111111

“Trung Quốc muốn kiểm soát mọi hoạt động trên Biển Đông trong thời bình. Điều quan trọng với Trung Quốc ở đây theo tôi không phải là dầu khí hay nguồn lợi hải sản. Đó là vì chủ nghĩa dân tộc. Trung Quốc đã tự kể một câu chuyện cổ tích về sự kiểm soát lâu đời của họ ở Biển Đông và biến nó thành một phần quan trọng trong học thuyết ‘Giấc mộng Trung Hoa’ của ông Tập Cận Bình”, Giám đốc cơ quan Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI) Greg Poling nhận định.

Hồi tháng 4, khi Trung Quốc bắt đầu gia tăng các hoạt động gây hấn với láng giềng trên Biển Đông, có một số ý kiến nói rằng Bắc Kinh lợi dụng việc các nước trong khu vực phải bận rộn chống đại dịch Covid-19 và cả thế giới đang “đau đầu” nghĩ cách làm sao bảo vệ người dân khỏi virus SARS-CoV-2 để tăng cường “bắt nạt”. Tuy nhiên, bà Bonnie Glaser, Cố vấn Cấp cao về châu Á và Giám đốc Dự án Sức mạnh Trung Quốc tại Trung Tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho rằng, những gì Trung Quốc tiến hành trên Biển Đông trong thời gian dịch bệnh không có gì khác với những gì nước này đã làm trước đây.

"Ví dụ như việc Trung Quốc đưa tàu thăm dò tới khu vực ngoài khơi Malaysia. Năm ngoái, Trung Quốc cũng đã đưa tàu thăm dò địa chất tới khu đặc quyền kinh tế của Việt Nam và rõ ràng không có sự liên quan của Covid-19. Đó là những thứ mà Trung Quốc đã luôn luôn thực hiện. Thậm chí việc Trung Quốc đánh chìm tàu cá Việt Nam vừa qua cũng không phải là mới. Trung Quốc thỉnh thoảng vẫn đánh chìm các tàu cá nước ngoài nếu cho rằng tàu cá này có vẻ khiêu khích họ theo cách nào đó", bà Glaser nói.

Reuters ngày 3/4 dẫn nguồn tin từ lực lượng hải cảnh Trung Quốc cho rằng tàu cá Việt Nam đã xâm nhập “trái phép” khu vực quần đảo Hoàng Sa [thuộc chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam – ND] để đánh cá và đã không tuân theo yêu cầu rời khỏi khu vực này. Điều nực cười là phía Trung Quốc còn khẳng định tàu cá Việt Nam đã bị chìm khi đâm vào tàu hải cảnh Trung Quốc (?).

Các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp trái phép ở Biển Đông

"Những gì Trung Quốc thực hiện giống với những gì họ đã làm trước khi Covid-19 xuất hiện. Tuy nhiên, thật quá đáng khi Bắc Kinh tiếp tục cách hành xử đó trong bối cảnh các nước đang chật vật đối phó với dịch", ông Poling nói, lưu ý Trung Quốc có một phần lỗi khi để dịch bệnh bùng phát.

Giáo sư khoa học chính trị, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu An ninh tại Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), ông M.Taylor Fravel thì cho rằng, Trung Quốc có thể coi việc gia tăng tranh chấp chủ quyền quan trọng hơn việc tạm dừng lại một thời gian để tập trung vào đối phó với đại dịch Covid-19 hay cải thiện quan hệ với các nước khác trong khu vực.

Ngoài ra, vì cân nhắc sự tương quan giữa bất ổn định ở trong nước với các thách thức ở bên ngoài, giới lãnh đạo Trung Quốc có thể không chấp nhận tạm dừng hành động trên Biển Đông, với lo ngại đây sẽ là tín hiệu về sự yếu đuối hay thay đổi chiến lược của Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông.

Nhà nghiên cứu Jeff Becker trong một bài viết đăng tải trên website của Viện Chính Sách Chiến Lược Australia (ASPI) tháng 7/2020 cho rằng, Trung Quốc rõ ràng là đang muốn đẩy mạnh chiến dịch “nuốt trọn” Biển Đông.

Ông chỉ rõ: “Tham vọng chủ quyền của Trung Quốc có quy mô to lớn chưa từng thấy ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, cũng như chưa từng thấy trong luật pháp quốc tế. Đây chính là một kịch bản tồi tệ mà giới hoạch định chính sách quân sự và chiến lược thế giới phải tránh không cho xảy ra.

Không làm gì cũng đồng nghĩa với việc chấp nhận để cho Trung Quốc quyền kiểm soát thường xuyên các hoạt động kinh tế, quân sự trên một vùng đại dương rộng lớn có tính then chốt và chiến lược. Công nhận đòi hỏi chủ quyền rộng khắp của Trung Quốc trên một vùng rộng lớn như thế sẽ làm tăng nguy cơ những vùng biển chung rộng lớn của quốc tế bị những nước riêng lẻ chiếm dụng và kiểm soát”.

Nguồn: VOX

Đánh giá cao chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở của Mỹ - chiến lược được thiết kế để chống lại việc Trung Quốc đưa ra yêu sách đối với các vùng biển mà nước này không có quyền hợp pháp, Giáo sư Carl Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng, Trường Đại học New South Wales, Australia trả lời VOV cho rằng, Mỹ tuyên bố sẽ tiếp tục cho tàu thuyền, máy bay hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép. Điều này đồng nghĩa với việc Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục đi qua vùng biển xung quanh quần đảo Trường Sa ở Biển Đông hoặc cho máy bay bay qua khu vực này.

Cho đến nay, nguy cơ xảy ra va chạm Mỹ-Trung trên Biển Đông vẫn được đánh giá là ở mức thấp. Tuy nhiên, cũng đã có những cuộc chạm trán không an toàn trên không và ít nhất là một sự cố trên biển liên quan đến tàu khu trục USS Decatur khi một tàu khu trục lớp Luyang (Type-052C) của Trung Quốc đã tiếp cận tàu chiến Mỹ theo cách không an toàn và thiếu chuyên nghiệp tại khu vực gần đá Ga Ven trên Biển Đông hồi năm 2018.

“Kịch bản đáng lo ngại nhất liên quan đến trinh sát và/hoặc thu thập thông tin tình báo khi Mỹ hoặc Trung Quốc tiến hành một cuộc tập trận quy mô lớn. Việc một bên cố gắng thu thập thông tin có thể bị hiểu sai là hành động thù địch. Hiện tại, cả hai bên [Mỹ và Trung Quốc – ND] đều có hành động kiềm chế và khả năng xảy ra sự cố dẫn đến leo thang sử dụng vũ lực là thấp”, Giáo sư Thayer nói.

Đại sứ - PGS.TS Nguyễn Hồng Thao thì chỉ ra 4 nguy cơ ở Biển Đông: Thứ nhất là việc Trung Quốc sử dụng các doanh nghiệp nhà nước như công cụ cưỡng chế kinh tế và lạm dụng quốc tế. Thứ hai, việc thúc đẩy thông qua một Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) chỉ nhằm hợp pháp các hành động cải tạo đá, quân sự hóa, hay yêu sách biển bất hợp pháp sẽ gây tác hại nghiêm trọng và không thể chấp nhận với nhiều quốc gia. Thứ ba, bằng việc sử dụng lập luận “Chủ quyền thuộc Trung Quốc, gác tranh chấp cùng khai thác”, Trung Quốc đang tìm cách thống trị các nguồn tài nguyên dầu khí ở Biển Đông. Cuối cùng là vấn đề cần lựa chọn những người xứng đáng, khách quan, trung thực cho các cơ quan tài phán quốc tế.

Tàu sân bay USS Ronald Reagan (CVN-76) và USS John C. Stennis (CVN-74) cùng các tàu hộ tống hiện diện ở khu vực biển Philippines ngày 16/11/2018. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Trong khi đó, Giám đốc AMTI Greg Poling cho rằng, có ba kịch bản có khả năng xảy ra ở Biển Đông trong tương lai.

“Đầu tiên, vùng biển này sẽ trở thành ‘ao nhà’ của Trung Quốc. Đó dường như là xu hướng mà chúng ta đang thấy hiện nay. Thứ hai, xung đột quân sự Mỹ-Trung nổ ra sau một sự cố không đáng có. Đây là điều không ai mong muốn. Thứ ba, sự kết hợp giữa áp lực ngoại giao và sức ép kinh tế quốc tế cùng với sự răn đe quân sự của Mỹ và đồng minh, sự tăng cường năng lực ứng phó của các nước liên quan có khả năng khiến Trung quốc phải tìm đến một sự thỏa hiệp mà các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế có thể chấp nhận được. Lập trường chính sách của Mỹ được nêu ngày 13/7 là một trong những bước đi để bổ sung cho kịch bản thứ ba nêu trên”, ông Poling nói.

Ông Poling cho rằng tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo cũng sẽ giúp các bên có yêu sách ở Biển Đông có thêm niềm tin nếu họ khởi kiện chống lại Trung Quốc. Tuyên bố cũng sẽ giống như đòn bẩy khiến các nước châu Âu dễ dàng hơn trong việc lên tiếng bày tỏ quan ngại về các hoạt động bất hợp pháp của Trung Quốc, gây áp lực đáng kể cho các nước trong việc chọn bên. Theo đánh giá của giới phân tích, sự dịch chuyển trong lập trường của Mỹ đối với vấn đề Biển Đông là “sản phẩm” sinh ra từ sự gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa Washington và Bắc Kinh.

Những động thái gần đây của Mỹ được cho là đòn kích hoạt tập hợp lực lượng, tạo thế lớn mạnh hơn trong việc đối phó với Trung Quốc. Trong bối cảnh như vậy, Việt Nam nói riêng và khu vực nói chung sẽ đứng trước nhiều khó khăn và thách thức. Tuy nhiên, cũng có thể có những mặt thuận. Vậy làm sao để chúng ta có thể có cách ứng xử phù hợp, cân bằng giữa lợi ích quốc gia với quan hệ với các nước lớn? Đó thực sự là câu hỏi không dễ trả lời./.


Chủ Nhật, 06:21, 06/09/2020
90ph tv 90 tv mitom link bong da tv soi kèo hôm nay Đại lý bóng đá mitom keo ma cao