi có nguồn lực rất lớn. Do đó, nhà nước cần có các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các thành phần kinh tế tham gia, trong đó không chỉ có các doanh nghiệp mà còn huy động cả nguồn lực từ các cá nhân, hộ gia đình.

Bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cũng cho rằng, cần có các chính sách giảm thuế để thu hút doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà ở xã hội: “Hiện nay các doanh nghiệp chưa mặn mà với các dự án nhà ở xã hội do xây dựng nhà ở thương mại sẽ có lãi cao hơn, không tồn đọng vốn. Dựa trên những khảo sát của các địa phương, nhà nước cần quyết tâm đưa ra các chính sách để các địa phương có đông người lao động, vẫn còn quỹ đất phối hợp cùng doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp để xây nhà ở cho công nhân, sửa chữa kịp thời các khó khăn bất cập trong chính sách gây khó khăn cho nhà đầu tư”.

Bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam

Nói về vấn đề thiếu nhà ở xã hội cho người lao động, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, nhà ở xã hội đang là vấn đề hết sức bức xúc của công nhân lao động hiện nay khi hầu hết các khu công nghiệp đều là lao động di cư. Tuy nhiên, đa số người lao động phải thuê trọ trong nhà dân do quỹ nhà ở xã hội ít, các doanh nghiệp lại chưa có cơ chế xây nhà cho công nhân thuê hoặc mua.

Vì thu nhập thấp nên công nhân thường phải thuê những nơi giá rẻ, ẩm thấp, chật hẹp, thiếu ánh sáng, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, an toàn của công nhân.

“Từ thực tế này, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đang thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động như đề xuất 1 gói đầu tư công trung hạn trong những năm tới để xây nhà cho công nhân cũng như sửa chữa một số quy định liên quan tạo cơ chế để có nhiều chủ thể xây nhà cho công nhân, giúp người lao động có nhà ở. Cùng với đó, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cũng đang nỗ lực tháo gỡ những cơ chế để doanh nghiệp có thể xây nhà bán hoặc cho công nhân thuê, cũng như Tổng Liên đoàn được trở thành chủ thể được phép đầu tư xây nhà cho công nhân. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã đề xuất những chính sách tín dụng giúp cho người kinh doanh nhà ở hiện nay có thể sửa sang nhà đạt chuẩn để công nhân được ở trong những khu nhà trọ đảm bảo hơn”, ông Ngọ Duy Hiểu cho biết.

Nhìn lại làn sóng di cư chưa từng có từ các khu công nghiệp phía Nam về các địa phương trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 vào năm 2021, ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng, ở tầm nhìn xa hơn, chính sách thu hút đầu tư cũng cần xem xét để tránh việc các khu công nghiệp tập trung quá nhiều ở một số địa phương dẫn đến khi khủng hoảng hoặc gặp các sự cố về hạ tầng không đáp ứng được sẽ gây khó khăn cho người lao động. Do đó, cần hướng đến lương đủ sống và có các chính sách đầu tư hợp lý, chính sách nhà ở cho công nhân./.


Thứ Bảy, 12:00, 31/12/2022
90ph tv 90 tv mitom link bong da tv soi kèo hôm nay Đại lý bóng đá mitom keo ma cao