111111

Việc tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài không chỉ đơn thuần ghi nhớ công lao của một lãnh tụ mà còn là một phần cốt lõi trong hoạt động ngoại giao văn hóa của Việt Nam. Chúng ta dùng văn hóa như một cầu nối để thúc đẩy quan hệ ngoại giao, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Tôn vinh Bác ở nước ngoài chính là tôn vinh một nền văn hóa với tư tưởng nhân văn sâu sắc, truyền thống yêu nước, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.

Đây là cách để ghi nhận những đóng góp của Người trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, vì tự do, công bằng và tiến bộ xã hội - những giá trị phổ quát mà cộng đồng quốc tế trân trọng, đồng thời cũng là lý do UNESCO vinh danh Bác là Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất. Hình ảnh của Bác là sợi dây kết nối giữa Việt Nam và các dân tộc từng chịu áp bức trên thế giới.

Hiện nay chúng ta đã triển khai nhiều hình thức tôn vinh như xây dựng công viên, tượng đài, bảo tàng, phòng trưng bày, tổ chức hội thảo, triển lãm… Tuy nhiên, tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, rất cần có một "Không gian văn hóa Hồ Chí Minh" được quy chuẩn. Đây không chỉ là nơi tưởng niệm mà còn để giới thiệu tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người.

“Không gian văn hóa Hồ Chí Minh’ không chỉ là một hình thức tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh trong nước mà còn đang được phát triển ở nước ngoài như một cách để giới thiệu rộng rãi những giá trị và tư tưởng cao đẹp của Người đến với bạn bè quốc tế. Thông qua các không gian này, chúng ta đã và đang thể hiện những kiến nghị, thông điệp của Việt Nam về những tư tưởng lớn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh theo đuổi – đó là độc lập dân tộc, phát triển bền vững, tự do, bác ái và đoàn kết quốc tế. Đây là những giá trị không chỉ riêng của Việt Nam mà còn mang tính toàn cầu, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao”, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ khẳng định.

“Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” sẽ được xây dựng với một số cấu phần trọng tâm: 

- Quốc kỳ Việt Nam và quốc kỳ nước sở tại, biểu trưng cho quan hệ đối tác hữu nghị; 

- Tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, có thể bằng nhiều chất liệu phù hợp, với kiểu dáng bán thân, toàn thân, tư thế đứng, ngồi tùy thuộc vào không gian; - Khu trưng bày tranh, ảnh, hiện vật giới thiệu cuộc đời, tư tưởng và phong cách sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh; 

- Hình ảnh thể hiện quan hệ song phương, đặc biệt là những tư liệu quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân và lãnh đạo nước sở tại (nếu có). Tủ sách, ấn phẩm đa ngữ giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam và các tác phẩm tiêu biểu của Bác Hồ. 

“Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” không chỉ là địa điểm trưng bày truyền thống mà còn là nơi kết nối giá trị - nơi bạn bè quốc tế có thể cảm nhận sâu sắc tinh thần Việt Nam thông qua hình ảnh một con người vĩ đại. Từ đó, góp phần làm giàu thêm sự hiểu biết lẫn nhau, củng cố tình hữu nghị, lan tỏa khát vọng hòa bình, hợp tác, phát triển mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng theo đuổi. 

Ông Jonathan Wallace Baker - Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cho rằng việc xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” tại các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài là một ý tưởng tuyệt vời.

“Khi chúng ta suy ngẫm về tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh hôm nay, chúng ta cũng ghi nhận vai trò đặc biệt của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” do họ xây dựng. Những không gian này không chỉ là nơi tưởng niệm mà còn là biểu tượng sống động cho các giá trị của Người, thể hiện cam kết suốt đời của Người đối với giáo dục, đối thoại văn hóa quốc tế, hòa bình và phát triển lấy con người làm trung tâm”.

Ông Aadit Samphaiworakit, Tham tán Công sứ, Đại sứ quán Thái Lan tại Hà Nội thì cho rằng: “Mặc dù lịch sử giữa hai nước có những điểm khác biệt, nhưng điều mà chúng ta có chung chính là tình yêu và sự tôn kính sâu sắc dành cho các vị lãnh tụ của mình. Vì vậy, theo tôi, việc xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” là một ý tưởng rất hay, rất đáng trân trọng và đáng tự hào”.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh cần được thực hiện thông qua nhiều hình thức đa dạng, không chỉ dừng lại ở các không gian vật lý mà còn cần mở rộng sang những “không gian phi vật thể” như văn học, nghệ thuật, biểu diễn, phim ảnh... Đồng thời, cần tận dụng công nghệ số, truyền thông đa phương tiện để lan tỏa những tư tưởng và giá trị của Người một cách nhanh chóng, hấp dẫn và chạm đến cảm xúc của công chúng.

“Xây dựng ‘Không gian văn hóa Hồ Chí Minh’ là quá trình kiến thiết một thiết chế văn hóa tại một địa bàn dân cư nhất định - nơi hội tụ những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể mang dấu ấn sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Không gian này giúp công chúng hiểu biết sâu sắc hơn về thân thế, sự nghiệp và tư tưởng cách mạng của Người”, ông Đoàn Văn Báu, Vụ trưởng Vụ Lý luận Chính trị, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương nhận định.

“Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị di sản quý báu gắn liền với cuộc đời và tư tưởng của Bác. Mỗi không gian như vậy chính là một "bảo tàng sống" về Chủ tịch Hồ Chí Minh – nơi ánh sáng tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người được lan tỏa, qua đó góp phần xây dựng đạo đức, lối sống nhân văn, tiến bộ cho xã hội.

Các “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” ở nước ngoài còn là những "địa chỉ đỏ" để giáo dục truyền thống, văn hóa dân tộc cho cộng đồng người Việt Nam xa xứ, đặc biệt là thế hệ trẻ, sinh viên, du học sinh. Đây là nơi họ có thể tìm hiểu, học hỏi và trải nghiệm những giá trị tư tưởng, đạo đức và lịch sử gắn liền với Bác, đồng thời tạo cầu nối gắn kết cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Không gian này cũng sẽ là nguồn tư liệu quý cho các học giả, nhà nghiên cứu và bạn bè quốc tế yêu mến Chủ tịch Hồ Chí Minh, giúp họ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung và làm phong phú thêm những hiểu biết về di sản Hồ Chí Minh, cũng như về đất nước và con người Việt Nam.

Chia sẻ về những hoạt động cụ thể trong việc xây dựng và lan tỏa "Không gian văn hóa Hồ Chí Minh", ông Nguyễn Văn Thảo - Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ cho biết: "Nhân dịp các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao nước ngoài tới Việt Nam, chúng tôi thường tổ chức các nghi lễ dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh tại cơ quan đại diện. Tuy nhiên, theo tôi, việc này nên được mở rộng hơn, không chỉ giới hạn trong các sự kiện ngoại giao cấp cao, mà cần tổ chức nhân các dịp lễ lớn của đất nước, với sự tham gia của kiều bào, sinh viên và cộng đồng người Việt ở nước ngoài".

Theo Đại sứ Nguyên Văn Thảo, chúng ta cần đa dạng hóa hình thức tổ chức các hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các hoạt động này không chỉ nên diễn ra trực tiếp tại các cơ quan đại diện, mà có thể kết hợp cả hình thức trực tuyến, phối hợp với cộng đồng kiều bào, sinh viên và bạn bè quốc tế. Chúng ta có thể tổ chức các chương trình tưởng niệm, tọa đàm, triển lãm ảnh, thi tìm hiểu, hoặc đơn giản là lan tỏa những hình ảnh, kỷ vật về Bác – như tranh, ảnh nhỏ – để trao tặng cho bạn bè quốc tế và các đối tác sở tại. Đó là những hình thức tuy nhỏ nhưng mang ý nghĩa sâu sắc, góp phần quảng bá hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh một cách gần gũi và bền vững.

Về nguồn lực triển khai, cần có sự huy động tối đa từ nhiều phía. Trong thực tế, đã có nhiều tổ chức và cá nhân trong nước sẵn sàng tài trợ ban thờ, tượng Bác, phù điêu… để đưa ra nước ngoài phục vụ việc thiết lập các không gian tưởng niệm.

“Đây là điều rất đáng quý và chúng ta nên tiếp tục phát huy. Việc tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan đại diện mà cần có sự tham gia của toàn xã hội, đặc biệt là cộng đồng kiều bào. Kiều bào ta ở nước ngoài luôn sẵn sàng đóng góp, không chỉ về vật chất mà còn về tinh thần, trí tuệ, tổ chức các hoạt động tưởng niệm, giáo dục, giao lưu… Đó là nguồn lực vô cùng to lớn nếu được huy động và phối hợp hiệu quả với sở tại”, Đại sứ Nguyễn Văn Thảo cho hay.

Các hoạt động tôn vinh Bác ở nước ngoài cần gắn liền với công tác xã hội và có sự tham gia rộng rãi của cộng đồng người Việt ở nước ngoài, đặc biệt là lực lượng trí thức, sinh viên và thế hệ trẻ. Chúng ta có khoảng 600.000 kiều bào và hơn 130.000 sinh viên đang học tập ở nước ngoài - đây là lực lượng quan trọng cần được huy động trong các hoạt động như hội thảo, tọa đàm, cuộc thi sáng tác, các chương trình kỷ niệm, các sự kiện văn hóa nghệ thuật…

Việc tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng cần được đặt trong một chiến lược tổng thể và có sự chỉ đạo thống nhất. Cần có sự phối hợp giữa Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, và các bộ, ngành liên quan để ban hành các hướng dẫn cụ thể, bộ hồ sơ mẫu về thiết kế “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh”, nội dung triển lãm, tài liệu truyền thông và các mẫu chương trình hoạt động. Khi có sự chỉ đạo thống nhất như vậy, các cơ quan đại diện sẽ chủ động hơn trong xây dựng kế hoạch và triển khai công việc phù hợp với điều kiện sở tại. Đồng thời, cần có cơ chế hỗ trợ tài chính, kỹ thuật và truyền thông để nâng cao hiệu quả hoạt động.

Cuối cùng là tầm quan trọng của việc phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan đại diện. Theo Đại sứ Nguyễn Văn Thảo: “Riêng tại khu vực châu Âu, chúng tôi đã có những chương trình phối hợp rất hiệu quả. Mới đây, nhân dịp sinh nhật Bác, các cơ quan đại diện và bà con kiều bào đã cùng tổ chức lễ dâng hương tại tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Ba Lan – một hoạt động “về nguồn” mang tính lan tỏa sâu sắc, tạo nên sự kết nối cộng đồng và nâng cao giá trị văn hóa - tinh thần của dân tộc ta trên trường quốc tế”.

Theo ông Đoàn Văn Báu: “Nhìn lại các hoạt động đã triển khai, chúng tôi cho rằng đó mới chỉ là những bước đi ban đầu trên hành trình xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” tại nhiều quốc gia. Tuy nhiên, kết quả bước đầu đó đã khẳng định tính đúng đắn của chủ trương này và mở ra triển vọng phát triển sâu rộng hơn trong thời gian tới”.

Ông Jonathan Wallace Baker nhận định: “Việt Nam hiện là một hình mẫu tiêu biểu về ngoại giao văn hóa, đã có nhiều nỗ lực đáng ghi nhận trong việc quảng bá văn hóa dân tộc cả trong nước lẫn quốc tế. Việc tạo dựng các không gian văn hóa nhằm tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh - về cuộc đời, sự nghiệp và di sản của Người không chỉ có ý nghĩa đối với người dân Việt Nam mà còn có giá trị đối với toàn thế giới. Bởi lẽ, những tư tưởng và giá trị mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại không chỉ là của riêng Việt Nam mà còn là giá trị chung của nhân loại, cũng là những giá trị mà UNESCO tôn vinh. Do đó, việc xây dựng những “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” tại các đại sứ quán sẽ là cách thiết thực và đầy ý nghĩa để lưu giữ ký ức về Người trong xã hội ngày nay”.

Tác giả: Kiều Anh, Bích Thuận, Ngọc Diệp, Lê Hoàng, Hùng Cường

Nguồn ảnh: Tài liệu lưu trữ Bộ Ngoại giao, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Anh Tuấn, Đặng Cường, Hà Phương

Chủ Nhật, 06:37, 06/07/2025

90ph tv 90 tv mitom link bong da tv soi kèo hôm nay Đại lý bóng đá mitom keo ma cao