111111

Với mục tiêu tạo thuận lợi thương mại, giảm chi phí cho doanh nghiệp (DN), giảm tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng hóa xuất nhập khẩu, khắc phục khó khăn, vướng mắc trong thực hiện thủ tục hải quan, thiết lập quan hệ đối tác tin cậy giữa cơ quan hải quan và doanh nghiệp, ngày 15/7/2022, Tổng cục Hải quan đã ban hành Quyết định số 1399/QĐ-TCHQ về việc Ban hành Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan.

Theo đó, DN khi tham gia Chương trình thí điểm hỗ trợ DN tuân thủ pháp luật hải quan sẽ được Cơ quan Hải quan tạo thuận lợi, hỗ trợ hướng dẫn miễn phí các nội dung liên quan đến lĩnh vực áp dụng quản lý rủi ro, tuân thủ pháp luật hải quan và thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK), quá cảnh.

Tại Việt Nam, mức độ tuân thủ DN là cơ sở quan trọng cho cơ quan Hải quan áp dụng các chính sách ưu đãi, tạo thuận lợi trong thủ tục hải quan, đồng thời là yếu tố thiết yếu cho việc áp dụng quản lý rủi ro, quyết định phân luồng kiểm tra hàng hóa của cơ quan Hải quan.

Theo ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, trong số hơn 190.000 doanh nghiệp đang hoạt động xuất nhập khẩu trên cả nước, chỉ có khoảng trên 10% đơn vị tuân thủ pháp luật hải quan ở mức trung bình và cao, chiếm trên 83% kim ngạch và tờ khai. Điều này đồng nghĩa với thực tế đang có gần 90% doanh nghiệp chỉ tuân thủ ở mức thấp hoặc không tuân thủ. Do đó, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan là một trong những chủ trương lớn của Chính phủ, Bộ Tài chính và ngành Hải quan.

"Chúng tôi xác định đây là trách nhiệm trước hết của cơ quan Hải quan. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ nỗ lực để duy trì và nâng cao mức độ tuân thủ của cộng đồng doanh nghiệp, thông qua chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan", Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan nhấn mạnh.

Theo thống kê của ngành Hải quan, tỷ lệ tờ khai được xử lý theo luồng xanh hiện hơn 66%, luồng vàng gần 30%, còn lại là luồng đỏ. Ông Hoàng Việt Cường cho biết, nếu giai đoạn đầu được triển khai tốt, chương trình sẽ tiếp tục nhân rộng, tiến tới tỷ lệ tờ khai luồng xanh đạt 80-90%. Đồng thời, các vướng mắc phát sinh, kể cả từ các cơ quan kiểm tra chuyên ngành, cũng sẽ được hải quan hỗ trợ làm đầu mối tổng hợp phản ánh, kiến nghị và tháo gỡ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng sẽ được hỗ trợ đào tạo và tham vấn về cơ chế chính sách, pháp luật hải quan.

Sau 2 năm thí điểm, Tổng cục Hải quan kỳ vọng sẽ hỗ trợ khoảng 300 doanh nghiệp từng bước cải thiện mức độ tuân thủ, đạt tỷ lệ 80% đơn vị tuân thủ trung bình và cao. Trong vòng 5 năm, phấn đấu tăng tỷ lệ doanh nghiệp tuân thủ mức 2, mức 3 đạt trên 20% tổng số doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu.

Theo Tổng cục Hải quan, trong giai đoạn đầu triển khai chương trình thí điểm, cơ quan hải quan sẽ triển khai với 266 DN tập trung vào nhóm hoạt động XNK thuộc lĩnh vực gia công, sản xuất xuất khẩu tại 6 cục hải quan gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai nhằm đồng hành, hỗ trợ DN phục hồi sản xuất sau đại dịch, sau đó sẽ triển khai mở rộng đến tất cả các đối tượng DN.

“Đây là chương trình thí điểm, nên việc lựa chọn đối tượng tham gia cũng được cân nhắc một cách kĩ lưỡng, giai đoạn đầu là khoảng hơn 266 doanh nghiệp với đầy đủ các loại hình: Nhà nước, doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nhỏ và vừa, các loại hình kinh doanh xuất nhập khẩu. Từ đó, cơ quan Hải quan sẽ có cái nhìn tổng thể để xây dựng phương pháp phù hợp cho từng loại hình. Trong giai đoạn này, chúng tôi cũng ưu tiên cho các đại lý làm thủ tục hải quan. Giai đoạn sau, tùy theo điều kiện và khả năng của mỗi địa phương sẽ tăng dần số lượng doanh nghiệp tham gia chương trình", ông Hoàng Việt Cường cho biết.

Cục trưởng Cục Hải quan Bắc Ninh Trần Đức Hùng cho biết, Cục Hải quan Bắc Ninh đang quản lý 5.615 DN làm thủ tục hải quan tại các chi cục hải quan trực thuộc. Qua số liệu thống kê về phân loại mức độ tuân thủ pháp luật đối với người khai hải quan, có trên 58,4% DN có mức tuân thủ thấp (mức 4), 23,6% DN có mức tuân thủ trung bình (mức 3), còn lại là các DN mức 1, mức 2 (DN ưu tiên, tuân thủ cao). Hiện Hải quan Bắc Ninh đã lựa chọn 12 DN tham gia và ký kết biên bản ghi nhớ, kế hoạch hành động.

“Việc tham gia chương trình trước hết đem lại lợi ích cho cộng đồng DN, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý của cơ quan Hải quan và các cơ quan quản lý nhà nước, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Do vậy, các DN vừa có lợi ích vừa có nghĩa vụ chấp hành đúng pháp luật bằng việc phối hợp chặt chẽ với cơ quan Hải quan để đánh giá lại thực trạng, chỉ rõ các yếu tố, nguyên nhân ảnh hưởng đến mức độ tuân thủ, từ đó có kế hoạch cụ thể để từng bước cải thiện, nâng mức tuân thủ”, ông Trần Đức Hùng cho biết.

Trong quá trình triển khai, Hải quan Bắc Ninh sẽ tổng kết những kết quả cụ thể đạt được, đồng thời tổ chức đánh giá hiệu quả mang lại cho cơ quan Hải quan và cộng đồng DN, qua đó, báo cáo, đề xuất Tổng cục Hải quan mở rộng số lượng DN tham gia trong thời gian tiếp theo. Đây là một trong những tiền đề giúp Cục tiếp tục chuẩn hóa các thủ tục hành chính và cam kết tạo thuận lợi thương mại, tiến tới triển khai Hải quan số, Hải quan thông minh.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, Giám đốc Ban vật tư xuất nhập khẩu, Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam, Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan đã đem lại những lợi ích cho DN như: được cơ quan Hải quan hỗ trợ hướng dẫn theo các cam kết tại Biên bản ghi nhớ đối với DN khi có yêu cầu.

Đồng thời, được cơ quan Hải quan ghi nhận tư cách thành viên, quá trình tham gia Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích DN tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan trên hồ sơ DN và các hệ thống thông tin nghiệp vụ để đảm bảo việc thực hiện các hoạt động hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng. Nhờ đó, DN giảm chí phí đối với việc thực hiện thủ tục XNK hàng hóa. Mặt khác, cơ quan Hải quan phối hợp với các cơ quan liên quan hỗ trợ, tư vấn cho DN các biện pháp khắc phục, giảm thiểu hậu quả các lỗi, vi phạm do DN gây ra trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan, đảm bảo trong khuôn khổ quy định của pháp luật.

Không chỉ đối với Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam mà 12 DN được Hải quan Bắc Ninh lựa chọn tham gia chương trình đều ghi nhận và mong muốn tiếp tục chủ động hơn trong việc hợp tác với cơ quan Hải quan, qua đó phòng, tránh các lỗi vi phạm pháp luật hải quan, phòng tránh rủi ro, đảm bảo duy trì hoặc cải thiện mức độ tuân thủ pháp luật.

Để đạt được những mục tiêu Chương trình đề ra, bên cạnh các cam kết từ phía hải quan, ông Hoàng Việt Cường đề nghị cộng đồng doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ và lan tỏa văn hóa tự nguyện tuân thủ pháp luật. Các hiệp hội doanh nghiệp đóng vai trò giám sát chương trình từ cả 2 phía.

"Thời gian qua vẫn có những khoảng cách nhất định giữa doanh nghiệp và cơ quan hải quan. Với chương trình này chúng tôi mong muốn 2 bên thu hẹp khoảng cách, thiết lập mối quan hệ đối tác tin cậy làm cơ sở tạo thuận lợi thương mại, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp", ông Hoàng Việt Cường nói.

Mặt khác, lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho rằng, doanh nghiệp cũng nên tìm đến sự hỗ trợ của các đại lý logistics. Hiện có khoảng 1.413 đại lý làm thủ tục hải quan cho các doanh nghiệp Việt Nam, nhưng số tờ khai được thực hiện qua đại lý chỉ chiếm 7%.

"Chúng tôi rất trăn trở về con số này. Bởi theo thông lệ quốc tế và kinh nghiệm một số nước hải quan phát triển, số tờ khai thông qua đại lý thường chiếm hơn 90%. Nếu qua đại lý, việc khai báo hải quan, cơ sở dữ liệu đưa vào hệ thống sẽ đủ độ tin cậy hơn. Do đó trong chương trình, chúng tôi cũng phối hợp với các hiệp hội để lựa chọn đại lý uy tín và có cơ chế tạo thuận lợi hơn nữa cho các đại lý", lãnh đạo Tổng cục Hải quan chia sẻ.

Để triển khai suôn sẻ chương trình này, ông Nguyễn Nhất Kha, Cục trưởng Cục Quản lý rủi ro, Tổng cục Hải quan cho hay, đơn vị đã chủ trì, điều phối cũng như phối hợp chặt chẽ với cục hải quan các tỉnh, thành phố trong toàn bộ các khâu thực hiện.

“Chúng tôi đã phối hợp các đơn vị hải quan địa phương và các tổ chức, hiệp hội DN tổ chức hội nghị tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá Chương trình; thực hiện các nội dung tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, phổ biến, đăng tải hoạt động, kết quả của Chương trình trên Cổng Thông tin điện tử Hải quan (như: http://customs.gov.vn) và Tạp chí Hải quan (http://haiquanonline.com.vn). Rà soát, đánh giá, lựa chọn DN tham gia; xây dựng các nội dung biên bản ghi nhớ, ghi nhận tư cách thành viên tham gia Chương trình”, ông Nguyễn Nhất Kha cho hay.

Bên cạnh đó, phía hải quan đã thiết lập danh sách cán bộ đầu mối tại hải quan các cấp, thông qua việc thành lập Nhóm chuyên trách thực hiện Chương trình gồm 123 thành viên là các cán bộ công chức thuộc Cục Quản lý rủi ro, các đơn vị thuộc Tổng cục Hải quan và 35 cục hải quan các tỉnh, thành phố. Nhóm chuyên trách có nhiệm vụ thực hiện các hoạt động hỗ trợ toàn ngành về tư vấn, giải quyết vướng mắc theo các cam kết tại biên bản ghi nhớ đối với DN tham gia Chương trình khi có yêu cầu.

Để nâng cao hiệu quả của Chương trình, Cục Quản lý rủi ro đã phối hợp với cục hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện theo dõi, đánh giá quá trình các hoạt động trong khuôn khổ và báo cáo lãnh đạo Tổng cục Hải quan tổ chức tuyên dương, khen thưởng các DN tuân thủ tốt, có đóng góp tích cực, cũng như cảnh báo, nhắc nhở, thu hồi tư cách thành viên đối với DN không thực hiện hoặc vi phạm cam kết.

Tính đến ngày 8/11, Cơ quan Hải quan đã thực hiện ký kết biên bản ghi nhớ với 160 DN tham gia Chương trình. Hiện nay, các Cục Hải quan tỉnh, thành phố đang tiếp tục tiến hành tổ chức ký kết biên bản ghi nhớ với doanh nghiệp trên địa bàn các đơn vị quản lý.

Chương trình thí điểm bước đầu giúp cơ quan Hải quan nâng cao hiệu quả quản lý hải quan trong hoạt động xuất nhập khẩu và phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật Hải quan. Thêm vào đó, thiết lập quan hệ đối tác giữa cơ quan hải quan và doanh nghiệp, doanh nghiệp tham gia Chương trình trở thành đối tác tin cậy, đồng hành cùng cơ quan Hải quan và là thành viên lan tỏa những lợi ích của Chương trình. Từ đó, nâng cao tính tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan trong cộng đồng doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của cơ quan hải quan. Đặc biệt, góp phần đáp ứng các yêu cầu cải cách, hiện đại hóa, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo Nghị Quyết 02/NQ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ./.

Chủ Nhật, 06:00, 01/01/2023
90ph tv 90 tv mitom link bong da tv soi kèo hôm nay Đại lý bóng đá mitom keo ma cao