Có phúc dạy con biết lội
Trong những ngày chớm hè vừa qua liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn chết đuối. Kết quả điều tra cho thấy số trẻ em chết đuối hoặc tai nạn thương tích hàng năm chỉ đứng sau tai nạn giao thông, nhiều hơn so với các bệnh truyền nhiễm.
Năm nào chúng ta cũng tăng cường tuyên truyền, cảnh báo, rồi có cả những chương trình thiết thực như dạy bơi trong nhà trường, vậy mà những chuyện đau lòng như thế vẫn xảy ra...
Mới đây nhất, trong vài ngày cuối tháng Tư vừa rồi, tại Đà Nẵng và Thanh Hoá có 4 học sinh chết đuối. Còn theo thống kê trong 2 năm 2007 và 2008, mỗi năm cả nước có hơn 1 vạn trẻ em chết đuổi hoặc bị tai nạn thương tích, trung bình mỗi ngày hơn 30 em. Năm sau không giảm bao nhiêu so với năm trước.
Những cái chết thương tâm này rất đa dạng về địa hình và nguyên nhân. Không chỉ có trẻ em chết đuối khi trượt chân xuống kênh rạch, ao hồ... mà những hố đào để san lấp mặt bằng xây dựng, cống thoát nước không có nắp đậy ngay tại các đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh cũng là mối đe doạ đối với trẻ em. Năm 2008, có 4 em học sinh ở An Giang bị sét đánh lúc đang trú mưa trong một chuồng bò gần chỗ đá bóng.
Chính vì vậy, từ năm 2005 đến nay, mỗi năm Nhà nước đầu tư hàng ngàn tỷ đồng cho các hoạt động nhằm ngăn ngừa tai nạn thương tích ở trẻ em.
Nhiều mô hình ngôi nhà an toàn, trường học an toàn, cộng đồng an toàn đã góp phần giảm tỷ lệ chết và tàn tật ở trẻ em do tai nạn thươn tích gây ra. Về việc dạy bơi trong trường học, cho dù ngành giáo dục đào tạo cho rằng còn vướng mắc nhiều điều kiện như bể bơi ở đâu, giáo viên thế nào,... nhưng thời gian qua các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thực hiện khá tốt. Người ta làm các lồng bơi đơn giản bằng lưới, có thể nâng hạ đáy lồng để dạy cho trẻ em cỡ tuổi khác nhau; lên danh sách từng trường rồi di chuyển lồng bơi đến từng đoạn sông, làm sao tất cả học sinh đều được học bơi. Nhờ đó mà gần đây tại đồng bằng sông Cửu Long số trẻ chết đuổi đã giảm.
Góp phần làm giảm các vụ việc đau lòng này còn có một số doanh nghiệp ở An Giang, Nam Định sản xuất cặp đi học có chức năng trở thành phao cứu sinh khi bị rơi xuống sông.
Cùng với dạy bơi, việc tuyên truyền, cảnh báo được thực hiện thường xuyên, rồi các chương trình xoá cầu khỉ, xây cầu kiên cố, trang bị phao cứu sinh cho đò ngang, đò dọc, di dời nhà dân khỏi những vùng có nguy cơ sạt lở,... và nhiều chương trình lồng ghép nữa,... có thể là cả xã hội chung sức vào việc này. Những kết quả bước đầu là đáng ghi nhận và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Tuy nhiên, năm nào ở nước ta cũng có những con số báo động về tình trạng trẻ em chết đuổi nói riêng và bị tai nạn thương tích nói chung.
Khó khăn ở mỗi địa phương, mỗi vùng tuy khác nhau, nhưng nhìn chung có thể thấy là việc tuyên truyền, cảnh báo và cả các mô hình cụ thể vẫn chưa đủ trang bị cho trẻ em những kiến thức, kĩ năng cần thiết để tự bảo vệ mình. Có nhiều em tuy biết bơi, thậm chí bơi giỏi nhưng vẫn chết đuối hoặc bị tai nạn rất thương tâm.
Vì vậy, khi mà từng gia đình chưa đủ điều kiện, hay ở những vùng nông thôn, sông nước chưa có những tổ chức chuyên nghiệp để trông nom, giám sát các em, thì chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể, nhất là đoàn thanh niên cần có trách nhiệm hơn trong việc này.
Về phía chính quyền cần có sự cảnh báo, nhắc nhở thường xuyên, đồng thời nhân rộng những mô hình hiệu quả và phù hợp với điều kiện cụ thể, chẳng hạn như các nhóm trẻ gia đình. Còn về phía đoàn thanh niên cần tổ chức những câu lạc bộ, những buổi sinh hoạt tập thể bổ ích trong dịp hè để thu hút các em, hướng dẫn các em vừa chơi vừa học.
Thông qua đó, các em có thể tiếp nhận thêm nhiều kiến thức, kỹ năng cá nhân cũng như ý thức cộng đồng. Với tâm lý hiếu động, nếu các em không được tổ chức vui chơi, hướng dẫn phù hợp, thì không chỉ có nguy cơ chết đuối, bị tai nạn thương tích, mà rất dễ bị lạm dụng, bị lôi kéo vào tệ nạn xã hội hay vi phạm pháp luật...
“Có phúc dạy con biết lội...”, câu nói dân gian này hiểu theo nghĩa rộng thì không chỉ là dạy các em biết bơi. Các em cần có đủ kiến thức và kỹ năng để tự bảo vệ mình. Sự thiếu hụt, cho dù nhỏ thôi lúc còn thơ, sẽ trở thành lỗ hổng lớn trong cuộc đời sau này của các em./.