Làm nhà báo đâu phải dễ
Bác giáo Bình nhận xét: Xã hội yêu quý các nhà báo. Nhưng nhiều người “yêu để trong lòng”. Các nhà báo cũng biết vậy nên ngày 21/6, lại có những nhà báo mua hoa tặng bạn đọc của mình...
Hà Nội, ngày 24/6/2010
Gửi mẹ cái Mùa!
Hôm thứ hai, tôi và bác giáo Bình được bác Cả Khoa gửi tặng một bó hoa. Bác ấy bảo ngày Báo chí Việt Nam được tặng nhiều hoa, nên tặng lại hai anh em chúng tôi - “những cộng tác viên đắc lực của các nhà báo”.
May mà mát giời nên hôm ấy anh em chúng tôi chạy xe cũng đỡ. Qua trụ sở mấy tòa soạn báo, thấy nườm nượp là hoa. Bác giáo Bình nhận xét: Xã hội yêu quý các nhà báo. Nhưng nhiều người “yêu để trong lòng” vì không có tiền mua hoa tặng. Các nhà báo cũng biết vậy nên ngày 21/6, lại có những nhà báo mua hoa tặng bạn đọc của mình. Âu cũng là một sự tri ân bạn đọc. Giá mà có cái ngày gọi là “ngày bạn đọc” thì hay nhỉ? Một số tờ báo lớn, như tờ báo của Đảng Cộng sản Pháp chẳng hạn, tổ chức “ngày hội báo Nhân đạo”, qua đó gắn kết mối quan hệ giữa độc giả với báo, quảng bá cho mục đích, tôn chỉ của tờ báo.
Những lúc rỗi rãi, bác giáo Bình chăm đọc báo lắm. Nhiều hôm, đọc xong bác thở dài, kêu: báo lắm chuyện tiêu cực quá. Rồi nói thêm: Xã hội mình còn nhiều chuyện tốt đẹp lắm, sao báo chí không cổ vũ? Lúc sau, bác lại tự phê bình: Mà dân mình cũng lạ. Cứ chuyện đâm chém giết người là tìm đọc. Các báo muốn tăng số, kéo dài kỳ cũng là đánh vào tâm lý hiếu kỳ này.
Mẹ cái Mùa biết không, khi nghe anh em chúng tôi trao đổi, bác Cả Khoa thở dài: các bác đụng vào nỗi đau của người làm báo chúng tôi đấy. Làm sao có tin, bài hay, trang báo hấp dẫn bạn đọc là cả một vấn đề đấy các bác ạ. Bác giáo Bình cũng thẽ thọt thưa: bạn đọc bây giờ quan tâm tới cái gì ra khỏi nhà là họ bắt gặp. Như cánh xe ôm chúng em cần lắm những thông tin về đường sá đi lại, đèn xanh đèn đỏ. Thứ đến là chuyện quê nhà. Sau đó mới là các tin khác. Bóng đá chẳng hạn. Bởi vậy mới cần các bác chia trang, chia mục. Nhưng trang với mục gì cũng cần ngắn gọn, thiết thực.
Biết bác Cả Khoa đã lâu, chúng tôi thấy bác cũng thật hiền lành, bề ngoài chả có vẻ gì là nhà báo cả. Có những ông nhà báo, thoạt nhìn là biết ngay. Cái áo gi-lê lụng thụng nhiều túi, máy ảnh to, máy ảnh nhỏ. Mấy ông truyền hình càng rõ. Nhưng mấy ông này ít đi xe ôm. Cũng thấy lắm ông “hách ra phết”. Tôi vẫn thường đùa bác giáo Bình: Bây giờ bác mặc bộ đồ “ký giả” vào, trông cũng “oách” đấy. Bác giáo Bình nghiêm mặt: Chú không biết đấy thôi, nhà báo là phải gìn giữ lắm đấy. Nếu không nghiêm chỉnh thì dân không tin. Mà nếu “lăng nhăng” quá thì pháp luật sẽ phạt, dư luận lên án. Nghĩa là mình phải tự biết “chỗ đứng” của mình ở đâu. Cho nên làm “nhà báo” không dễ đâu.
Tôi lè lưỡi, nói với bác giáo: Thì từ trước tới nay, em có dám nói làm “nhà báo” là dễ đâu./.