Lại bức tử môi trường
Một doanh nghiệp chuyên xử lý chất thải lại xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường. Chuyện thật như đùa này đang gây bức xúc trong dư luận
- Tiếp tục lấy mẫu nước và bùn tại nhà máy Sonadezi
- Bắt quả tang Công ty Sonadezi "đầu độc" môi trường
Gần 1 tuần nay, cái tên Sonadezi liên tục được nhắc đến trên các mặt báo cũng như các cuộc trò chuyện. Từ chỗ gây ngỡ ngàng cho nhiều người dân, sự kiện này đã và đang gây nhiều bức xúc.
Mọi chuyện bắt đầu vỡ lở khi đêm 3/8, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường - Bộ Công an bắt quả tang Nhà máy xử lý nước thải tập trung của Công ty dịch vụ Sonadezi xả trộm chất thải ra sông Đồng Nai. Đúng là chuyện thật như đùa! Một doanh nghiệp đảm nhận việc xử lý chất thải cho 11 doanh nghiệp thuộc Khu công nghiệp Long Thành, tỉnh Đồng Nai, nhưng lại “vụng trộm” xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường.
Nói doanh nghiệp này “vụng trộm” là bởi họ đã chôn một đường ống nằm sâu dưới lòng đất tới 3m, có đường kính tới 50cm. Qua đường ống này, họ đổ nước ra hồ sinh thái và chờ khi thuỷ triều lên mới xả nước ra hoà cùng nước thủy triều để pha loãng, khi thuỷ triều xuống, nước thải sẽ bị hoà lẫn màu rồi theo rạch Bà Chèo ra sông Đồng Nai.
Doanh nghiệp này biết làm như vậy là vi phạm pháp luật, là huỷ hoại môi trường, nhưng họ vẫn cố tình làm. Và sự “cố tình” này không phải vừa mới xảy ra, mà nó đã kéo dài 5 năm nay với khối lượng nước thải ra môi trường lên tới 14 triệu m3. Con số 14 triệu m3 đủ thấy doanh nghiệp này đã “bức tử” môi trường lớn đến mức nào. Ấy vậy mà khi trả lời báo chí, một lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai vẫn khẳng định: Sonadezi là doanh nghiệp lớn, được đánh giá như một “hình mẫu của công viên công nghiệp”.
Không biết sự đánh giá này có được rút lại hay không sau sự kiện rất đáng nhớ đêm 3/8 vừa rồi? Nhưng điều đáng nói ở đây là mặc dù chưa đạt tiêu chuẩn, vào tháng 5/2011, doanh nghiệp này vẫn được cấp phép xả thải. Lý do của việc cấp phép này được một lãnh đạo cấp Cục của Bộ Tài nguyên và Môi trường giải thích là để quản lý chặt hơn so với thời điểm chưa cấp phép chứ không phải để hợp lý hoá vi phạm của đơn vị này. Việc cấp phép nhằm giám sát việc xử lý hàng loạt chỉ tiêu khác ngoài chỉ tiêu về độ màu, và tạo điều kiện về lộ trình hoàn thiện việc xử lý màu của doanh nghiệp này vào tháng 2/2012. Cấp phép là để buộc vận hành nhà máy phải theo lộ trình. Nhưng ở đây đã bộc lộ một lỗ hổng trong quản lý.
Thực tế là trong suốt thời gian trước khi phát triển các khu công nghiệp, chúng ta chưa hề đặt ra các yêu cầu chặt chẽ về môi trường. Do đó, việc đẩy mạnh phát triển các khu công nghiệp đã để lại nhiều hệ luỵ. Có những khu xử lý chất thải chưa đạt chuẩn, thậm chí, có nơi chưa có khu xử lý nước thải tập trung nhưng vẫn được đưa vào hoạt động. Liệu đây có phải là hệ luỵ của việc chạy đua theo phong trào phát triển các khu công nghiệp? Mặt khác, thời gian qua, các đợt thanh tra, kiểm tra cũng chỉ dừng ở mức chỉ ra sai phạm và xử phạt ở mức nhẹ mà không thể đình chỉ hoạt động của hàng loạt doanh nghiệp vì còn liên quan đến đời sống và việc làm của người lao động. Hậu quả là môi trường đang bị huỷ hoại nghiêm trọng và thiệt hại lớn nhất lại rơi vào đầu người dân.
Theo thống kê, chỉ riêng tại ấp 1 xã Tam An, Long Thành, Đồng Nai đã có hơn 150 ha đất nông nghiệp phải bỏ hoang vì không thể trồng tỉa, chăn nuôi được do nguồn nước bị ô nhiễm. Nhiều hộ dân phải chịu cảnh nợ nần chồng chất do việc nuôi trồng thuỷ sản dọc con rạch Bà Chèo không thể thực hiện được, tôm nuôi bị chết hết vụ này sang vụ khác. Người dân ở đây khẳng định là họ đã nhiều lần kiến nghị tại các buổi tiếp xúc với đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân nhưng không hiểu sao, tất cả chỉ rơi vào im lặng.
Thực ra, vụ việc này không phải các cơ quan chức năng không biết. Từ năm 2009 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai đã 3 lần ra quyết định xử phạt công ty Sonadezi do vi phạm xả thải vượt gấp 5 lần cho phép, gây ô nhiễm môi trường, với mức phạt từ 31 - 75 triệu đồng. Năm 2007, Công ty Sonadezi cũng đã buộc phải chi 121 triệu đồng hỗ trợ cho 67 hộ dân bị thiệt hại nặng nhất. Nhưng liệu đây có phải là hiện tượng “phạt cho tồn tại” hay không?
Mỗi ngày, Công ty Sonadezi tiếp nhận hơn 5.000m3 nước thải của hàng chục xí nghiệp trong khu công nghiệp với chi phí xử lý 0,32 USD/m3. Như vậy số tiền khổng lồ mà Công ty này thu được lên đến bao nhiêu? Điều này hẳn là các cơ quan chức năng đều biết. Lợi nhuận thì Công ty thu về, nhưng nước thải không hề được xử lý thải trực tiếp ra môi trường và hậu quả thì người dân phải gánh chịu.
Rõ ràng, bài học từ vụ Vedan không hề có ý nghĩa cảnh tỉnh đối với Sonadezi. Một câu hỏi đặt ra là, nếu chúng ta vẫn tiếp tục không tìm ra giải pháp khả thi trong việc quản lý chặt chẽ tình trạng xả thải như vụ việc Sonadezi - tương lai môi trường của chúng ta sẽ ra sao?./.