111111

Nhìn lại thị trường vàng, ngoại hối và bất động sản 2009

Năm qua thị trường vàng, ngoại hối và bất động sản diễn biến rất sôi động và phức tạp. Tuy nhiên, với sự quản lý điều hành linh hoạt của Chính phủ, những xáo trộn này đã không gây ảnh hưởng nhiều đến sự ổn định của nền kinh tế.

Vàng sôi sục

Cùng với thị trường bất động sản, thị trường vàng trong nước trong năm qua sôi động chưa từng có. Quý I giá vàng tăng 4,6%, nhưng tính chung cả năm, giá vàng tăng tới 24% so với năm trước.

Giá vàng tăng - giảm chủ yếu theo giá thế giới, nhưng có thời điểm giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới. Chẳng hạn, ngày 20/3 giá vàng lên gần 20 triệu đồng/lượng, sau đó giảm nhẹ. Đến giữa tháng 6, giá vàng lên mức trên 21 triệu đồng/ lượng. Sau đó tiếp tục tăng và đứng khá lâu ở mức từ 22 đến 23 triệu đồng/ lượng. Rồi nhanh chóng lên mức 24 triệu đến 28 triệu đồng/ lượng trong các tháng tiếp theo của quý 3 và nửa đầu quý tư năm 2009. 

Đặc biệt ngày 11/11, tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh giá vàng lên mức kỷ lục 29,3 triệu đồng/ lượng, khiến thị trường nóng bỏng. Điều đáng nói là, mỗi khi  giá vàng tăng, thì người dân và những nhà đầu tư lại đổ xô đi mua - bán; khi vàng giảm đôi chút lại do dự, ngập ngừng, nghe ngóng.

Ngay trong ngày giá vàng tăng cao kỷ lục, Ngân hàng Nhà nước quyết định, cho phép  nhập khẩu thêm vàng để can thiệp thị trường. Giá vàng tăng chóng mặt một lần nữa là đề tài “nóng” được Quốc hội  rất quan tâm, nhưng với biện pháp quản lý kịp thời của Ngân hàng Nhà nước thì giá vàng đã ổn định trở lại. Điều này Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu khẳng định: “Biểu hiện của thị trường không phải do mất cân đối cung cầu. Cái khó là khi không mất cân đối mà giá vàng lại tăng. Chúng tôi cho nhập khẩu vàng chỉ vài tấn là để trấn an xã hội. Đây là quyết định kịp thời và kinh nghiệm can thiệp thị trường...”

Các chuyên gia dự báo, giá vàng năm 2010 tiếp tục có xu hướng tăng; nhưng nhiều khả năng bình ổn và không có những đợt tăng đột biến như năm 2009.

Giá USD tăng chóng mặt

Cũng như giá vàng, tỉ giá USD ngoài thị trường tự do sau thời gian ổn định, đến giữa tháng 11 bất ngờ tăng cao. Đỉnh điểm là ngày 10/11, tại Hà Nội, tỉ giá USD trên thị trường tự do đến 19.120 đồng, sau đó lên sát 20.000 đồng, gây xáo động mạnh trên thị trường và tâm lý của các nhà đầu tư.

Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng một cách thận trọng có kiểm soát cùng các biện pháp can thiệp; trong đó, có việc bán với quy mô lớn cho tất cả các tổ chức tín dụng có trạng thái ngoại tệ từ âm 5% trở xuống, nhằm đáp ứng nhu cầu ngoại tệ trên thị trường và ưu tiên những mặt hàng nhập khẩu phục vụ sản xuất.

Ngày 23/12 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ có văn bản yêu cầu 7 Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước bán ngay số ngoại tệ dưới dạng tiền gửi và các nguồn thu vãng lai cho các tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối, để hỗ trợ nguồn cung đáng kể cho các tổ chức tín dụng. Đồng thời, các tổ chức tín dụng, bao gồm cả tổ chức tín dụng đã mua ngoại tệ của 7 Tập đoàn, Tổng công ty có trách nhiệm đáp ứng đủ, kịp thời nhu cầu ngoại tệ cho các tập đoàn và tổng công ty nhà nước khi các đơn vị này có nhu cầu thanh toán. 

Theo Tiến sĩ Đinh Tuấn Minh, Trung tâm nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Đại học Quốc gia Hà Nội, việc can thiệp kịp thời của Chính phủ đã giúp thị trường ngoại hối bình ổn, nhất là thị trường tự do. Tiến sĩ Đinh Tuấn Minh phân tích: “Những chính sách can thiệp thị trường của Chính phủ đãp hát huy tác dụng tốt. Chính sách về tỉ giá thời gian qua đã giúp tỉ giá giảm giữa thị trường tự do từ 1.000 đồng thay vì 2.000 đồng/USD so với trước. Đây là chính sách mà theo tôi có tác động tương đối tốt...”.

Nhà đất nóng - lạnh thất thường

Một thị trường “nóng - lạnh” thất thường trong năm 2009 là thị trường Bất động sản. Đây là thị trường nhạy cảm vì nó liên quan tới các thị trường khác như: ngân hàng, chứng khoán, vàng, vật liệu xây dựng...

Tại thành phố Hồ Chí Minh trong sáu tháng đầu năm có khoảng hơn 5.000 căn hộ được rao bán, mức giá trung bình giảm khoảng 5% đến 7% so với quý 4/2008. Thị trường nhà đất ở Hà Nội, những tháng đầu năm với gần 1.500 căn hộ mới được chào bán nhưng số lượng giao dịch thành công không nhiều.

Tuy nhiên, từ quý 2, thị trường bất động sản bắt đầu ấm dần và trở nên “nóng” vào thời điểm tháng 9, 10 và 11. Đất nền dự án ở Thành phố Hồ Chí Minh, giá tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2008. Ở Hà Nội, hơn một tháng trước, cảnh hàng ngàn người xếp hàng từ sáng sớm để đăng ký mua căn hộ chung cư cho thấy, nhu cầu mua nhà chung cư bình dân rất lớn và giá cả tăng cao. Nhiều dự án chung cư cao cấp, giá tăng từ 10 - 15 triệu đồng/m2 so với giá gốc. Giá đất nền cũng tăng trung bình từ 20% - 30% so với trước đó vài tháng. Nhưng số người mua được nhà giá gốc không nhiều, chủ yếu là đầu cơ, mua đi bán lại, giá tăng ảo và ở dạng “bong bóng”.

 Từ nửa cuối tháng 11 đến nay, thị trường bất động sản ở Hà Nội có phần chững lại, các giao dịch và giá cả một số khu vực bắt đầu giảm nhẹ. Tại thành phố Hồ Chí Minh, tình trạng này xuất hiện sớm hơn. Nguyên nhân là, có sự điều chỉnh về tín dụng và việc thực hiện Luật thuế thu nhập cá nhân đối với các giao dịch bất động sản áp dụng từ ngày 26/9. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp thực hiện kế hoạch của Chính phủ xây dựng nhà ở xã hội bán cho người nghèo và người có thu nhập thấp, cũng góp phần giảm “sức nóng” về giá bất động sản.

Ông Phan Thanh Hùng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần bất động sản Petrolimex dự báo, năm 2010 thị trường bất động sản ổn định hơn so với nay. Tuy nhiên, sự ổn định ấy tuỳ thuộc nhiều vào chính sách vĩ mô của Nhà nước như thuế, lãi suất, tỉ giá, thị trường chứng khoán và thị trường vàng, đặc biệt là công tác quy hoạch. Dự thảo Luật Thuế nhà, đất dự kiến được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 giữa năm 2010 được hy vọng là cơ sở pháp lý để chống đầu cơ nhà đất, góp phần ổn định thị trường bất động sản.

Ông Phan Thanh Hùng nhận định: “Thị trường chỉ khởi sắc sau quý 2, tuy nhiên trong giai đoạn đầu năm cũng như 6 tháng đầu năm thì phân khúc nhà ở cho cấp độ trung bình vẫn là thu hút hơn cả vì phản ánh sức mua và nhu cầu thực của xã hội. Sau quý 2, phân khúc về văn phòng cũng như phân khúc về bất động sản du lịch sẽ khả quan hơn”.

Năm 2009 khép lại với những diễn biến sôi động, “nóng - lạnh” thất thường trên thị trường vàng, ngoại hối và bất động sản. Điều đó càng minh chứng một điều, sự can thiệp kịp thời, linh hoạt của Nhà nước là yếu tố rất quan trọng để những thị trường vốn rất nhạy cảm này từng bước vận hành theo đúng quy luật, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô theo chiều hướng tích cực hơn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên
90ph tv 90 tv mitom link bong da tv soi kèo hôm nay Đại lý bóng đá mitom keo ma cao