Lâm Đồng: Vận hành bộ máy mới ở xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn
VOV.VN - Sau hơn 2 tuần vận hành chính quyền địa phương hai cấp, vẫn còn nhiều điểm nghẽn trong phối hợp liên thông giữa các sở, ngành. Người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn gặp khó khăn khi tiếp cận các thao tác trực tuyến.
|
Dữ liệu đầu vào thiếu đồng bộ
Xã Phan Sơn mới, tỉnh Lâm Đồng được thành lập trên cơ sở hợp nhất xã Phan Sơn và xã Phan Lâm thuộc huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận cũ với diện tích trên 584 km2, dân số 7.428 người. Đây là xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, như K’ho, Raglai, Chăm…

Thực hiện chính quyền địa phương hai cấp, trụ sở UBND - HĐND xã Phan Sơn cũ được trưng dụng làm trụ sở UBND – HĐND xã Phan Sơn mới, còn trụ sở UBND - HĐND xã Phan Lâm cũ được trưng dụng làm trụ sở của Đảng uỷ xã và Trung tâm Phục vụ hành chính công (Trung tâm).
Theo thống kê, qua hơn 2 tuần vận hành, Trung tâm đã nhận trên 50 hồ sơ, chủ yếu liên quan đến việc chứng thực và hộ tịch. Trong đó, chỉ vài hồ sơ qua hệ thống trực tuyến, số còn lại là trực tiếp. Đến nay, đã giải quyết hết số hồ sơ trên.

Ông Mang Ngọc Thiết, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết, hiện nay Trung tâm chỉ có 3 người (1 Phó Giám đốc, 2 chuyên viên) nên khi có nhiều người dân liên hệ nộp hồ sơ thì phải chờ. Bên cạnh đó, hệ thống phần mềm hiện đang hoạt động thử nghiệm, cấu hình chưa hoàn thiện dẫn đến việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ thủ tục hành chính còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, trung tâm chưa có con dấu riêng và chữ ký số để phục vụ cho công việc.
"Máy móc hiện nay hay bị lỗi do đường truyền cũng như hệ thống phần mềm hộ tịch chưa đảm bảo vấn đề truyền dữ liệu. Giải quyết trực tiếp nhanh gọn nhất là thủ tục sao y chứng thực. Về cấp giấy chứng nhận hoặc sang nhượng đất đai, hiện nay chưa có hướng dẫn. Bà con cũng chưa biết ở Trung tâm sẽ tiếp nhận loại hồ sơ nào nên đi hỏi các phòng ban khác" - ông Mang Ngọc Thiết nói.
Do ở đây còn nhiều người không biết chữ, điện thoại thông minh cũng hạn chế, cùng với đó một số hộ dân chưa có định danh điện tử mức độ 2, chưa có số điện thoại để đăng nhập trên hệ thống dịch vụ công quốc gia, nên cũng chưa thực hiện tiếp nhận hồ sơ trực tuyến.

Đại uý K’Sáng, Trưởng Công an xã Phan Sơn, tỉnh Lâm Đồng cho biết, hiện nay tại địa bàn các xã, thị trấn của huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận cũ chỉ có một xã Bắc Bình mới sau khi sáp nhập là tiếp nhận và thực hiện định danh điện tử mức độ 2 cho bà con. Tuy nhiên, không phải vì lý do đó mà không hỗ trợ cho bà con trong giải quyết những thủ tục hành chính.
"Chúng ta có thể hướng dẫn, cầm tay chỉ việc, giúp cho bà con hiểu được và cũng có thể lấy định danh điện tử của người khai hộ. Có nghĩa là trong gia đình chỉ cần có một người, một thành viên sử dụng điện thoại thông minh và có định danh mức độ hai thì chúng tôi sẽ nhờ thành viên đó khai hộ cho thành viên khác trong gia đình" - Đại úy K'Sáng nói.
Phân cấp, phân quyền nhưng thiếu hướng dẫn
Bên cạnh đó, UBND xã chưa phân quyền đầy đủ cho chuyên viên của các bộ phận chuyên môn để xử lý hồ sơ thủ tục hành chính trên hệ thống phần mềm một cửa, nên khó có thể chuyển hồ sơ các thủ tục hành chính để xử lý.
Ông Mai Hồng Đăng, Chủ tịch UBND xã Phan Sơn cho biết, do đây là vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, địa bàn rộng, phức tạp, nhiều cán bộ mới về, nên còn không ít bỡ ngỡ. Trong khi đó, nhiều lĩnh vực chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể.

"Đối với phân công lãnh đạo uỷ ban thì đang lấy ý kiến để hoàn chỉnh, vì hiện nay có một số nội dung còn băn khoăn. Chúng tôi thì mới về, phân cấp phân quyền thì nhiều nhưng thiếu hướng dẫn, xã này thì để nội dung này, xã kia thì lấy nội dung khác, phải nghiên cứu, học hỏi và thỉnh thị thêm mới hoàn thành việc phân công cho lãnh đạo của uỷ ban, như Bộ Giáo dục và đào tạo chưa có thông tư hướng dẫn, chưa đưa vô được trong phân công nhiệm vụ" - ông Mai Hồng Đăng thông tin thêm.
Hiện nay, Trung tâm Phục vụ hành chính công của xã Phan Sơn, tỉnh Lâm Đồng đang tận dụng cơ sở vật chất và trang thiết bị, máy móc của 2 xã (Phan Lâm, Phan Sơn cũ) để sử dụng chưa đảm bảo theo quy định.
Không chỉ gặp khó khăn trong việc xử lý các thủ tục hành chính, mà cán bộ, công chức ở đây cũng gặp khó khăn về nơi ăn ở, sinh hoạt. Hiện một số cán bộ, công chức công tác xa nhà, địa phương bố trí nơi ở tạm thời tại các nhà sinh hoạt cộng đồng các thôn.
Lãnh đạo xã Phan Sơn cho biết, sẽ sớm khắc phục khó khăn, vướng mắc ban đầu để cùng 44 xã, phường, đặc khu trên địa bàn tỉnh Bình Thuận cũ vận hành thông suốt mô hình chính quyền mới, gần dân, sát dân hơn.