Vì sao Tiến Linh không góp mặt trong đội hình đấu MU?
Sáng 16/4, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) xác nhận ba tuyển thủ quốc gia gồm Nguyễn Quang Hải, Đỗ Duy Mạnh và Nguyễn Hoàng Đức sẽ góp mặt trong đội hình ASEAN All-Stars (a sê an ôn sờ ta) thi đấu giao hữu với MU vào ngày 28/5 tới.
Tuy nhiên, danh sách này nhanh chóng gây tranh luận khi vắng mặt tiền đạo Nguyễn Tiến Linh – chủ nhân Quả bóng Vàng Việt Nam 2024. Trên các nền tảng mạng xã hội, nhiều cổ động viên bày tỏ sự bất ngờ và tiếc nuối. Dưới bài đăng của VFF, nhiều ý kiến như “Không có Tiến Linh hả?”, “Tiến Linh ở nhà là không hợp lý”, hay “Tưởng Tiến Linh phải có tên chứ...” nhận được sự đồng tình từ cộng đồng người hâm mộ.
Không riêng Tiến Linh, nhiều người cũng bày tỏ sự thắc mắc khi Đình Triệu - thủ môn xuất sắc nhất tại Asean Cup 2024 không có tên. Bên cạnh đó, Thành Chung cũng khiến nhiều người tiếc nuối khi không góp mặt.
Nguyên nhân Tiến Linh không được chọn có thể đến từ Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á (AFF). AFF hướng tới việc xây dựng một đội hình đại diện cho sự đa dạng và tinh thần đoàn kết trong khu vực, thay vì tập trung toàn bộ vào các cá nhân xuất sắc nhất. Do đó, mỗi đội tuyển quốc gia ở Đông Nam Á sẽ có đại diện góp mặt, dẫn đến khả năng một số ngôi sao nổi bật có thể không được lựa chọn, nhằm đảm bảo sự phân bổ đồng đều giữa các nền bóng đá thành viên.
SVĐ Mỹ Đình gây bất ngờ vì mặt cỏ xanh tươi trở lại
Mới đây, mặt sân vận động quốc gia Mỹ Đình bất ngờ thu hút sự chú ý của người hâm mộ khi trở lại với diện mạo xanh mướt, đồng đều và đầy sức sống. So với hình ảnh xuống cấp cách đây gần 3 tuần trước, sự thay đổi của mặt sân khiến dư luận ngạc nhiên và ghi nhận nỗ lực của đơn vị quản lý.
Trước đó, ngày 29/3, Ban tổ chức V-League đã tiến hành kiểm tra chất lượng sân Mỹ Đình và yêu cầu CLB Thể Công Viettel phối hợp với Ban quản lý sân khẩn trương triển khai các giải pháp cải tạo mặt cỏ. Thời điểm đó, mặt sân bị đánh giá rất thấp về chất lượng. Nhiều mảng cỏ bị chết, loang lổ, để lộ rõ nền đất, ảnh hưởng lớn đến điều kiện thi đấu và hình ảnh giải đấu.
Ngay sau chỉ đạo, Ban quản lý đã huy động lực lượng lớn nhân công tập trung chăm sóc mặt sân theo lộ trình chặt chẽ. Các công nhân lấy cỏ ngoài đường biên để trồng dặm thay thế cho những khu vực cỏ chết. Do sân Mỹ Đình không có vườn ươm dự phòng như một số sân vận động khác, nên công tác bảo dưỡng đòi hỏi nhiều công sức và kỹ thuật hơn.
Kết quả sau hơn nửa tháng chăm sóc cho thấy hiệu quả rõ rệt. Mặt cỏ sân Mỹ Đình hiện tại không còn hiện tượng loang lổ hay lộ nền đất, thay vào đó là một thảm cỏ xanh đều, mang lại diện mạo tích cực cho một trong những sân vận động trọng điểm của bóng đá Việt Nam.